Người chuyển giới Trung Quốc bắt đầu ‘lộ sáng’

20/06/2018 15:33

Sau nhiều năm sống trong bóng tối, cộng đồng người chuyển giới Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều. Các tổ chức hoạt động vì lợi ích của họ ngày càng tăng và những cuộc phẫu thuật thay đổi giới tính sinh học cũng được thực hiện ngày một nhiều.

Người chuyển giới biểu diễn tại Lễ hội Tự hào Thượng Hải

Cách đây hai thập kỷ, bác sĩ Zhao Yede thực hiện khoảng 20-30 cuộc phẫu thuật chuyển giới mỗi năm. Giờ đây, con số này đã tăng gấp 10 lần. Bác sỹ này cho biết, những người tìm đến ông ngày càng trẻ, có bạn chỉ tầm 20 tuổi so với độ tuổi trước đó là từ 26-30 tuổi.

Khảo sát năm 2017 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) kết luận "người chuyển giới đối mặt với sự kỳ thị nặng nề nhất" trong cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) Trung Quốc, đặc biệt là tại gia đình, nhà trường và nơi làm việc.

Theo khảo sát của Trung tâm LGBT Bắc Kinh năm 2017, 62% người chuyển giới tại Trung Quốc đang đấu tranh với bệnh trầm cảm, một nửa trong số đó từng cố gắng tự tử và 13% đã thành công.

Zhou, đồng sáng lập Trung tâm Người chuyển giới có trụ sở tại thành phố Quảng Châu cho biết, xã hội Trung Quốc quan niệm con trai sẽ là người thừa kế và nối dõi. Người chuyển giới, đặc biệt là từ nam sang nữ, thường bị gia đình gây áp lực bởi truyền thống này.

Ngày càng có nhiều người đến trung tâm của Zhou để tìm kiếm sự giúp đỡ, và họ thường nhắc đến việc tự kết liễu bản thân.

"Một số bạn còn trong độ tuổi vị thành niên. Đây thực sự là một vấn đề nghiêm trọng", Zhou nói.

Sau khi phẫu thuật, người chuyển giới Trung Quốc có thể đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân, nhưng họ vẫn gặp nhiều trở ngại khi muốn chỉnh sửa bằng cấp hay chứng chỉ học thuật, dẫn đến việc bị từ chối công việc hoặc không được đi học tiếp.

Tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng người chuyển giới cao gấp 3 lần mức trung bình, theo số liệu từ Trung tâm LGBT Bắc Kinh. Bị cách ly khỏi sự phát triển của xã hội, nhiều người trong số họ chuyển sang ngành công nghiệp tình dục.

Một người chuyển giới nam (từ nữ thành nam) có biệt danh "Mr C" bị một công ty chăm sóc sức khỏe tại tây nam Trung Quốc đuổi việc vào năm 2015 vì vấn đề giới tính. Sau đó, Mr C đưa giám đốc công ty này ra tòa vì vi phạm quyền lợi hợp pháp của anh và thắng kiện.

"Tôi nghĩ luật pháp sẽ bảo vệ chúng tôi tốt hơn. Nhưng con đường chúng tôi theo đuổi còn dài lắm", anh nói.

Thời gian gần đây, cộng đồng người đồng tính và chuyển giới tại Trung Quốc bất bình vì nhiều sự kiện ủng hộ LGBT không được phép tổ chức. Tuy nhiên các nhà hoạt động vẫn nuôi hy vọng, Zhou cam kết "chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng".

Từ năm ngoái, chính phủ đã bắt đầu dùng cụm từ phẫu thuật "chuyển đổi giới tính" thay vì phẫu thuật "thay đổi bộ phận sinh dục" và không còn gọi việc mong muốn chuyển giới là một loại "bệnh".

Lễ hội Tự hào Thượng Hải (Shanghai Pride) tôn vinh cộng đồng LGBT đã được tổ chức lần thứ 10. Nhiều người tham dự sự kiện này không thích bị chụp ảnh. Họ dán sticker với dòng chữ "No Camera" lên người. Họ sợ bị đưa lên báo đài và bị gia đình phát hiện.

Tuy nhiên, lễ hội này vẫn diễn ra suôn sẻ mà không bị chính quyền can thiệp.

"Tôi chưa từng nghĩ điều này có thể xảy ra", Lan, một người chuyển giới nữ chia sẻ. Dù bị sốc khi "con trai" công khai giới tính, cha của Lan vẫn rất ủng hộ. Ông thậm chí đi cùng cô sang Thái Lan để thực hiện cuộc phẫu thuật trị giá 18.000 USD và ở cạnh cô suốt 5 tuần sau đó để lo cho con hồi phục.

"Những người chuyển giới như chúng tôi đang dần khẳng định quyền lợi của mình, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nhưng chúng tôi phải tiến bước từ từ, cẩn thận", Lan nói.

Top