Người lao động “mơ hồ” về quấy rối tình dục

29/05/2015 14:49

Nhiều người cho rằng, quấy rối tình dục tại nơi làm việc tức là động chạm vào vùng nhạy cảm, có quan hệ tình dục chứ không phải là những hành vi như có cái nhìn gợi tình hay nháy mắt liên tục...

Ảnh minh họa

Nhắc đến bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc mới được ban hành, chị Thu Hồng, nhân viên bán bảo hiểm của một công ty ở Hà Nội hài hước nói: "Đọc qua mình thấy hàng ngày đã bị quấy rối và cũng vô tình quấy rối nhiều người". 

Theo chị, các dấu hiệu quấy rối tình dục mà bộ quy tắc đưa ra như cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, nói bóng gió về trang phục hay cơ thể của người nào đó... xuất hiện phổ biến tại nhiều cơ quan, công ty. Đôi khi những hành vi trên đến từ cả hai phía nam và nữ. Nhiều người cho đó là hành động đùa vui, để giảm stress sau giờ làm việc mà không nghĩ rằng đó là quấy rối tình dục. "Theo tôi quấy rối phải ở mức độ nặng hơn, như cố tình động chạm, ôm ấp mà người ta không mong muốn, thậm chí là cưỡng dâm", chị Hồng nói.

Chị Hồng chia sẻ từng bị "quấy rối" nhiều lần. Là nhân viên kinh doanh bảo hiểm, chị Hồng phải thường xuyên tiếp xúc với khách hàng. Với chất giọng ngọt ngào, khuôn mặt dễ nhìn, chị rất được lòng khách hàng. Ban đầu, thấy nhiều người khen ngợi, nhất là người khác phái, cô gái 28 tuổi cảm thấy rất vui, nhưng khi tiếp xúc với một số khách hàng nam thì bắt đầu gặp rắc rối.

Có khách hàng gần 40 tuổi, đã có gia đình thường nhắn tin, gọi điện nhờ chị tư vấn hợp đồng bảo hiểm. Giữa cuộc nói chuyện, khách hàng thường "lái" sang một hướng khác. Khi tiếp xúc để trao đổi về hợp đồng, ông khách mời chị đi ăn cơm, sau rủ đi chơi, cuối cùng là những lời đề nghị "tình một đêm" để đổi lấy hợp đồng bảo hiểm và các mối làm ăn khác. 

Khi không đạt được mục đích, người khách kia gọi điện cho trưởng phòng, phản ánh thái độ phục vụ của chị khiến ông ta không hài lòng và chị bị gọi lên nhắc nhở. Cấp trên không nghe chị giải thích vì cho rằng khách hàng luôn luôn đúng. Còn chị thì xấu hổ không dám kể với ai vì sợ mọi người bàn tán.

"Mình không kỳ vọng có bộ quy tắc thì nhiều người e dè mà thay đổi hành vi không đứng đắn, hay cải thiện môi trường làm việc để không còn vấn nạn trên. Nhưng dù sao nếu nó trở thành nội quy, quy định của công ty thì cũng giúp nhiều người nhận dạng được hành vi được coi là quấy rối tình dục để mà tránh, nhất là với chị em", chị Hồng đánh giá.

Chị Lê Thu, trưởng bộ phận quản lý một công ty điện tử ở Bắc Ninh cho biết, việc quấy rối tình dục không được đưa vào nội quy công ty chị mà chỉ có một điều lệ chung chung "nghiêm cấm mọi hành vi xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác". Từ thực tế nơi làm việc, chị Thu cho rằng, những hành vi như liếc mắt đưa tình, nhìn chằm chằm vào bộ phận nào đó trên cơ thể người khác giới... tương đối nhiều, nhưng thường bị bỏ qua.

Chị Thu kể, có nữ công nhân từng đến tìm chị phản ánh việc thường xuyên bị tổ trưởng đụng chạm, nói bóng gió liên quan đến tình dục, gợi ý đi chơi thì sẽ nhận được ưu đãi hơn so với đồng nghiệp. Nữ công nhân này "sợ hãi và uất ức" trong một thời gian dài mà không dám nói với ai, cuối cùng phải trực tiếp cầu cứu cấp cao hơn. "Trường hợp trên, người tổ trưởng kia bị nhắc nhở về thái độ đối với đồng nghiệp nhưng cũng không bị đuổi việc hay có hình phạt gì", chị Thu kể.

Từng gặp nhiều ca tư vấn tâm lý về việc quấy rối tình dục tại nơi làm việc, chị Minh Hoa, chuyên viên tư vấn Tổng đài 1088 cho biết, đa số người bị quấy rối là nữ, chỉ một số ít là nam. Tham gia dạy các lớp dạy kỹ năng mềm cho sinh viên, chị Minh Hoa nghe nhiều nữ sinh viên năm cuối tâm sự về việc gặp rắc rối khi đi thực tập ở các công ty. Các em thường bị người hướng dẫn hoặc là cấp trên nhắn tin "làm phiền" với mục đích trao đổi tình dục để có được kết quả thực tập tốt hoặc là một công việc sau khi ra trường.

"Nếu bộ quy tắc được đưa vào nơi làm việc, trở thành nội quy, công đoàn tập huấn cho người lao động biết để họ trực tiếp nhận diện được thế nào là quấy rồi tình dục, từ đó có phản ứng thích hợp thì người lao động sẽ tránh được, phần nào hạn chế vấn nạn này trong môi trường làm việc. Hầu hết người lao động hiện nay còn đang rất mơ hồ về những hành vi này", chị Minh Hoa nói.

Trước đó ngày 25/5, Vụ Pháp chế (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cùng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế công bố Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Bộ quy tắc được coi là nguồn tài liệu tham khảo, hướng dẫn cách ứng xử tại nơi làm việc được áp dụng cho tất cả doanh nghiệp.

Nghiên cứu năm 2012 về việc quấy rối tình dục của Bộ Lao động cho thấy, có đến hơn 78% nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc là nữ giới, độ tuổi từ 18 đến 30. Trong đó có tới 80% nạn nhân không hiểu rõ hình thức nào có thể được coi là quấy rối tình dục. Nhiều người được hỏi còn cho rằng, quấy rối tình dục chỉ xảy ra khi có quan hệ tình dục, hoặc bị sờ mó linh tinh, còn những hành vi khác thì được gọi là quấy rầy chứ chưa bị coi là quấy rối.

Theo Bộ quy tắc, các hình thức quấy rối tình dục gồm: hành vi quấy rối thể chất như tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm. Hành vi quấy rối bằng lời nói bao gồm nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục. Hành vi quấy rối phi lời nói bao gồm ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm.

Bộ quy tắc được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không kể quy mô. Thuật ngữ "nơi làm việc" không chỉ bao hàm những địa điểm cụ thể nơi thực hiện công việc như văn phòng hay nhà máy, mà còn là những địa điểm khác có liên quan đến công việc như các cuộc hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, các bữa ăn liên quan đến công việc..

Top