Nguy cơ lớn khi người mắc lao giấu bệnh

02/06/2020 17:00

Việc giấu bệnh lao sẽ dẫn tới nguy cơ lây lan bệnh cho những người xung quanh và cộng đồng. Vì vậy, để điều trị khỏi bệnh lao và kiểm soát bệnh, cách tốt nhất là người bệnh lao không giấu bệnh, đồng thời phải đi khám và điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ.

 Khuẩn gây bệnh lao - Ảnh internet

Các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh không được giấu bệnh, mà nên hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người cao tuổi, trẻ nhỏ, những người có hệ miễn dịch kém. Dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho. Không khạc nhổ bừa bãi, khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.

Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh lao phổi thuộc nhóm B các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong. Theo quy định tại Điều 8 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm nếu che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài để xử lý hành vi.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết, khi bệnh nhân lao phổi nói, nhất là khi ho hoặc hắt hơi, họ sẽ bắn ra xung quanh muôn ngàn những hạt đờm nhỏ, trong các hạt đều có chứa một số vi trùng lao có thể gây nhiễm. Số lượng các hạt nhỏ bắn ra xung quanh bệnh nhân rất lớn khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi.

Khi tiếp xúc với không khí, bề mặt, những hạt nhỏ này sẽ khô dần đi và trở thành những hạt rất nhẹ luôn chứa vi trùng lao còn sống lơ lửng trong không khí một thời gian. Ở nơi tù hãm, những hạt này còn lơ lửng trong không khí lâu hơn nữa và các vi trùng có thể sống nhiều giờ trong bóng tối.

Như vậy, những người sống gần hay ngủ gần bệnh nhân lao sẽ có nguy cơ hít phải những hạt nhỏ gây nhiễm. Nguy cơ lây nhiễm càng cao khi sự tiếp xúc càng mật thiết vì liên quan đến mật độ vi trùng trong không khí. 2 yếu tố chủ yếu xác định nguy cơ lây truyền vi trùng lao cho người lành là nồng độ những hạt nhỏ gây nhiễm lơ lửng trong không khí và thời gian mà người đó hít thở không khí này.

Tuy nhiên, không phải người nào bị nhiễm vi khuẩn lao cũng phát bệnh. Có khoảng 1/3 dân số thế giới mang vi trùng lao trong cơ thể, nhưng chỉ một số ít người bị phát thành bệnh. Một số người mang vi trùng lao tiến triển thành bệnh lý là do họ bị suy giảm miễn dịch. Hệ miễn dịch suy giảm có thể do nhiều yếu tố: Do bệnh tật, căng thẳng, dinh dưỡng kém, hoặc những lý do khác. Một người có thể mang mầm bệnh lao trong nhiều năm trước khi có biểu hiện bệnh lao.

PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung cho biết, những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao bao gồm: Tiếp xúc với người bị lao thường xuyên; khi cơ thể suy giảm hệ miễn dịch hoặc sống trong không gian chật hẹp như trại giam, phòng trọ; dinh dưỡng kém, sức đề kháng suy giảm, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, mắc bệnh đái tháo đường, đang nhiễm HIV/AIDS...

Khi có những triệu chứng như ho khan hoặc khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, có thể khạc đờm lẫn máu; cảm giác mỏi mệt toàn thân, chán ăn, sụt cân trong những tháng đầu; sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm về đêm; cảm thấy khó thở, tức ngực, có khi ho ra máu. Nếu thấy ho khạc kéo dài trên 3 tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều thì phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đờm tại bệnh viện ngay.

Bên cạnh đó, bảo đảm vệ sinh môi trường nơi ở như thông khí tự nhiên (thường xuyên mở cửa ra vào, cửa sổ, bảo đảm thông thoáng, có ánh nắng), thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn vì ánh sáng trực tiếp của mặt trời tiêu hủy vi trùng lao nhanh chóng. Do đó, làm thông thoáng không khí và phơi sáng nơi bệnh nhân lao sống có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm cho những người sống tiếp xúc với họ.
Top