Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tội phạm ma tuý trên tuyến Tây Bắc

21/08/2018 09:29

Số vụ và số lượng ma túy bắt giữ trên tuyến Tây Bắc hàng năm đều chiếm tỷ lệ cao so với cả nước (chiếm khoảng 10% số vụ, 11% số đối tượng, nhưng số ma túy thu giữ, đặc biệt là heroin chiếm từ 30-50% so với cả nước)

Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn la tuyên truyền công tác phòng, chống ma túy cho nhân dân

Tuyến trọng điểm nhất về ma tuý

Khu vực Tây Bắc bao gồm 7 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ có những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội mà đối tượng thường lợi dụng để hoạt động phạm tội. Với vị trí địa lý gần khu vực Tam giác vàng, có đường biên giới với nước bạn Lào dài 520 km, địa hình núi cao, hiểm trở, chia cắt, độ dốc lớn.

Trên địa bàn có 30 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Mông chiếm 90,5% người Mông trong cả nước. Đời sống của người dân còn khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế. Lợi dụng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, đường biên giới mở, các thủ tục qua lại đơn giản, đồng bào Mông ở hai bên biên giới có mối quan hệ họ hàng, thường xuyên qua lại, đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo bà con tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Xác định tuyến Tây Bắc là tuyến trọng điểm, phức tạp về tội phạm ma túy, trong nhiều năm qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy đã tham mưu đề xuất nhiều biện pháp ngăn chặn có hiệu quả nguồn ma túy từ nước ngoài vào nội địa.

Số vụ và số lượng ma túy bắt giữ trên tuyến Tây Bắc hàng năm đều chiếm tỷ lệ cao so với cả nước (chiếm khoảng 10% số vụ, 11% số đối tượng, nhưng số ma túy thu giữ, đặc biệt là heroin chiếm từ 30-50% so với cả nước). Nhiều đối tượng ở các tỉnh dưới xuôi cấu kết với các đối tượng trên tuyến Tây Bắc hình thành các đường dây vận chuyển ma túy với số lượng lớn để tiêu thụ trong nội địa và đưa sang Trung Quốc. Nhiều vụ bắt giữ, lực lượng chức năng đã phải đối mặt với sự chống trả quyết liệt bằng vũ khí nóng.

Hiện nay, tại một số khu vực giáp biên giới trên đất Lào vẫn tồn tại một số băng nhóm phỉ hoạt động, lấy tiền từ bán ma túy để mua sắm vũ khí. Chúng tập trung thành nhóm từ 10-25 người đối tượng là người Mông Lào, trang bị các loại súng AK, các bin, săm lếch… vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới vào sâu trong nội địa ở khu vực hai huyện Vân Hồ, Mộc Châu (tỉnh Sơn La) tập kết rồi phân phối cho các đường dây vận chuyển vào sâu trong nội địa.

Do lợi nhuận thu được lớn nên các đối tượng cầm đầu thường mua chuộc người dân trong bản rồi phân công họ tuần tra, canh gác, báo động khi có người lạ thâm nhập để đối tượng có liên quan đến ma túy bỏ trốn. Một số nơi như ở xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); xã Na Ư (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); xã Loóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La); xã Chiềng Khương (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), bọn chúng mua chuộc một số cán bộ thoái hóa, biến chất để bao che, làm ngơ cho hành vi phạm pháp.

Tội phạm về ma túy trên tuyến Tây Bắc hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, theo tổ chức, đường dây, phương thức thủ đoạn luôn thay đổi. Các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy trên tuyến Tây Bắc rất ít khi trực tiếp tàng trữ, vận chuyển ma túy. Chúng thường đứng đằng sau điều hành, chỉ đạo, mở các công ty bình phong để rửa tiền do phạm tội mà có, lấy tiền hoạt động từ thiện để tạo vỏ bọc và để dễ bề trốn tránh trách nhiệm khi đường dây bị triệt phá.

Các đối tượng đầu nậu thường tập kết ma túy tại những vùng hẻo lánh sát biên giới, sau đó thuê đối tượng là người Mông tổ chức thành từng nhóm vận chuyển vào nội địa. Khi vận chuyển trên đường, các đối tượng thường tổ chức cho 1-2 xe đi trước, thường xuyên liên lạc với đối tượng vận chuyển đi sau để tẩu tán tang vật và bỏ chạy khi phát hiện bị lực lượng chức năng truy đuổi.

Thủ đoạn cất giấu ma túy được các đối tượng tính toán kỹ lưỡng để chống lại sự phát hiện của các cơ quan chức năng. Chúng đưa xe sang bên Lào để thay đổi kết cấu thành xe, tạo bình xăng hai đáy, thậm chí chúng còn đóng gói ma túy cột chặt vào một góc của bình nhiên liệu... Khi vận chuyển trên xe khách chúng thường để ma túy trong ba lô, túi xách nhưng với thủ đoạn là để trong cốp xe, trong gầm ghế cách xa chỗ ngồi không để cho phụ xe và hành khách biết đó là đồ của chúng. Khi bị phát hiện, các đối tượng thường không nhận với mục đích tạo thành “hàng” vô chủ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.

Tập trung bắt giữ đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm

Trong những năm qua, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy thường xuyên phối hợp với công an các tỉnh chỉ đạo lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, các điểm, tụ điểm, đường dây ma túy. Cục tham mưu cho Bộ Công an chỉ đạo mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy, đặc biệt là trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Trung Quốc; thường xuyên tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công an cấp huyện, từ đó đã tạo được nhiều chuyển biến trong nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy cũng như của từng cán bộ, chiến sỹ, mang lại hiệu quả trong thực tế.

Qua khảo sát nắm tình hình địa bàn, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an 7 tỉnh trên tuyến đã xác định được các tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy như: tuyến Quốc lộ 6, Điện Biên - Lai Châu - Lào Cai, tuyến Phù Yên (Sơn La) - Nghĩa Lộ (Yên Bái), tuyến Mường La (Sơn La) - Mù Căng Chải (Yên Bái); tuyến Vạn Mai - Cun Pheo và các xã trọng điểm là: Hang Kia, Pà  Cò, Tân Sơn, Piềng Vế (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); các xã trọng điểm trên địa bàn huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La gồm: Xuân Nha, Vân Hồ, Chiềng Xuân, Loóng Luông; tuyến Pa Luông - Co Sung và các xã Đông Sang, Chiềng Sơn của huyện Mộc Châu…

Qua công tác điều tra, nắm tình hình đã xác định được nhiều tuyến, địa bàn trọng điểm để tiến hành theo dõi, chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong quản lý kinh tế - xã hội mà tội phạm về ma túy thường lợi dụng để hoạt động; qua đó đã đề xuất, kiến nghị những chương trình, kế hoạch, biện pháp trong công tác quản lý không để cho tội phạm ý lợi dụng.

Từ đó đã xác lập, đấu tranh được nhiều chuyên án triệt xóa các đường dây ma túy lớn trên tuyến Tây Bắc hoặc có liên quan đến đối tượng trên tuyến. Điển hình như: tháng 5/2014 Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy phối hợp với Công an tỉnh Sơn La xác lập chuyên án 279-LL đấu tranh, chặn bắt và tiêu diệt các nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang. Qua 6 giai đoạn của chuyên án, lực lượng chức năng đã đẩy đuổi hàng trăm đối tượng, bắt giữ 12 đối tượng, thu giữ 430 bánh heroin, 16.000 viên ma túy tổng hợp, 18 khẩu súng và nhiều loại đạn. Cục đã đấu tranh thành công các chuyên án  bắt giữ đối tượng Nguyễn Quốc Hùng thu giữ 490 bánh heroin, 02 súng K59, 01 hộp tiếp đạn súng AR15.

Ngày 26/11/2016, Công an tỉnh Phú Thọ bắt hai đối tượng là Vàng A Cáng và Vàng A Dự, cùng trú ở Tà Phềnh, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La thu giữ 300 bánh heroin. Ngày 13/7/2017, Công an tỉnh Lai Châu bắt giữ hai đối tượng thu giữ 300.000 viên hồng phiến. Ngày 02/01/2018, Công an tỉnh Điện Biên bắt giữ hai đối tượng trú tại xã Na Ư, huyện Điện Biên thu giữ 489 bánh heroin; ngày 11/5/2018, Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ hai đối tượng cùng tang vật 329 bánh heroin….

Tình hình ma túy và tội phạm ma túy tại địa bàn các tỉnh Tây Bắc, tuyến đầu chịu áp lực lớn nguồn ma túy từ khu vực Tam giác vàng tiếp tục có những diễn biến phức tạp sẽ tác động trực tiếp đến nước ta nói chung và địa bàn các tỉnh Tây Bắc nói riêng. Tuyến Tây Bắc vẫn là trọng điểm nhất vì vị trí địa hình rất thuận lợi cho tội phạm vận chuyển ma túy vào Việt Nam và đi các địa phương khác. Không chỉ có heroin, thuốc phiện mà ma túy tổng hợp xâm nhập cũng sẽ ra tăng mạnh ở một số địa bàn.

Công tác phòng, chống ma túy trên tuyến Tây Bắc trong thời gian tới sẽ rất quyết liệt và phức tạp. Việc đấu tranh làm giảm tình hình phức tạp trên tuyến sẽ có tác động rất lớn đến địa bàn cả nước. Để đáp ứng được yêu cầu cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy trên tuyến Tây Bắc trong tình hình mới, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy trên tuyến chủ động xây dựng kế hoạch rà soát lại các tuyến, địa bàn, đối tượng để tiến hành làm tốt công tác điều tra nắm tình hình. Qua đó báo cáo đánh giá phân tích xác định tính chất địa bàn, tuyến tìm ra nguyên nhân các sơ hở, thiếu sót để đề xuất kiến nghị khắc phục không để đối tượng lợi dụng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp, củng cố lực lượng công an xã, cảnh sát khu vực, công an phụ trách xã, đề cao vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín, chức sắc tôn giáo phục vụ công tác tuyên truyền, nắm tình hình địa bàn, đối tượng.

Bên cạnh đó, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiên có hiệu quả Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 (theo Quyết định số 424 /QĐ-TTg, ngày 7/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ). Tham mưu cho Ban Giám đốc Công an tỉnh mở các đợt tấn công tội phạm trên các tuyến và địa bàn trọng điểm, xác lập chuyên án đấu tranh bóc gỡ các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn, các tụ điểm hoạt động phức tạp, tập trung bắt giữ đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm, không để chúng tụ tập mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới vào nội địa.

Các tỉnh có đường biên giới cần tăng cường hợp tác, nâng cao hiệu quả hợp tác với bạn Lào, Trung Quốc trong phòng, chống tội phạm về ma túy; phối hợp với các đồn biên phòng, công an xã trên tuyến tổ chức tuần tra, kiểm soát ở các trọng điểm phức tạp, không để đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy qua lại biên giới...

Top