Người thầy trong ngôi trường đặc biệt

25/05/2019 10:39

Cởi mở, dễ gần là ấn tượng đầu tiên của tôi đối với Đại tá Nguyễn Đình Ba, Giám thị trại giam Gia Trung, Bộ Công an - người vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc tại Hội nghị sơ kết công tác quý I của Bộ Công an cuối tháng 3 vừa qua.

Anh là người duy nhất của lực lượng cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng được tặng vinh dự này.

Vốn sinh ra trên vùng đất Quảng Nam chịu sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh, bố mẹ Đại tá Nguyễn Đình Ba đều tích cực tham gia cách mạng. Mẹ anh là liệt sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bố anh đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) tặng bằng khen. 35 năm công tác, trong đó, gần 33 năm Đại tá Nguyễn Đình Ba gắn bó với “nghiệp” giáo dục, cải tạo phạm nhân.

Đại tá Nguyễn Đình Ba chỉ đạo cán bộ chiến sĩ làm tốt công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân

Lấy nhân tâm để cảm hóa đối tượng

Có lẽ, suốt cuộc đời phạm nhân Lê Văn Đức (sinh năm 1969, ở Cầu Giấy, Hà Nội) không bao giờ quên được những tình cảm mà các thầy ở trại giam Gia Trung, đặc biệt là Đại tá Nguyễn Đình Ba - Giám thị dành cho mình. Bởi, đối với Đức, thì Đại tá Nguyễn Đình Ba không chỉ là thầy mà còn là người thân, là chỗ níu tựa ở phía cuối đường hầm.

Đức là phạm nhân bị kết án tử hình nên mọi cánh cửa cuộc đời dường như đã chấm hết nhưng may mắn được Chủ tịch nước ân giảm xuống án chung thân, thi hành án ở trại giam Nam Hà.

Án tù trọn đời trong khi hoàn cảnh gia đình vô cùng bi đát bởi mẹ đã mất, bố 88 tuổi, em trai chán nản nên đã tự tử. Đức không yên tâm cải tạo bởi anh ta nghĩ rằng, cuộc đời mình chả còn gì để mất. Không chỉ thế, một thời gian ngắn sau khi Đức đi thi hành án thì vợ anh ta cũng bị bắt vì mua bán trái phép chất ma túy nên hai đứa con nhỏ phải nhờ họ hàng nuôi dưỡng, Đức càng chán nản, quậy phá hơn. Chính vì vậy, khi thi hành án ở trại giam Nam Hà, Đức thường xuyên vi phạm kỷ luật, câu kết với một số phạm nhân khác chống cán bộ.

Cũng vì thế mà Đức bị điều chuyển về trại giam Gia Trung để tiếp tục cải tạo. Nghiên cứu hồ sơ, nắm được gia cảnh của Đức, Đại tá Nguyễn Đình Ba đã gặp riêng Đức để giáo dục, động viên. Lúc đầu, Đức vẫn tỏ thái độ bất cần nhưng anh Ba không ngại, một mặt thường xuyên gặp gỡ, giúp đỡ Đức cả vật chất và tinh thần, lúc thì đơn vị tặng quà dịp lễ tết không người đến thăm, lúc thì giám thị dùng tiền túi của mình để nộp ký gửi giúp Đức cải thiện thêm bữa ăn hay mua các đồ dùng cần thiết.

Đặc biệt, Đại tá Nguyễn Đình Ba đã “đánh trúng” tâm lý thương con của Đức. Khi anh nhắc đến 2 đứa trẻ bơ vơ không người chăm sóc, Đức đã khóc nức nở, hứa sẽ cải tạo tốt nhất để có cơ hội được giảm án, về với các con. Cũng nhờ đó, suốt 3  năm nay, kết quả cải tạo của Đức luôn đạt khá.

Đại tá Nguyễn Đình Ba trao quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho các phạm nhân

Không chỉ Đức mà hàng loạt đối tượng “đình đám” từ các trại giam khác chuyển về như Phạm Hồng Lây, án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy; Trần Văn Lộc có 10 tiền án, phạm nhiều tội như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, trốn khỏi nơi giam... Những đối tượng này thường xuyên vi phạm kỷ luật, bị điều chuyển nhiều trại giam rồi đến thi hành án ở Gia Trung.

Đại tá Nguyễn Đình Ba chia sẻ: “Những đối tượng vi phạm kỷ luật bị điều chuyển đều là những kẻ “đầu bò đầu bướu”, nhiều tiền án, tiền sự và thường xuyên vi phạm, chống đối, thậm chí lôi kéo, kích động phạm nhân khác chống đối nên tôi thường dành thời gian nghiên cứu hồ sơ để có biện pháp giáo dục. Thậm chí, có phạm nhân bất cần, đã nói thẳng “ông gặp tôi, tôi cũng không yên tâm cải tạo, tôi sẽ tìm cách trốn”.

Dù vậy, tôi luôn tâm niệm rằng, đã là con người, dù phạm tội chuyên nghiệp nhưng trong sâu thẳm họ vẫn có danh dự, vẫn có gia đình nên tôi thường phân tích sâu về vấn đề này để họ hiểu rằng, bố mẹ thì chỉ có một thôi, bố mẹ đã vui thế nào khi con ra đời và buồn phiền thế nào khi con vào tù ra tội. Từ điểm này, tôi đã tác động tâm lý, khơi gợi sự tự trọng, tình cảm gia đình trong họ... Đối với những phạm nhân không có người thăm nuôi, đơn vị thường tặng quà; khi ốm đau được cấp thuốc, chăm sóc chu đáo. Dần dần, các phạm nhân này đã hiểu ra, chấp hành tốt quy định trại giam, được xếp loại cải tạo khá”.

Ở trại giam Gia Trung, hàng ngàn phạm nhân đều tự giác tham gia mọi hoạt động trong trại. Hằng năm khi đến thời điểm xét giảm án, đặc xá, trại tổ chức bình xét công khai từ hội đồng phạm nhân ở các buồng giam, phân trại đến lãnh đạo chỉ huy các phân trại và hội đồng xét giảm án các cấp, không để sót phạm nhân cải tạo khá, tốt mà không được giảm án, không để lọt phạm nhân không đủ điều kiện ở trong danh sách đề nghị đặc xá...

Từ năm 2012 đến nay đã có trên 9.000 lượt phạm nhân được các cấp xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Từng phạm nhân đã có sự thay đổi, chuyển biến tích cực trong nhận thức, từ mặc cảm đến yên tâm và tự giác chấp hành cải tạo. Nhiều phạm nhân có mức án cao 20 năm đến chung thân không còn tư tưởng chống đối hoặc âm mưu trốn khỏi nơi giam giữ.

Một buổi học văn hóa của các phạm nhân ở Trại giam Gia Trung

Sáng tạo trong giáo dục, cải tạo phạm nhân

Trại giam Gia Trung có quy mô giam giữ hàng ngàn phạm nhân, thuộc 4 xã của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Đây là địa phương có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60% dân số; xung quanh đơn vị có 13 bản làng người đồng bào dân tộc thiểu số Bana và Tày sinh sống. Khí hậu khắc nghiệt, đời sống kinh tế, xã hội dù được sự quan tâm, đầu tư xây dựng trong nhiều năm qua nhưng đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh chính trị phức tạp...

Nhưng, với cương vị là giám thị từ năm 2010 đến nay, Đại tá Nguyễn Đình Ba luôn trăn trở, tìm nhiều biện pháp, học tập kinh nghiệm của cán bộ lãnh đạo đã có quá trình tham gia công tác ở các trại giam trong toàn quốc, năng động sáng tạo, cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ trại giam Gia Trung phấn đấu liên tục 10 năm đạt “Đơn vị quyết thắng”, lá cờ đầu của Bộ Công an trong khối các trại giam. Đặc biệt, năm 2015 đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.

Để giúp các phạm nhân xóa đi mặc cảm, là thủ trưởng đơn vị, Đại tá Ba đã trực tiếp gặp gỡ các phạm nhân mới để giáo dục đường lối, chính sách nhân đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm động viên phạm nhân an tâm tư tưởng cải tạo; giao trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) quản lý, giám sát, theo dõi trong lao động, sinh hoạt nếu có hiện tượng “anh chị” phải răn đe, giải quyết, xử lý kịp thời; giao nhiệm vụ cho các thành viên ban tự quản phạm nhân thường xuyên tiếp xúc, giáo dục, động viên, nắm tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân để chủ động giáo dục cải tạo tại chỗ, làm tốt công tác phòng ngừa, không để sự việc phức tạp nảy sinh mới, tạo cho phạm nhân có lòng tin đối với chính sách cải tạo của Đảng và Nhà nước.

Anh chủ động sáng tạo đề ra nhiều giải pháp trong quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân, được CBCS và phạm nhân ủng hộ thực hiện có hiệu quả như tăng cường kiểm tra công khai, đột xuất cả trong và ngoài trại để phát hiện thiếu sót, kịp thời ngăn chặn và xử lý, không để xảy ra phức tạp; rà soát hội đồng tự quản trong phạm nhân tại các phân trại về số lượng và chất lượng, từ đó đề xuất củng cố, đảm bảo yêu cầu, đồng thời sắp xếp đội phạm nhân phù hợp; chú trọng gặp gỡ, đối thoại với phạm nhân để kịp thời giải quyết những mâu thuẫn và thắc mắc trong phạm nhân, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với phạm nhân; tăng cường quản lý phạm nhân đi điều trị bệnh tại bệnh viện tuyến trên và phát động phong trào “Tố giác phạm nhân vi phạm nội quy, quy chế trại giam”, “Khát vọng hoàn lương”, “Niềm tin hướng thiện”, phạm nhân viết thư với chủ đề “Gửi lời xin lỗi”...

Đặc biệt, phong trào giáo dục phạm nhân bằng “Tình thương, trách nhiệm” đem lại hiệu quả thiết thực, kịp thời đề xuất và khen thưởng cho những tập thể CBCS có thành tích trong công tác; tập thể và các phạm nhân có thành tích trong học tập, lao động cải tạo.

Đặc biệt, đơn vị đã tổ chức diễn đàn giữa CBCS với phạm nhân. Hằng ngày, ngoài việc tổ chức cho phạm nhân học tập, lao động, cải tạo; ngoài giờ hoặc các ngày nghỉ, CBCS tại các phân trại vào gặp gỡ, tiếp xúc trò chuyện, động viên phạm nhân. Hằng tháng các phân trại tổ chức diễn đàn giữa CBCS và phạm nhân về văn hóa giao tiếp, ứng xử, thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao; từ đó đã tạo một không khí vui tươi, xóa đi sự mặc cảm giữa người vi phạm pháp luật với người quản lý thi hành án. Hình thức này làm cho phạm nhân tự giác cải tạo, gần gũi giúp đỡ nhau hơn.

Một phương pháp giáo dục phạm nhân nữa được trại giam Gia Trung thường xuyên tổ chức đó là mỗi năm trại đều mời thân nhân phạm nhân gặp mặt trong “Hội nghị gia đình phạm nhân”, tập trung mời gia đình những phạm nhân có quá trình học tập cải tạo kém, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trại để phối hợp trong công tác giáo dục phạm nhân; trao đổi thông tin quá trình cải tạo của từng phạm nhân, tiếp nhận những đề xuất của gia đình, phối hợp cùng giáo dục, động viên để phạm nhân yên tâm cải tạo...

Chăm lo đời sống cán bộ chiến sĩ và phạm nhân

Đại tá Nguyễn Đình Ba cùng đồng đội đã xây dựng quỹ tấm lòng vàng để giúp đỡ các phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, phạm nhân không có gia đình đến thăm gặp, gia đình gặp khó khăn do thiên tai, ốm đau thường xuyên; có các cháu dưới 36 tháng theo mẹ vào ở trong trại.

Từ năm 2011 đến nay quỹ “Tấm lòng vàng” đã thu được hàng trăm triệu đồng. Trại đã trích quỹ từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng cho mỗi trường hợp cần giúp đỡ. Việc làm này đã tác động đến tư tưởng của phạm nhân, giúp họ tự giác cải tạo. Nhiều phạm nhân trước đây có tư tưởng chống đối, hoặc tư tưởng trốn trại thì đã từ bỏ ý định đó, chăm chỉ cải tạo trở thành phạm nhân tiến bộ.

Bên cạnh việc tập trung cải tạo phạm nhân, trại giam Gia Trung còn đặc biệt quan tâm, chăm sóc sức khỏe và tổ chức dạy văn hóa cho phạm nhân. Nhằm trang bị cho phạm nhân học tập được một nghề, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tái hòa nhập cộng đồng, trại giam Gia Trung đã liên kết với Trường Trung cấp nghề Gia Lai, với các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên  dạy và truyền nghề, cam kết tiếp nhận những phạm nhân hết án ra trại có nhu cầu vào làm việc...

Là đơn vị đóng quân ở vùng sâu vùng xa, đời sống kinh tế khó khăn, nên Đại tá Nguyễn Đình Ba và Ban Giám thị đều xác định rằng, để CBCS gắn bó, tâm huyết với công tác thì phải quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của CBCS; bảo đảm công khai dân chủ, công bằng trong thực hiện chính sách, chế độ trong đơn vị. Hằng năm đơn vị đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng chỉnh trang trụ sở nhà làm việc, nhà truyền thống, thư viện phòng đọc sách, nhà sinh hoạt văn hóa, thể thao, khuôn viên, vườn hoa cây cảnh của đơn vị đảm bảo khang trang, sạch đẹp; đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí của CBCS.

Đặc biệt, đơn vị đã báo cáo và được UBND tỉnh Gia Lai duyệt cấp cho 68 lô đất để cấp cho số CBCS mới xây dựng gia đình nhưng chưa có nhà ở được đấu thầu nhận đất làm nhà ở, hỗ trợ vật liệu xây dựng, công phạm nhân tạo điều kiện xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống, an tâm công tác, gắn bó công tác lâu dài...

Top