Ngăn ngừa tội phạm ma túy sử dụng vũ khí nóng

30/01/2015 15:16

Hiện nay, lượng vũ khí, vật liệu nổ ngoài xã hội còn nhiều, đặc biệt là ở khu vực biên giới, các vùng dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ của các lực lượng chức năng còn bộc lộ những sơ hở, thiếu sót. Đây là yếu tố tiềm ẩn nguy cơ tội phạm hình sự, ma tuý tự trang bị vũ khí nóng để chống lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, vây bắt.

Ảnh minh họa

Trao đổi với phóng viên, đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm về ma túy C47, Bộ Công An, trong năm 2014 và những ngày đầu năm 2015, lực lượng đấu tranh chống tội phạm về ma tuý trên toàn quốc đã liên tiếp bắt giữ nhiều vụ với số lượng ma túy lớn đi kèm theo đó là vũ khí nóng, hay mới đây, một chiến sĩ công an tỉnh Sơn La đã hi sinh khi truy bắt đối tượng vận chuyển ma túy liều lĩnh dùng súng quân dụng chống trả. Điều này cho thấy, tình hình tội phạm sử dụng vũ khí nóng chống lại các lực lượng chức năng diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Qua phân tích hàng loạt vụ án, cơ quan công an cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến tội phạm ma túy sử dụng “hàng nóng” là do lợi nhuận từ việc mua bán ma túy rất lớn. Số hàng bọn chúng mua bán được tính bằng kilogram, với số vốn bỏ ra từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng nên hơn ai hết, bọn tội phạm ý thức rõ cái giá phải trả khi bị công an bắt giữ . Vì vậy chúng luôn thủ “hàng nóng”, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng để thoát thân.

Về các loại vũ khí mà tội phạm hay sử dụng, xuất phát từ mục đích sử dụng vũ khí chống lại lực lượng chức năng của tội phạm là nhằm làm tê liệt, giảm sức chiến đấu của các lực lượng chức năng, nên loại vũ khí mà tội phạm sử dụng thường là vũ khí có khả năng gây sát thương cao. Điển hình là các loại súng quân dụng K54, K59, AK 47, súng bắn đạn hoa cải, hoặc loại vũ khí gây sát thương cho nhiều người (lựu đạn).

Địa bàn mà bọn tội phạm ma túy thường sử dụng vũ khí nóng chủ yếu ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng dân tộc, đặc biệt là ở khu vực giáp biên giới. Đáng chú ý, trên địa bàn biên giới Việt - Lào thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La xuất hiện nhiều đường dây vận chuyển ma túy có vũ khí, đôi khi còn công khai thách thức các lực lượng chức năng.

Trong năm qua, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã phối hợp với Công an tỉnh Sơn La triển khai kế hoạch đấu tranh triệt phá với một số nhóm đối tượng vận chuyển ma túy qua biên giới có vũ khí. Điển hình trong 2 ngày 18/6 và 19/7/2014, các lực lượng chức năng đã bắt 7 đối tượng (có 2 đối tượng bị thương nặng đã tử vong), thu 150 bánh heroin, 5 súng quân dụng, 7 viên đạn các loại.

Tuy nhiên, theo Đại tá Phạm Văn Chình, thời gian gần đây, tội phạm ma túy sử dụng vũ khí quân dụng không chỉ  tập trung ở những vùng biên giới nữa mà nhiều đối tượng mua bán ma túy ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hải Phòng cũng có vũ khí nguy hiểm, cho thấy loại tội phạm này ngày càng trở nên liều lĩnh.

Từ thực tế trên, đòi hỏi lực lượng phòng chống ma túy phải chuẩn bị kỹ, nắm chắc tình hình hoạt động của tội phạm, đường dây tổ chức tội phạm trước khi xây dựng kế hoạch với các phương án tác chiến phù hợp linh hoạt, để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và người dân.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa nhằm góp phần hạn chế thương vong cho lực lượng chức năng cũng như nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, các lực lượng được trang bị, quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng (Công an, Quân đội, Hải quan, Kiểm lâm,…) cần làm tốt công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, không để sơ hở, thiếu sót và làm thất thoát ra ngoài xã hội.

Đồng thời cần phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để quần chúng nhân dân tự giác giao nộp các loại vũ khí, tham gia tích cực vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tội phạm ma túy nói riêng. Qua đó, nhân dân, đặc biệt là những khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, trên các tuyến, địa bàn trọng điểm hiểu được trách nhiệm của mình trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, từ đó ủng hộ, giúp đỡ lực lượng làm nhiệm vụ.

Thống nhất với 3 ngành Công an - Kiểm sát - Tòa án ở Trung ương và các địa phương tất cả những vụ chống người thi hành công vụ dù ở mức độ nào cũng pải khởi tố xử lý thật nghiêm, đem xét xử lưu động, với mức án nghiêm khắc để tuyên truyền, răn đe tới các đối tượng phạm tội khác.

Bên cạnh đó, cần có hình thức khen thưởng kịp thời các cán bộ chiến sĩ lập công, quan tâm đến chế độ chính sách đối với thân nhân các đồng chí bị thương, hi sinh trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm. Từ đó, tạo niềm tin, củng cố tinh thần, ý chí tấn công cho cán bộ, chiến sĩ công tác trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm.

Bộ Công an vừa có chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương tập trung làm tốt công tác tham mưu với  chính quyền địa phương, ban, ngành và vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán 2015, đặc biệt là đấu tranh với các vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo; buôn lậu, gian lận thương mại và an toàn thực phẩm.

Theo cơ quan Công an, năm 2014, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ 952 vụ, 1.301 đối tượng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Các đối tượng sử dụng vũ khí nóng phạm tội diễn ra rất nghiêm trọng (chủ yếu từ mâu thuẫn, thù tức cá nhân, một số vụ mang tính chất thanh toán theo kiểu “xã hội đen”, đòi nợ thuê, các án ma túy)… Riêng các vụ án ma túy đã thu 94 khẩu súng các loại, 2.049 viên đạn và 4 lựu đạn và mìn tự chế.

Top