Ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới

17/12/2018 10:23

Thời gian gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển ma túy trên tuyến biên giới Tây Bắc diễn biến phức tạp. Cung đường thẩm lậu ma túy từ biên giới vào Việt Nam đã có những thay đổi. Phương thức vận chuyển “hàng” đi các tỉnh nội biên ngày càng tinh vi. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển cũng ngày càng manh động, trang bị vũ khí và sẵn sàng chống trả khi bị vây bắt.

Tỉnh Điện Biên có hàng trăm đường tiểu ngạch qua lại hai bên biên giới

Theo Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP): “Sau khi nhiều băng nhóm bị theo dõi, triệt phá, các đối tượng đã thay đổi địa bàn hoạt động. Khu vực Lóng Luông, Vân Hồ của tỉnh Sơn La không còn là tuyến chính. Hơn 400 km biên giới thuộc tỉnh Điện Biên giờ trở thành "điểm nóng" về ma túy”.

Điện Biên có hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống bà con còn nghèo, dân trí thấp. Các tuyến biên giới Việt-Lào dài 414,7 km; Việt-Trung dài 40,8km với một cặp cửa khẩu quốc tế (Tây Trang-Pang Hốc), một cặp cửa khẩu quốc gia (Na Son-Huổi Puốc), một cặp cửa khẩu phụ Si Pa Phìn-Huổi Lả, một lối mở A Pa Chải-Long Phú và hàng trăm đường tiểu ngạch qua lại hai bên biên giới.

Lợi dụng điều này, các đường dây buôn bán ma túy từ “Tam giác vàng” đã dịch chuyển địa bàn từ Sơn La về Điện Biên, biến nơi đây thành trung tâm tập kết ma túy từ Lào vào Việt Nam. Từ đây, chúng tìm cách đưa ma túy sang Trung Quốc (và ngược lại), “tuồn sâu” vào nội địa nước ta. Để thực hiện điều này, các đối tượng bên Lào móc nối, lôi kéo người dân sống tại các xã vùng cao giáp ranh biên giới hai nước. Chúng dùng tiền mua chuộc, thậm chí ép buộc, đe dọa để bà con tiếp tay, hình thành đường dây vận chuyển ma túy cho chúng.

Đại tá Lê Công Bính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên, cho biết: “Lợi nhuận từ việc buôn ma túy rất lớn khiến nhiều người dân không tránh được cám dỗ. Khi đã tham gia vào các đường dây này thì họ khó có thể thoát ra do bị khống chế, đe dọa. Đã có gia đình cả vợ, chồng và anh em ruột thịt cùng tham gia buôn bán, vận chuyển ma túy”.

Chính vì vậy, công tác đấu tranh, triệt phá các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy ngày càng khó khăn. Các đối tượng tự trang bị vũ khí "nóng" và các thiết bị thông tin liên lạc khá hiện đại. Chúng sử dụng thiết bị phá sóng để ngăn chặn sự phối hợp của lực lượng chức năng. Nhiều chuyên án đã phát hiện tính chất tội phạm công nghệ cao. Thủ đoạn của chúng là nghe lén, dò tần số của lực lượng trinh sát để tìm cách đối phó. Khi lực lượng đánh án xâm nhập địa bàn thì các "chân rết" do thám sẽ thông báo, tìm mọi cách đối phó. Khi bị vây bắt, chúng sẵn sàng nổ súng chống trả quyết liệt.

Để triệt phá tận gốc các đường dây ma túy và bảo đảm an toàn cho lực lượng làm nhiệm vụ, vừa qua, các lực lượng chức năng đã tập trung triển khai cán bộ, chiến sĩ xuống các tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy. Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên phối hợp với cơ quan công an rà soát các tụ điểm phức tạp về ma túy, trên cơ sở đó xây dựng, triển khai các chuyên án. Từ năm 2008 đến nay, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ hơn 5.530 vụ với hơn 6.900 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ hơn 227 kg thuốc phiện, gần 600kg heroin, hơn 100kg ma túy tổng hợp, 61 khẩu súng và hàng nghìn viên đạn.

BĐBP đã thực hiện tốt quy chế phối hợp với lực lượng an ninh các tỉnh Bắc Lào trong phòng, chống tội phạm. Lực lượng công an đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định về bảo đảm an ninh trật tự giữa Bộ Công an (Việt Nam) và Bộ An ninh (Lào); duy trì các hoạt động hội đàm, trao đổi nghiệp vụ trong phòng, chống và kiểm soát ma túy với cơ quan an ninh 6 tỉnh Bắc Lào. Cơ quan chức năng hai nước đã triển khai nhiều kế hoạch phối hợp trong đấu tranh với các đường dây tội phạm, điều tra cơ bản địa bàn tuyến biên giới để chủ động đấu tranh ngăn chặn từ xa việc thẩm lậu ma túy.

Trong hợp tác với Công an tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), lực lượng công an, BĐBP không ngừng nâng cao hiệu quả trong phối hợp đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Công an thành phố Phổ Nhĩ, Công an huyện Giang Thành (Vân Nam) trong trao đổi thông tin, nghiệp vụ, qua đó bám nắm địa bàn, ngăn chặn từ xa ma túy thẩm lậu vào nội biên.

Ngoài việc đấu tranh, ngăn chặn nguồn ma túy thẩm lậu từ biên giới vào nội địa, lực lượng công an, BĐBP tỉnh Điện Biên đã phối hợp với chính quyền địa phương làm sạch địa bàn, quản lý các đối tượng nghiện hút. Đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức cai nghiện ở cộng đồng cho hơn 8.760 đối tượng, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh Điện Biên cho gần 200 đối tượng. Việc quản lý và cai nghiện cho các đối tượng này góp phần duy trì trật tự an toàn xã hội. Mặt khác, công tác quản lý người nghiện giúp giảm nguồn tiêu thụ ma túy và hạn chế sự tiếp tay cho các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy.

Top