Người chuyển giới có thể làm những nghề gì?

19/10/2017 16:35

Việc làm là một trong những thách thức lớn nhất đối với người chuyển giới, đặc biệt là đối với nhóm từ nam sang nữ (MTF). Sự kỳ thị một mặt khiến ít người có thể học lên cao để có bằng cấp đủ để xin những công việc nhà nước hay cơ quan. Mặt khác những định kiến về người chuyển giới như những người “biến thái”,“bệnh hoạn”, “trộm cắp”… đã khiến rất ít nhà tuyển dụng chấp nhận họ.

Báo cáo thực trạng về người có mong muốn chuyển đổi giới tính (người chuyển giới) tại Việt Nam và hệ thống pháp luật có liên quan của Bộ Y tế cho thấy, nhiều người cho biết nếu xin được vào các cơ quan, nhà hàng của người nước ngoài thì đỡ hơn, vì người nước ngoài không kỳ thị giới tính nhiều như người Việt.

Nhiều người chuyển giới cũng cảm nhận rõ sự bất công nếu so sánh với những người đồng tính. Nếu như người đồng tính nam (gay) vẫn có thể che dấu bản thân và xuất hiện trước công chúng, cũng như tham gia vào nhiều cuộc thi nghệ thuật gây tiếng vang, thì người chuyển giới hầu như không có cơ hội nào, và rất ít người có thể xuất hiện công khai trước công chúng.

Công việc chủ yếu MTF có thể làm thường là các công việc độc lập như dịch vụ làm đẹp (trang điểm, làm đầu…), hay biểu diễn. Tuy nhiên, ngay khi tìm được những công việc bình thường nhất họ vẫn bị kỳ thị hoặc đuổi việc.

Thiếu sự hỗ trợ từ gia đình, không có bằng cấp, lại thêm sự kỳ thị định kiến ngoài xã hội khiến sự khó khăn trong cơ hội việc làm đối với nhóm MTF càng bị nhân lên. Nhiều nhóm MTF đã phải đi hát đám ma như cơ hội kiếm sống. Cũng trong bối cảnh bị kỳ thị và ít cơ hội này, mặc dù cũng có những cạnh tranh và định kiến lẫn nhau giữa các nhóm chuyển giới, nhưng những người MTF gắn kết trong các nhóm nhỏ trở nên thương nhau hơn. Một MTF cho biết sau khi bị gia đình xua đuổi, ra khỏi nhà, đã nhóm họp lại một nhóm những người cùng cảnh ngộ để cùng sống và kiếm việc.

Vì sự kì thị, người chuyển giới phải hát đám ma để kiếm sống. Ảnh: internet

Ngoài việc hát đám ma, có những nhóm nhỏ tổ chức các buổi biểu diễn trên sân khấu (thường là các quán cà phê). Việc tổ chức có thể do bầu sô tự tổ chức, hoặc do các CLB truyền thông cho MSM tài trợ để thực hiện mục tiêu tuyên truyền. Được biểu diễn trên sân khấu là niềm vui của MTF và đó cũng là không gian lịch sự hơn, tiền cát-sê cũng cao hơn. Tuy nhiên, việc đầu tư thuê trang phục cũng đắt đỏ hơn. Mặt khác, những buổi biểu diễn tự phát, rủi ro bị công an đến bắt và phạt cũng cao. Những buổi biểu diễn do diễn đàn Thế giới thứ 3, hay Giới hạn tổ chức cũng thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều buổi biểu diễn dưới hình thức miễn phí vé nhưng trả tiền đồ uống khá cao. Hình thức hát trên sân khấu thường là hát nhép và người biểu diễn thường đóng kịch hoặc hát sao cho khớp nhạc.

Những người chuyển giới chuyên đi biểu diễn trên sân khấu là những người được chọn từ các cuộc thi. Ví dụ Thế giới thứ 3 có những cuộc thi tìm kiếm các tài năng như thi hoa hậu, thi nam khôi, thi got talent (có tài năng), thi model và chọn ra những người đã đoạt giải từ các cuộc thi để cộng tác một thời gian biểu diễn.

Sau một thời gian, khi những bầu sô khác đưa họ đi, thì lại đi tìm kiếm những người khác.

Những người chuyển giới tham gia biểu diễn thời trang cũng cho biết, vì niềm đam mê biểu diễn, họ phải đầu tư khá nhiều và show biểu diễn nào cũng lỗ. Nhưng vì sự yêu thích của bản thân cũng như tạo những sự kiện vui vẻ cho người trong cộng đồng, họ vẫn muốn được biểu diễn. Tuy nhiên, mặc dù xin phép nhưng vì là người chuyển giới, họ không được cấp phép biểu diễn và khi biểu diễn tự phát thì luôn lo sợ bị phạt.

Ngay cả khi người chuyển giới nỗ lực kiếm việc làm, thì ngay cả ở những môi trường làm việc họ cũng thường bị sỉ nhục.

Một trong những “nghề” được MTF ở TP. Hồ Chí Minh hay nhắc đến, đó là “làm gái”. Hầu hết những người MTF đã từng rất nỗ lực đi kiếm việc làm, nhưng vào đâu cũng bị từ chối, thậm chí xin công việc rửa bát cũng không được nhận. Một số MTF cố gắng đi học trang điểm, có vốn thì mở cửa hàng ở nhà, hoặc đi trang điểm, làm đầu và các dịch vụ làm đẹp khác, còn nhiều người cho biết không có công việc gì để trang trải cuộc sống, và tình thế bắt buộc đã đẩy họ ra “đứng  đường”.

Số tiền kiếm được từ việc mãi dâm cũng chỉ đủ cho họ có tiền ăn và mua đồ quần áo. Một MTF đang sống lang thang ngoài công viên cho biết, gia đình không chấp nhận em, không thể xin được việc làm, chẳng biết đi đâu, không còn tiền để thuê nhà trọ, em chỉ còn biết sáng lang thang trong công viên, tối ra công viên tìm khách.

Việc làm gái mại dâm cũng đẩy những người MTF trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục. Các MTF khẳng định rằng công việc mại dâm là việc đường cùng, nếu có cơ hội kiếm việc khác, sẽ không bao giờ họ làm gái.

Với nhóm chuyển giới từ nữ sang nam (FTM) cũng có những khó khăn nhất định, tuy không khó như với nhóm từ nam sang nữ. Nhiều FTM cho biết làm về nghề kinh doanh khách sạn, du lịch, làm bếp, nhân viên quầy bar là dễ xin hơn cả. Đối với người chuyển giới từ nữ sang nam, kiếm việc làm không quá khó vì người ta chỉ nghĩ rằng các em thích ăn mặc kiểu tomboy, nam tính. Tuy nhiên, như một bạn FTM cho biết, đã rất nhiều lần bị kỳ thị trong môi trường làm việc.

Cũng có bạn cho biết vì giới tính ghi là nữ, nên khi xin việc vào khách sạn theo đúng ngành nghề được học, họ bị yêu cầu phải mặc áo dài, đi giầy cao gót, khiến họ đành phải từ bỏ. Hoặc cũng có những trường hợp người ngoài nhìn vào nghĩ họ là nam giới, yêu cầu họ mang vác những đồ vật nặng, trong khi thực chất cơ thể họ vẫn yếu như một người nữ.

Như vậy, có thể thấy, đối với người chuyển giới nói chung, công ăn việc làm là một thách thức lớn. Nhưng sự tự trọng liên quan đến bản dạng giới đã khiến cả nhóm FTM và MTF đều khẳng định thà họ không có việc làm còn hơn phải thay đổi.

Top