Ngăn chặn ma túy trong học đường

21/08/2019 15:52

Tình hình tội phạm về ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy/nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Đáng lưu ý, trong số 10 vạn người nghiện có hồ sơ quản lý thì có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) khoảng 50% trong số đó là trẻ em (dưới 16 tuổi).

Những số liệu trên gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với học sinh, sinh viên. Để bảo vệ thế hệ trẻ, tránh xa khỏi tệ nạn ma túy, phóng viên của Trang tin điện tử Tiếng Chuông (Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) có buổi trao đổi với TSDD. Lê Trung Tuấn, Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD).

 TSDD. Lê Trung Tuấn. Ảnh: Thùy Chi

Được biết, thời gian qua Viên PSD đã có rất nhiều nghiên cứu về tình trạng sử dụng ma túy trong giới học sinh, sinh viên. Xin ông chia sẻ một số kết quả nghiên cứu tiêu biểu?

Ông Lê Trung Tuấn: Năm 2014, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy đã tiến hành nghiên cứu “Thực trạng nhận thức của học sinh sinh viên về ma túy: Nguyên nhân và giải pháp” cho học sinh của các trường Phổ thông Cơ sở và Phổ thông Trung học, sinh viên các trường Đại học trong phạm vi 5 quận của thành phố Hà Nội: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hà Đông và Cầu Giấy và một số địa phương khác. Tổng số mẫu nghiên cứu là 1.100 học sinh phổ thông.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra, đa số học sinh phổ thông chưa thực sự tự tin với những hiểu biết có được của mình về ma túy. Cụ thể, chỉ có 4,5% số bạn cho rằng mình rất hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy trong khi đó có tới 42,2 % số người được hỏi tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này. Dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và các kỹ năng phòng chống ma túy cũng là hai nội dung được rất ít học sinh hiểu biết rõ. Có tới 44% bạn cho rằng mình không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.

Theo kết quả khảo sát, hầu hết các học sinh đều nhận biết được những chất gây nghiện bất hợp pháp như: Thuốc phiện (93,8%), heroin (89,8 %) và cần sa (75,9%). Tuy nhiên, những loại ma túy có tác hại trực tiếp đến hệ thần kinh của người sử dụng và đang trở nên phổ biến hiện nay, đặc biệt là trong giới trẻ như methaphetamine (ma túy đá) chỉ có 56,4% cho rằng chất đó khả năng gây nghiện. Khả năng gây nghiện của một số chất khác như shisha, bóng cười cũng được rất ít học sinh biết đến. Nhận thức chưa đầy đủ cùng với tâm lý chủ quan khi cho rằng những loại ma túy trá hình này không có khả năng gây nghiện và không nguy hại đến sức khỏe là nguyên nhân chính dẫn đến hành vi sử dụng ma túy ở học sinh hiện nay.

Trong năm 2017–2018, trước khi tiến hành hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy cho học sinh, chúng tôi có tiến hành xét nghiệm nước tiểu cho 2.000 học sinh tại các trường ở các địa phương để tìm hiểu tình hình sử dụng ma túy trong học sinh hiện nay thì thu được kết quả vô cùng đáng báo động: 3-5% số học sinh được lựa chọn ngẫu nhiên trên mẫu nghiên cứu dương tính với ma túy: Heroin, Cần sa, Ma túy đá, Thuốc lắc tùy từng địa phương và vùng miền.

Viện PSD cũng đã tìm hiểu được nguyên nhân mà học sinh nghĩ rằng bản thân có thể tìm đến với ma túy, sử dụng ma túy và nghiện ma túy chủ yếu như sau: 65% học sinh tham gia nghiên cứu trả lời là bản thân học sinh không biết đến ma túy và tác hại của ma túy nên tò mò và muốn dùng thử. 27% học sinh sử dụng do bạn bè rủ, mời và lôi kéo học sinh sử dụng. 8% học sinh sử dụng là do bị lừa sử dụng mà không hay biết đến lúc lệ thuộc vào chất gây nghiện đó thì mới biết là mình nghiện.

Chúng tôi cũng đã tiến hành đánh giá mức độ hiểu biết của các bạn học sinh về kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy cho bản thân các bạn học sinh thì phần lớn các bạn học sinh chưa hoàn toàn tự tin với kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy của bản thân mình. Bản thân các bạn học sinh cũng nhận thấy nguyên nhân gốc rễ của vấn đề là do các bạn thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản để có thể phòng, tránh nguy cơ sử dụng ma túy cho bản thân cũng như những người xung quanh. Trong khi đó, ma túy hiện nay biến tướng, giả dạng và trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau, vô cùng khó nhận biết nhưng tên gọi lại vô cùng hấp dẫn lứa tuổi học sinh phổ thông: Nước vui, trà sữa, nấm ma thuật, tem giấy, bóng cười – funky ball, … Vì thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng nhưng lại chủ quan, thờ ơ nên HS dễ vấp và sa ngã vào ma túy mà không hay biết gì.

Song song với việc tìm hiểu về nhận thức, hiểu biết của học sinh về ma túy và tác hại của ma túy Viện PSD còn tìm hiểu và đánh giá nhận thức của phụ huynh học sinh và giáo viên về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi nghi ngờ và phát hiện con em mình, học sinh của mình.

Kết quả cho thấy, có tới 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy. Có 29,5% phụ huynh và giáo viên tham gia khảo sát biết một chút kiến thức về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy. Chỉ có khoảng 13% phụ huynh và giáo viên biết rõ, 25% biết khá rõ về ma túy. Tuy nhiên khi đi tìm hiểu cụ thể hơn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy thì cho thấy. Phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng chứ để nhận diện đó là loại ma túy nào và tác động ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như các bậc phụ huynh và giáo viên đều không nắm được. Bên cạnh đó kỹ năng để nhận diện và xử lý khi nghi ngờ con em, học sinh có dấu hiệu sử dụng ma túy ở phụ huynh và giáo viên tham gia khảo sát cũng rất thấp.

Đồng thời, kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra những đánh giá của chính học sinh phổ thông về các hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy mà học sinh được tham gia trước đó như thế nào. Mức độ hài lòng và ý nghĩa của các cuộc truyền thông phòng, chống ma túy mà học sinh đã từng tham gia phần lớn không cao, nội dung và kiến thức chưa hấp dẫn với độ tuổi học sinh và chưa phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Nên việc cần thiết đó là đổi mới nội dung, chương trình giáo dục, truyền thông phòng, chống ma túy cho học sinh để giúp học sinh có cơ hội tiếp cận được với kiến thức và trang bị được kỹ năng để bảo vệ bản thân mình một cách hiệu quả hơn.

Viện PSD đã ứng dụng chương trình truyền thông mới, lấy học sinh làm trung tâm, truyền thông lồng ghép với các hoạt động trò chơi “học mà chơi – chơi mà học”, có những công cụ truyền thông hấp dẫn và đặc biệt đó là học sinh sẽ được giao lưu, chia sẻ và nhận được lời tư vấn từ chính những người đã từng sử dụng ma túy chia sẻ về cuộc đời, những mất mát và những tác hại mà ma túy gây ra cho bản thân họ và cuộc sống của họ như thế nào để từ đó học sinh có cái nhìn toàn diện và khách quan về ma túy, tác hại của ma túy…

Xin ông cho biết, từ những kết quả sau quá trình nghiên cứu, Viện PSD đã có những hỗ trợ gì đối với các học viên sử dụng ma túy trong lứa tuổi học sinh, sinh viên?

Ông Lê Trung Tuấn: Chúng tôi nhận ra cần thực hiện truyền thông sâu rộng, khoa học và hấp dẫn để trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh nói chung và học sinh phổ thông nói riêng. Trong đó, việc xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu truyền thông cho học sinh phổ thông đã, đang được Viện PSD ưu tiên thực hiện.

Với hoạt động này, Viện PSD phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng tài liệu, công cụ truyền thông phòng, chống ma túy cho học sinh phổ thông. Cụ thể như sau: Tiến hành nghiên cứu, tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi và lựa chọn những nội dung phù hợp với từng đối tượng cụ thể để triển khai. Xây dựng khung nội dung tài liệu dành cho học sinh phổ thông gồm có bộ tài liệu dành cho HS tiểu học, học sinh THCS và học sinh THPT.

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị tiến hành tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, truyền thông để có thể tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nội dung chi tiết cho bộ tài liệu phòng, chống ma túy cho học sinh phổ thông.

Tổ chức lấy ý kiến đánh giá của học sinh phổ thông, chuyên gia giáo dục, truyền thông về bộ tài liệu phòng, chống ma túy để tiếp tục chỉnh sửa và hoàn thiện tài liệu trước khi in ấn và phát hành tài liệu chính thức. Dự kiến đầu năm học 2020, sẽ phát hành tài liệu phòng, chống ma túy cho học sinh phổ thông.

Bên cạnh tài liệu dành cho học sinh phổ thông, Viện PSD cũng tiến hành xây dựng và hoàn thiện nội dung tài liệu phòng chống ma túy dành cho phụ huynh học sinh và giáo viên nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng dành cho phụ huynh học sinh và giáo viên trong công tác hỗ trợ con em và học sinh nếu có những dấu hiệu nghi ngờ có sử dụng ma túy để kịp thời xử lý hiệu quả.

Hoạt động xây dựng tài liệu truyền thông phòng, chống ma túy cho học sinh phổ thông có đạt được hiệu quả như mong đợi phần lớn phụ thuộc vào việc phối hợp chặt chẽ giữa Viện PSD và Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như các cơ quan có liên quan trong việc tạo điều kiện hỗ trợ thực hiện.  

Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy trong học sinh phổ thông đã đang là vấn đề thách thức đối với toàn xã hội. Xin ông cho biết, thời gian tới PSD sẽ làm gì để ngăn chặn tệ nạn này trong giới học sinh, sinh viên?

Ông Lê Trung Tuấn: Viện PSD đã và đang đẩy mạnh công tác truyền thông trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh phổ thông, tuy nhiên để hoạt động này đạt được hiệu quả cao cần có sự hỗ trợ về các nguồn lực xã hội khác.  Đặc biệt là việc triển khai các hoạt động phối hợp giữa Viện PSD với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc huy động nguồn lực: Tài chính và chính sách để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xây dựng và hoàn thiện bộ tài liệu phòng chống ma túy cho học sinh phổ thông, và tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống ma túy cho học sinh phổ thông một cách mạnh mẽ, sâu rộng hơn nữa.

Do đó, rất mong các Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Giám hiệu các trường phổ thông quan tâm, tạo điều kiển, tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy cho các em học sinh thường xuyên, để học sinh nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cho bản thân cũng như người thân xung quanh.

Bên cạnh đó, đổi mới phương thức truyền thông phòng, chống ma túy cho học sinh bằng việc tổ chức các hoạt động truyền thông trải nghiệm: Học phòng, chống ma túy tại  Khu trưng bày tuyên truyền tác hại về ma túy do Viện PSD xây dựng và thực hiện đào tạo tại Khu Du lịch Sinh thái Long Việt ở thôn Nghe, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đến đây, các bạn học sinh vừa được vui chơi tìm hiểu về văn hóa các dân tộc Việt Nam đồng thời được tham quan khu trưng bày các hiện vật được quyên tặng từ nhiều tỉnh thành trên cả nước trong hoạt động phòng, chống ma túy. Ở đây, các em có thể gặp gỡ, giao lưu và tìm hiểu về cuộc đời khốn khó, đầy máu và nước mắt của những người đã từng sử dụng ma túy, từng lệ thuộc vào ma túy. Họ đã cai nghiện thành công và chia sẻ với các em những kinh nghiệm quý báu của cuộc đời mình để giúp các bạn học sinh có cái nhìn toàn diện, khách quan về việc cần thiết trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống tệ nạn nói chung, và ma túy nói riêng cho chính bản thân các em. Điều này sẽ góp phần tích cực vào hoạt động xã hội hóa công tác phòng, chống ma túy và giảm kỳ thị đối với người sử dụng ma túy.

Viện PSD kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Ban giám hiệu nhà trường cần thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho phụ huynh học sinh và giáo viên về các nội dung: Kiến thức về các loại ma túy và tác hại, đặc điểm tâm lý người sử dụng ma túy; Nhận biết nhanh người sử dụng ma túy; kỹ năng xử lý những tình huống khi nghi ngờ, phát hiện con em, học sinh của mình có dấu hiệu sử dụng ma túy… Để từ đó phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc hỗ trợ, giám sát con em mình trong việc phòng, chống ma túy cho học sinh phổ thông nói riêng và phòng, chống ma túy cho toàn xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ở Việt Nam tình hình tội phạm về ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy/nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ ngày càng khó kiểm soát hơn. Theo báo cáo của Bộ Công an, tính đến tháng 12/2018, hiện cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó: trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% người trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Và cũng theo báo cáo của Cục phòng chống tội phạm, trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý. Trong số 10 vạn người nghiện có hồ sơ quản lý thì có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi) khoảng 50% trong số đó là trẻ em dưới 16 tuổi.

Đặc biệt, tình hình sử dụng ATS tiếp tục gia tăng ở các địa phương, ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60 - 70% trong số người nghiện. Riêng ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, tỷ lệ này lên đến 70 – 85% trong số người nghiện. Còn theo nghiên cứu tại Hà Nội, Hải Phòng và TPHCM cho thấy, 40% người nghiện heroin có sử dụng ATS và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp 9,7 lần số không sử dụng ATS.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu sức khỏe tâm thần cho thấy, loạn thần ở người sử dụng ATS chủ yếu là hoang tưởng chiếm tỷ lệ 68,2%, ảo giác là 72,7%, trầm cảm chiếm 23,8% và 15% trầm cảm trong thời gian 3 năm sau khi sử dụng ATS. Những người trầm cảm thường có hành vi tự sát gây rất nhiều khó khăn cho cơ sở cai nghiện.

Top