Nhật Bản đau đầu với làn sóng “tội phạm xám”

05/12/2020 11:50

Làn sóng “tội phạm xám” - cụm từ chỉ tội phạm cao tuổi - kéo dài dai dẳng ở Nhật Bản đã khiến các chuyên gia lo ngại và các nhà chức trách bối rối, khi dữ liệu của cảnh sát cho thấy sự gia tăng đột biến trong hành vi trộm cắp ở những người cao tuổi hiện nay.

Công dân Nhật Bản Nonaka Shunichi, 72 tuổi cùng số ma túy giấu trong hành lý bị phát hiện tại sân bay quốc tế Phnom Penh tháng 2/2020

Hoàn cảnh khó khăn và vấn đề tâm lý


Theo số liệu do Bộ Tư pháp công bố tuần trước số vụ bắt giữ ở Nhật Bản đã giảm đều đặn trong 17 năm qua, mặc dù xu hướng “tội phạm xám” là một ngoại lệ đáng kể. Năm ngoái, các vụ bắt giữ ở nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 192.607 vụ và 748.559 đối tượng, mức thấp nhất kể từ năm 1945. Trong khi các vụ trộm cắp chiếm chưa đến một nửa tổng số vụ phạm tội được báo cáo, 70% số thủ phạm là người từ 70 tuổi trở lên. Và trong số 42.463 người cao tuổi bị bắt, 1/3 là phụ nữ từ 65 tuổi trở lên và 90% phụ nữ bị bắt giữ đều vì tội trộm cắp.

Giáo sư Shinichi Ishizuka tại Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học thuộc Đại học Ryukoku ở Kyoto cho biết, có một số yếu tố góp phần đằng sau số lượng tội phạm ngày càng tăng của những người về hưu, nhưng đối với nhiều người, đó là cách gây chú ý. “Nhiều trường hợp này là người già, vợ hoặc chồng mất nên họ sống một mình, con cái dọn ra ở riêng, lập gia đình, sinh con và xây dựng cuộc sống riêng nên ít gặp người thân. Vì vậy, nói một cách đơn giản, họ từng có cuộc sống bận rộn và mãn nguyện, nhưng đột nhiên họ không còn gì để làm nữa. Họ bị cô lập, bị trầm cảm và đối với một số người, đây là một cách để thu hút sự chú ý”, Giáo sư Shinichi Ishizuka nói.

Đối với những người khác, động cơ của hành vi trộm cắp chỉ đơn giản là để có đủ thức ăn hoặc tiền để sống qua ngày. Tình thế này có thể trở nên tồi tệ hơn khi đại dịch Covid-19 tiếp diễn và những người về hưu vốn đã phải tìm thêm công việc bán thời gian để kiếm thêm một ít tiền tiêu vặt bổ sung vào nguồn lương hưu ít ỏi càng thấy thu nhập của họ ngày càng cạn kiệt. Vào cuối tháng 9-2020, cảnh sát ở Yokohama đã bắt giữ một cụ ông 77 tuổi vì tình nghi ăn trộm 1.500 yên (14,35 USD) từ một hộp quyên góp tại một ngôi đền địa phương. Người này không có địa chỉ cố định và thất nghiệp, đã lấy đồ trong hộp đồ cúng nhiều lần kể từ đầu mùa hè.

Mục tiêu săn đuổi của thế giới tội phạm

Ngày càng có nhiều người lớn tuổi trở thành mục tiêu của thế giới tội phạm của Nhật Bản trong các vụ buôn lậu ma túy quốc tế. Đơn cử, trước khi đại dịch làm cho hoạt động đi lại giữa các nước ngừng trệ, nhiều hành khách lớn tuổi người Nhật Bản đã bị nhà chức trách Trung Quốc và Campuchia phát hiện hành lý có mang theo ma túy.

Tháng 9-2020, ông Shunichi Nonaka, 72 tuổi, người Nhật Bản đã bị tòa án ở Campuchia kết án 25 năm tù vì phạm tội “buôn bán, tàng trữ và buôn lậu” methamphetamine. Ông này bị bắt vào tháng 2-2020 tại sân bay quốc tế của Thủ đô Campuchia trước khi có thể lên chuyến bay tới Nhật Bản quá cảnh ở Hàn Quốc. Trong quá trình chụp X-quang hành lý của ông Shunichi, các quan chức hải quan tìm thấy 1,7kg ma túy trong vali. Ông Shunichi nói với các điều tra viên rằng, ông đã được một người đàn ông sống ở Phnom Penh đưa cho gói hàng ngay sau khi ông đến thành phố này 2 ngày trước đó. Các nhà chức trách tin rằng đây là hoạt động của một tập đoàn buôn lậu có tổ chức. Tương tự, cựu chính trị gia 76 tuổi Nhật Bản Takuma Sakuragi đã bị kết án tù chung thân ở Trung Quốc vào tháng 11-2019 sau khi bị giam giữ tại sân bay quốc tế Bạch Vân Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông với 3,3kg methamphetamine trong hành lý.

Ông Jake Adelstein, một nhà văn chuyên viết về thế giới ngầm của Nhật Bản, cho biết độ tuổi trung bình của yakuza Nhật Bản hiện nay là khoảng 50 và họ sẽ không “nhúng chàm” nữa. Bởi vậy, giới tội phạm ngầm tuyển mộ người già. Mục tiêu là những người đã bị mất việc trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007 và quá già để đi làm trở lại trong khi tiền lương hưu mà họ nhận được không đủ để duy trì cuộc sống. Ông Adelstein cho biết, các băng đảng buôn lậu “không quan tâm” khi ai đó bị bắt và các tòa án ở Nhật Bản thường khoan hồng hơn đối với những người lớn tuổi bị bắt vì buôn lậu, với nhiều án treo hơn là tù. Tuy nhiên, nếu họ bị bắt ở các khu vực pháp lý khác, các bản án sẽ nghiêm khắc hơn nhiều.

Tại Nhật Bản, quốc gia có dân số 126 triệu người, hơn 1/4 số người từ 65 tuổi trở lên. Tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng lên 1/3 vào năm 2050. Để hiểu rõ nguyên nhân và ngăn chặn làn sóng “tội phạm xám” trong tương lai, Bộ Tư pháp đã khởi động một dự án nghiên cứu, trong khi sở cảnh sát ở những khu vực có số lượng tội phạm lớn do người cao tuổi gây ra đã khảo sát các thủ phạm. Tuy nhiên, chưa có chiến dịch toàn diện nào do chính phủ chỉ đạo để giải quyết vấn đề này.
Top