Người sau cai cần có quyền tự nguyện tham gia các chương trình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng

17/07/2018 10:41

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cần chuyển từ quản lý bắt buộc sau cai tại nơi cư trú sang hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người có nhu cầu, tức người sau cai có quyền tự nguyện tham gia các chương trình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng.

Người nghiện tham gia điều trị tại cộng đồng. Ảnh Nhật Thy

Theo Báo cáo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo Quy định của Luật Phòng, chống ma túy của Bộ LĐTB&XH, biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú quy định tại Điều 33 Luật Phòng, chống ma túy (PCMT), quy định chi tiết tại Chương II Nghị định số 94/2009/NĐ-CP  ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết Luật PCMT về quản lý sau cai nghiện ma tuý (Nghị định 94/2009/NĐ-CP). Đây là một biện pháp quản lý bắt buộc tại cộng đồng đối với người đã chấp hành xong biện pháp cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện mà không thuộc diện “có nguy cơ tái nghiện cao”, nhằm “quản lý, hướng dẫn phòng, chống tái nghiện; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và tham gia các hoạt động hoà nhập cộng đồng”.

Đây là một biện pháp bắt buộc, nhưng không cách ly cộng đồng, không phải là một biện pháp trừng phạt mà nhằm: Giúp người sau cai tham gia các hoạt động xã hội, thúc đẩy thay đổi hành vi, tiếp tục rèn nhân cách, học nghề, tạo việc làm, hỗ trợ y tế, hỗ trợ sinh kế bền vững, vì lợi ích của người sau cai nghiện ma túy, gia đình họ và lợi ích chung của cộng đồng.

Nhiều người sau khi trở về cộng đồng không hợp tác, không muốn tiếp cận với chính quyền địa phương, họ không muốn lộ diện, tránh tiếp xúc, gặp gỡ với các cơ quan chức năng dù họ biết có thể được hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất. Họ có xu hướng tự vận động, loay hoay tìm cơ hội và trong quá trình đó họ rất có thể bị lôi kéo, rủ rê vào các hoạt động phạm tội, tái nghiện. Tuy nhiên, không nhất thiết phải áp dụng biện pháp bắt buộc, vì nếu làm tốt, tuyên truyền tốt để họ thấy lợi ích thì họ sẽ tự nguyện tham gia. Cả Luật PCMT và Nghị định 94/2009/NĐ-CP đều không quy định cho phép người sau cai được tự nguyện tham gia chương trình quản lý sau cai. Hạn chế này làm giảm tính thân thiện của chính sách, phức tạp hóa thủ tục hành chính, tạo tâm lý không tốt, không kích thích tinh thần tự giác tuân thủ pháp luật. Do đó, cần phải sửa đổi quy định này để bảo đảm tính hợp lý của chính sách.

Khoản 2 Điều 3 Nghị định 94/2009/NĐ-CP Quy định: “không áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện đối với nữ trên 55 tuổi, nam trên 60 tuổi”, là không hợp lý đối với việc áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú, vì: quản lý sau cai tại nơi cư trú không phải là một biện pháp trừng phạt,để phải loại trừ những người có hoàn cảnh đặc biệt, người lớn tuổi để bảo đảm tính nhân đạo của pháp luật, mà là một biện pháp để bảo đảm thực hiện tốt hơn các hỗ trợ cần thiết cho mọi người sau cai, nhất là những người sau cai có hoàn cảnh đặc biệt, người lớn tuổi, người ít có cơ hội duy trì cuộc sống bình thường khi trở về cộng đồng.

Bên cạnh đó, các quy định về hỗ trợ sinh kế cho người sau cai tại khoản 2 Điều 33 Luật phòng, chống ma túy và khoản 3 Điều 12 Nghị định 94/2009/NĐ-CP không hợp lý và không bảo đảm tính khả thi. Khoản 1 Điều 9 Nghị định 94/2009/NĐ-CP lặp lại khoản 2 Điều 33 Luật PCMT mà không quy định chi tiết “hỗ trợ học nghề, tìm việc làm” là những hỗ trợ cụ thể nào, nguồn lực nào để thực hiện. Điểm a khoản 3 Điều 12 Nghị định số 94/2009/NĐ-CP quy định: “Người sau cai nghiện tại nơi cư trú được hỗ trợ về tâm lý, xã hội...” nhưng không quy định cụ thể hỗ trợ tâm lý là hỗ trợ gì, hỗ trợ xã hội là hỗ trợ gì, ai làm ?

UBND cấp xã có trách nhiệm tổ chức dạy nghề cho người sau cai “theo khả năng, điều kiện cụ thể của UBND cấp xã”, nhưng cơ sở vật chất, nguồn lực của UBND cấp xã khó có thể thực hiện được nhiệm vụ này. Vấn đề tìm việc làm cho người sau cai rất khó khăn bởi: do đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh (nhất là các doanh nghiệp lớn, tính chuyên nghiệp và công nghệ cao) nên có thể họ sẵn sàng hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật chứ không muốn nhận người sau cai vào làm việc.

Theo Bộ LĐTB&XH, trong giai đoạn 2010 đến 2015, cả nước đã tổ chức quản lý sau cai nghiện cho 58.873 lượt người, trong đó tại nơi cư trú 43.528 lượt người (chiếm 73,5%). Tính đến 30/12/2015, các địa phương đang quản lý sau cai tại cộng đồng là 19.327 người.

Nếu tất cả những người sau cai đều được quản lý, hỗ trợ giúp hòa nhập cộng đồng, nhiều người có việc làm, có thu nhập thì nguy cơ tái sử dụng ma túy ít hơn, tỷ lệ tái nghiện sẽ giảm và tình hình trật tự xã hội ở cộng đồng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay các hỗ trợ cho người sau cai nghiện hiện nay chưa rõ ràng, chưa bảo đảm khả thi; các hỗ trợ sinh kế mang tính bền vững chưa nhiều, nên những quy định này chỉ như những khẩu hiệu, tính quy phạm không cao. Do đó, cho đến nay phần lớn người sau cai khi trở về nơi cư trú chưa được hỗ trợ để họ ổn định cuộc sống, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến họ sớm tái nghiện.

Việc tổ chức quản lý sau cai ở cộng đồng sẽ làm tăng áp lực công việc lên hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là ở cấp xã, đặc biệt ở nhiều nơi công việc này vượt quá khả năng của chính quyền cấp xã, nếu như không được tăng cường các nguồn lực thì sẽ là bất khả thi và họ phải làm hình thức để đối phó với nhiệm vụ.

Chính vì vậy, Bộ LĐTB&XH đề xuất chuyển từ quản lý bắt buộc sau cai tại nơi cư trú sang hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho người có nhu cầu, tức người sau cai có quyền tự nguyện tham gia các chương trình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; quy định cụ thể, rõ ràng về các dịch vụ, mức hỗ trợ, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ này;trong tổ chức thực hiện, phải quy định rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, không “khoán trắng” cho UBND cấp xã như hiện nay. Theo đó, giao Sở LĐTB&XH là cơ quan chủ trì thực hiện, trong đó giao các Điểm tư vấn, cai nghiện ma túy tại cộng đồng trực tiếp thực hiện; UBND cấp Huyện, UBND cấp xã là cơ quan phối hợp, hỗ trợ.



Top