'Nẻo về' cho những mảnh đời lầm lỡ

22/06/2018 09:54

Trong cái nắng oi nồng của ngày hè tháng 5, chúng tôi đến Hoành Bồ (Quảng Ninh), nơi lâu nay được nhiều người nhắc đến với cái tên không mấy thiện cảm: “thủ phủ ma túy”. Trung tâm Giáo dục và lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh nhưng thực chất người dân thường gọi là trung tâm cai nghiện ma tuý, nằm khá biệt lập với xung quanh.

Học viên Trung tâm Giáo dục và lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh

Những câu chuyện kể về ma túy đá, về cái chết trắng của những con người lầm lỡ mong muốn trở về với cuộc sống, trở về với con người của mình sau những vấp ngã, sai lầm khiến chúng tôi xót xa, bởi con đường  trở về với bình yên vẫn còn dài và lắm chông chênh.

Những cậu ấm cô chiêu và ma túy đá

Dẫn đoàn chúng tôi xuống cơ sở cai nghiện, ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và lao động xã hội tỉnh Quảng Ninh (xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ) cho biết, hiện tại trung tâm đang điều trị cho 520 học viên, trong đó học viên nhỏ tuổi nhất là 17 tuổi, lớn tuổi nhất là 60 tuổi. Điều đặc biệt là đối tượng nghiện ma túy đang ngày càng trẻ hóa.

Trong số những nữ học viên tại trung tâm, tôi ấn tượng với em Lương Thị Phương T. (SN 1996, ở huyện Đầm Hà, Quảng Ninh). T. đã biết sử dụng ma túy đá từ năm 2011, lúc đó T. vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhớ lại lần đầu tiên sử dụng ma túy đá, T. chia sẻ: “Hôm đó em buồn chuyện gia đình nên qua nhà bạn ngủ lại. Đêm đó, bạn em rủ đi sinh nhật nên em đi theo, rồi trong nhóm bạn đó có người đã mang theo ma túy đá và sau đó cho cả nhóm sử dụng. Một số bạn nam cứ khuyên rằng sử dụng sẽ hết buồn phiền, quên đi chuyện lo lắng, sẽ được lên tiên… tò mò nên em cũng đã sử dụng”.

Và rồi cứ thế, những lần sau cứ hễ có chuyện buồn buồn dù lớn hay nhỏ là T. lại tìm đến ma túy đá. Có những hôm T. bỏ nhà đi suốt mấy ngày và chỉ biết tìm đến game và ma túy đá, cứ chơi game xong lại dùng ma túy đá và dùng ma túy đá lại cắm đầu vào game như để quên đi tất cả.

“Em cũng không biết em bắt đầu hư hỏng từ lúc nào nữa. Trước đó, em cũng học hành không đến nỗi nào nhưng sau đó thì bỏ bê việc học, và khi bố mẹ biết em sử dụng ma túy thì trong nhà lúc nào cũng lục đục. Trước kia em chưa lần nào dám cãi lời ba mẹ nhưng sau khi sử dụng ma túy thì mâu thuẫn với bố mẹ ngày một trầm trọng, tính tình em cũng cục cằn hẳn… Từ nhỏ em chưa bao giờ dám trộm tiền bố mẹ, nhưng từ sau khi sử dụng ma túy đá thì cứ thấy thiếu ma túy đá là cuộc sống như bế tắc và để có ma túy sử dụng em đã phải đi ăn trộm tiền của bố mẹ mình”, T. ngậm ngùi.

Em Chu Quang Th. (phường Xuân Sơn, TP Đông Triều, Quảng Ninh) đang nhìn qua khung cửa sổ căn phòng của trung tâm cai nghiện với ánh mắt thất thần. Mới 16 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời học sinh, Th. vướng vào ma túy đá.

Là con một trong gia đình nên Th. được bố mẹ khá nuông chiều. Từ nhỏ, Th. đã là cậu ấm, thích gì được nấy. Bố mẹ làm nghề kinh doanh, do mải mê làm ăn, dường như thời gian dành cho Th. cũng ngày càng ít hơn. Đang là học sinh trường THPT, bị bạn bè rủ rê, Th. bỏ học theo các bạn đến các quán bar vào ban đêm, rồi em đã sử dụng ma túy đá.

Khi phát hiện em bị nghiện, bố mẹ cho vào trung tâm cai nghiện, đến nay được 11 tháng. Sau khi cắt cơn, cơ thể cảm thấy khỏe khoắn, tinh thần phấn chấn, không còn cảm giác “đói” thuốc, em chỉ mong cai nghiện trở về, được đi học. Mong muốn của Th. là được học nghề để có công việc ổn định sau này.

Vòng luẩn quẩn không lối thoát

Không chỉ những cậu ấm cô chiêu, tại trung tâm còn có cả những trí thức vướng vào con đường ma túy. Ông Lê Minh Sơn nhớ lại, trước đây trung tâm từng cai nghiện cho một kỹ sư điện tử. Anh ta là người khá giỏi, hàng ngày sản xuất ra nhiều thiết bị điện tử, doanh thu trước đây mỗi ngày 3 - 4 triệu đồng.

Không hiểu vì lý do gì, anh dùng thử ma túy. Lúc mới dùng, anh thấy người khỏe mạnh, làm việc không biết mệt. Càng làm nhiều thì càng có nhiều sản phẩm và cũng nhiều tiền hơn. Thế nhưng, đã dùng rồi thì không thể dừng được, anh nghiện lúc nào không hay.

Nói về khả năng cai nghiện thành công của các học viên, ông Sơn chia sẻ: “Thành công hay không thì còn tùy thuộc vào ý chí của từng người, có nhiều người sau khi cai nghiện thành công từ trung tâm về thì một vài năm đầu tránh xa ma túy, nhưng sau đó lại bị bạn bè rủ rê và khó thoát ra được cái vòng luẩn quẩn”.

Chúng tôi đã tiếp xúc với khá nhiều học viên và được biết họ rất quyết tâm từ bỏ ma túy. Thế nhưng, để cai nghiện thành công, không tái nghiện là cả câu chuyện dài.

Anh Lê Minh H, đến từ Đông Triều (Quảng Ninh), người có tuổi đời gần như cao nhất trung tâm cai nghiện, cho biết, anh vào trung tâm cai nghiện 2 năm nay rồi, sắp tới anh sẽ được về cùng với gia đình.

Nhớ lại quãng thời gian cách đây 8 năm, anh cũng cai nghiện ở trung tâm này. Làm nghề lái xe đường dài, lúc đầu anh thử sử dụng ma túy, thấy người hoàn toàn tỉnh táo, khỏe khoắn. Thế nhưng dùng một lần rồi thì không dứt ra được, anh nghiện lúc nào không hay. Mỗi ngày anh phải “đốt” khoảng hơn 1 triệu đồng để thỏa mãn cơn nghiện. Được sự động viên của vợ con, anh vào trung tâm cai nghiện quyết tâm làm lại cuộc đời, để được hòa nhập cộng đồng.

8 năm trở lại cuộc sống bình thường, cứ tưởng anh sẽ vĩnh viễn từ biệt “chất trắng” đó. Vậy mà trong một lần liên hoan cùng bạn bè, trong cơn chếnh choáng của men rượu, anh bị bạn bè cho dùng lại. Thử lại duy chỉ một lần nhưng anh lại thèm và nhớ ma túy, không thể quên được và lại lao vào ma túy và nghiện lại.

Ở trong trại cai nghiện, mỗi lần nghĩ đến cuộc đời mình, anh lại xót xa với hai chữ “giá như”. Giờ đây đã có 2 cháu nội, ao ước lớn nhất của anh là được trở về gia đình, được làm tròn bổn phận của người chồng, người cha như bao người đàn ông khác. Ước mơ bình dị nhất, đời thường nhất với anh sao khó quá, nó như vòng luẩn quẩn, vướng vào thì khó thoát.

Mong ước làm lại cuộc đời

Là một trong số nhiều nữ học viên tại Trung tâm cai nghiện tỉnh Quảng Ninh, và được mệnh danh là hoa khôi của trung tâm, em Trần Phương Nh. (SN 1995) tỏ ra là một người từng trải. Thế nhưng, đằng sau khuôn mặt trắng hồng và nụ cười “đốn tim” ấy lại ẩn chứa một nỗi ân hận không hề nhỏ khi em coi ma túy là “bạn” trong suốt một thời gian dài, với gần 4 năm sử dụng heroin.

Hoàn cảnh gia đình của Nh. cũng khá đáng thương. Bố mẹ Nh. bỏ nhau từ khi em còn rất nhỏ. Em thiếu tình cảm của cha, thiếu sự giáo dục của mẹ khi mẹ em hằng ngày phải ra chợ buôn bán, phải vật lộn với cuộc sống cơm áo gạo tiền. Vì thế, sau những giờ đến lớp, em chỉ biết tìm đến với những bạn bè để trút bầu tâm sự và cũng với tính tò mò, bị bạn bè rủ rê lôi kéo trong những lần đi chơi, sinh nhật Nh. đã bắt đầu sử dụng ma túy.

Nói về lần đầu tiên sử dụng ma túy, Nh. nhớ lại: “Lần đó em đi sinh nhật đứa bạn thân cùng lớp, trong nhóm có khoảng 20 người thì có một người con trai đã mang theo heroin và chia cho cả nhóm cùng sử dụng. Ban đầu em cũng quyết tâm không dùng nhưng nhóm bạn lại cứ khiêu khích, cũng vì tính tò mò nên em cũng đã thử. Và rồi những lần sau đó, vì buồn chuyện gia đình, chuyện yêu đương và cũng cứ nghĩ sử dụng một vài lần chắc sẽ không sao nên em đã bắt đầu tìm đến nó như một thói quen, mật độ ngày một dày hơn”.

Giờ đây, Nh. đã là mẹ của đứa con hơn 1 tuổi và 2 vợ chồng cũng đã bỏ nhau. Nh. mới nhận ra rằng ma túy sẽ giết chết cuộc đời mình nên em đã tự nguyện tìm đến trung tâm cai nghiện với mong muốn làm lại cuộc đời.

“Lúc mới vào trung tâm em cũng thèm lắm, lên cơn vật vã, nhớ nhà, nhớ con… cứ nghĩ rằng mình sẽ không thể cai được. Nhưng sau đó được sự chăm sóc, điều trị và động viên của các giám thị trung tâm nên dần dần em cũng đã quyết tâm hơn trong việc điều trị. Với em bây giờ chỉ mong muốn sớm điều trị thành công để trở về làm lại cuộc đời và nuôi con”, Nh. tâm sự.

Rời trung tâm ra về, lòng chúng tôi ngổn ngang biết bao câu hỏi chưa tìm ra lời đáp. Liệu những bước chân lầm lỡ có tìm lại được con đường quay về với chốn bình yên của mình? Liệu họ có đủ ý chí, nghị lực để có thể tự đứng dậy từ vực thẳm lầm lỗi mà ma túy đã gây ra để quay về với ánh sáng bình minh để gây dựng lại cuộc đời và hạnh phúc của chính mình? Hy vọng với sự chung tay của cả cộng đồng, sự giúp đỡ của gia đình, người nghiện có cơ hội cải tạo tốt hơn để hòa nhập cuộc sống.

Ông Lê Minh Sơn tâm sự: “Hiện tại số người tự nguyện vào cai nghiện còn chiếm một phần rất nhỏ ở trong cộng đồng, mặc dù đây là trung tâm cai nghiện hoàn toàn miễn phí cho tất cả các học viên. Tuy nhiên, công tác cai nghiện quả là không đơn giản, phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của từng người.

Đối với cai nghiện không khi nào là quá muộn cả; vấn đề là quyết tâm làm lại cuộc đời của họ đến đâu thôi. Điều chúng tôi thấy mừng nhất là nhiều người sau khi rời khỏi trung tâm đã làm lại cuộc đời và đều trở thành những người có ích cho xã hội, có người còn trở thành chủ doanh nghiệp tạo công ăn việc làm cho nhiều người khác”.

Top