Ngày ý nghĩa ở trung tâm cai nghiện huyện Tương Dương

19/01/2018 08:13

Tương Dương (Nghệ An) lâu nay được nhiều người nhắc đến với cái tên không mấy thiện cảm “thủ phủ ma túy”, vì thế số tội phạm về tệ nạn này cũng nhiều đáng kể. Song song với đó thì số đối tượng nghiện ma túy cũng còn rất cao, Trung tâm GDLĐXH huyện Tương Dương với nhiều nỗ lực đã phần nào giảm được tỉ lệ người nghiện ma túy trên địa bàn.

Những học viên say sưa học nghề đan lát

Vừa cai nghiện vừa được đào tạo nghề

Có mặt tại Trung tâm GDLĐXH huyện Tương Dương (gọi tắt là Trung tâm- tại bản Piêng Lũng, xã Thạch Giám) những ngày cuối năm 2017, bên trong gian nhà khu sản xuất đồ gỗ các học viên đang say sưa làm việc. Những ngôi nhà sàn mô hình, những cuốc, xẻng, dao rựa bằng gỗ được các học viên khéo léo làm ra để bán cho các cô giáo mầm non luôn đắt hàng. Mỗi người một công đoạn, người cưa, người lắp ráp, người tô vẽ thành những sản phẩm hoàn thiện.

Ông Lô Văn Phương, Giám đốc Trung tâm cho biết, tại đây các học viên sau khi được cắt cơn thì tiến hành đào tạo nghề làm mộc hoặc làm đan lát hoặc chăn nuôi dê, trâu bò… để quên đi cơn nghiện, cũng như có thêm điều kiện cải tạo đời sống.

Những chiếc đèn lồng được các học viên đan thành phẩm sẽ được bán cho công ty thu mua

Theo cô giáo Vi Thị May, giáo viên Trường mầm non thị trấn Hòa Bình (Tương Dương), năm học nào trường cũng đặt hàng Trung tâm về những đồ dùng của các cháu, những mô hình để phục vụ công tác dạy và học trong nhà trường. Những vật dụng này vừa bền, đẹp lại sử dụng được lâu dài nên mua một lần tiết kiệm hơn các vật dụng bằng đồ nhựa trên thị trường. Mang theo lỉnh kỉnh nhiều túi đồ nào bàn ghế, nhà sàn, cuốc, xẻng, tủ… được làm từ gỗ về trường, cô May còn đặt Trung tâm làm thêm những vật dụng khác.

Dẫn chúng tôi vào khu làm nghề đan lát, những chiếc đèn lồng được đan một cách cẩn thận đang được xếp ngay ngắn để chuẩn bị đưa ra kho. Những học viên tại đây chuẩn bị tỉ mỉ từ những cây tre, trúc được chẻ ra, rồi vót thành những nan nhỏ dẻo, rồi các học viên khác ngồi đan thành những chiếc giỏ tre, đèn lồng hết sức đẹp mắt. Sản phẩm được Trung tâm ký kết hợp đồng bán cho một công ty thu mua hàng tháng.

Mỗi người một công đoạn để thành một sản phẩm hoàn hảo

Trong năm 2017, Trung tâm đã hạch toán thu về từ nguồn lao động sản xuất để cải thiện đời sống cho học viên tổng số tiền là hơn 116 triệu đồng, trong đó 56 triệu đồng từ nhà xưởng; 32 triệu đồng từ bán rau củ quả; chăn nuôi lợn hơn 18 triệu đồng… Trung tâm đang chăn nuôi phát triển đàn dê hơn 20 con, 10 con bò…

Giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Năm 2017, Trung tâm đã đón nhận 127/120 học viên theo chỉ tiêu cấp trên giao, tổ chức tư vấn cho 60 học viên tái hòa nhập cộng đồng đúng thời hạn, tổ chức giáo dục hành vi nhân cách cho học viên 90 buổi, xóa mù chữ cho 30 học viên. Thực hiện tốt công tác cai nghiện cắt cơn giải độc, hồi phục sức khỏe. Có 252 lượt bệnh nhân khám sức khỏe, chuyển viện cho 13 lượt học viên…

Duy trì chế độ khám sức khỏe định kỳ hàng tháng, thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, Trung tâm đang xây dựng giai đoạn 2 sắp hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu cai nghiện và dạy nghề cho người nghiện trên địa bàn với quy mô 250-300 học viên. Chỉ tiêu hằng năm được giao khoảng 100 học viên, tuy nhiên do đặc thù của địa phương nên số lượng người cai luôn vượt.

Tại xưởng học nghề gỗ các học viên được đào tạo làm nghề thủ công

Một khó khăn trong công tác quản lý là số học viên đông, nhưng số cán bộ quản lý lại thiếu, hiện chỉ có 18 cán bộ và 3 y sỹ. Việc cai nghiện tự nguyện trên địa bàn huyện Tương Dương cũng được Trung tâm phối hợp với các địa phương quan tâm thực hiện tốt. Theo ông Phương thì trước đây các xã, thị trấn tự tổ chức cai nghiện cho các đối tượng tự nguyện ngay tại cơ sở, vừa không đảm bảo về cơ sở vật chất, vừa không quản lý được trong khi hiệu quả công việc lại thấp.

Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các xã, vận động các gia đình có người nghiện để đưa đi cai nghiện tự nguyện. Trung tâm sẽ phối hợp cùng với các địa phương tiến hành cắt cơn, điều trị trong thời gian 15 ngày tại Trung tâm, sau đó mới bàn giao về cho gia đình và địa phương tiếp tục quản lý. Hiện nay, hai địa phương làm tốt công tác này là xã Yên Tĩnh và thị trấn Hòa Bình, sắp tới sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác trong toàn huyện.

Các cô giáo mầm non thường đến đặt các sản phẩm do các học viên làm ra để phục vụ dạy học

Tình trạng học viên trốn khỏi trung tâm cũng xảy ra, mỗi năm có 4-5 người trốn khi tham gia lao động sản xuất, nhưng tất cả đều bị bắt trở lại hoặc tự nguyện trở lại trung tâm. Điều này cũng gây khó khăn nhất định trong công tác cai nghiện và quản lý sau cai. Tình trạng gia đình bỏ mặc các học viên khi đi cai nghiện hoặc sau khi người nghiện cũng phần nào làm cho hiệu quả việc cai nghiện giảm đi. Theo ông Phương thì có nhiều học viên suốt quá trình cai nghiện không nhận được bất cứ sự thăm nuôi, động viên nào từ gia đình, kéo theo tâm lý chán nản, tư tưởng không tiến bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cai.

“Chúng tôi luôn quán triệt anh em cán bộ trong Trung tâm phải luôn gần gũi các học viên tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh gia đình từng học viên, để có liệu pháp tâm lý phù hợp kịp thời động viên đảm bảo việc cai nghiện…”, ông Phương cho biết.

Ngoài việc cắt cơn, cai nghiện, đào tạo nghề thì các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao lồng ghép các chương trình giáo dục hành vi nhân cách được triển khai đồng bộ. Những dịp lễ hoặc Tết Nguyên đán Trung tâm luôn tạo điều kiện hết sức để các học viên có một cái tết đầm ấm, cùng với đó là các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ động viên tinh thần các học viên.

Top