Nạn nhân của bạo lực giới: Ám ảnh về tuổi thơ đầy nước mắt

16/01/2019 10:00

Tại Lễ khởi động Dự án Brave – Vì bạn được tin do 3 Tổ chức Care, CSAGA, iSee tổ chức mới đây, hai trong số rất nhiều câu chuyện đầy ám ảnh về tuổi thơ đầy nước mắt của các nạn nhân bị xâm hại tình dục từ khi còn rất nhỏ khiến người ta không thể không đau lòng về những ‘dư vị’ của bạo lực giới.

Nạn nhân bị bạo lực giới đôi khi còn nhận những sự soi mói của người khác. Ảnh trưng bày tại lễ khởi động dự án Brave

Những tâm sự buồn

Đó là câu chuyện của một cô bé sống cùng người bố dượng: “Lúc sinh ra, em không có bố. Mẹ nuôi em đến lúc 5 tuổi thì bác và mẹ em lấy nhau. Khi em 11 tuổi, mẹ em mất trong lần bị đụng xe. Bác nuôi em từ đó. Bác chăm em như con ruột, cho ăn, cho học, không tiếc thứ gì. Khi ấy, em rất hạnh phúc.

Mấy tháng trước thì bác “làm vậy” với em. Sau đó, em bị sẩy (sẩy thai), vừa đau vừa sợ vừa uất ức nhưng sau bác bảo do bác say và dù sao, em cũng không phải con ruột của bác. Vậy mà bác vẫn nuôi mà không lấy thêm vợ nên em phải bỏ qua chuyện này như một sự báo ân.

Em không nói nhưng em vẫn sợ lắm. Mấy hôm liền sau đó, em không ăn không ngủ được, cảm giác bị ám ảnh kinh hoàng… rồi em bị xỉu trên đường.

Một người chị đã đưa em đến bệnh viện. Lúc em sẩy, em đã kể hết cho chị ấy nghe. Chị ấy bảo em báo công an nhưng em không cho vì… bác như là ba của em mà.

Từ hôm đó trở đi, bác ấy vẫn thường xuyên làm “chuyện đấy” với em, đặc biệt là khi bác say, mỗi lần như vậy em đều sợ lắm nhưng không dám làm gì.

Rồi em trốn vào nhà chị, ở hẳn trong đấy luôn. Bác đến lôi em về rồi đánh chị ấy gãy tay vì chị ấy không cho bác đưa em đi.

Chị ấy muốn đưa đơn kiện nhưng lại hỏi em là có muốn thú nhận việc đã bị hành hạ không. Nhưng em thật sự rất sợ vì bác đã nuôi em, vì nếu nói ra, em thật sự không biết có được đi học được nữa không.

Mọi người ai cũng bảo em tự tin lên, em không làm sai, em không phải sợ, nhưng mọi người không ở trong hoàn cảnh của em. Trường em là trường chuyên, em lại trong đội tuyển, các bạn xung quanh toàn những người ưu tú.

Trước đây, có bạn trong lớp em bị lộ tin đã từng “quan hệ”, bạn ấy bị tẩy chay ngay lập tức trong toàn trường. Em sợ nếu em nói ra, chắc chắn em sẽ không thể sống nổi.

Em chẳng biết phải làm sao cả. Em không muốn mất đi trường học, bạn bè và thực sự bác đã như cha em suốt 5 năm qua….

Nhưng em cũng không muốn giấu mãi. Em sợ nhìn thấy bác mỗi tối, cảm giác đau đến đáng sợ ám ảnh liên tục khiến em sợ cả việc ngủ hay thậm chí, ngay cả lúc phải nhắm mắt lại”.

Hay câu chuyện của một cô bé bị lạm dụng tình dục khi mới 5 tuổi:  "Khi em còn nhỏ, khoảng 5-6 tuổi gì đó, em đã không còn trong trắng, em đã bị anh họ của mình dụ dỗ quan hệ tình dục. Lúc ấy em không biết đó là gì, em thật sự rất sợ.

Em thấy mình có tội nếu nói ra. Sau đó một thời gian, em cảm thấy ghê tởm đàn ông. Mỗi đêm, hình ảnh đó cứ hiện ra làm em không thể nào nhắm được mắt. Em đã không lại gần những nam giới cỡ tuổi hắn trong suốt chặng đường lớn lên của em.

Bây giờ em bị chứng sợ người lạ. Em sợ tiếp xúc với người khác. Những lúc đó, em thường không thở được, nước mắt cứ tuôn ra. Nhưng sau khi em hỏi thì chuyện này cũng xảy ra với các chị em họ trong gia đình em nữa. Em không phải nạn nhân duy nhất.

Em không muốn im lặng nữa. Em muốn hắn ta chịu tội về hành động kinh tởm của hắn. Em muốn kiện hắn nhưng em lại không có bằng chứng xác thực. Chỉ lời nói, mọi thứ đã trôi vào quá khứ. Khi đó, em lên 5, bây giờ em 17, đã 12 năm trôi qua rồi.

Cho dù có kiện hắn đi chăng nữa, em cũng không còn mặt mũi nào để nhìn mọi người nữa. Nên em phải chọn im lặng, vì chỉ còn cách đó, sẽ không còn bất cứ xáo trộn nào trong cuộc đời em nữa…

Chân dung nạn nhân

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) với hàng trăm câu chuyện trong số 3.646 câu chuyện về bạo lực giới trên trang S.O.S – Sharing Our Stories cho thấy, hầu hết các nạn nhân bạo lực giới (BLG) chia sẻ trong các câu chuyện là nữ, chiếm 96,6% và 3,4% là nam giới. 64% nạn nhân cho biết họ bị BLG khi dưới 13 tuổi, 30,9% nạn nhân bị BLG trong độ tuổi từ 13-16 và 15,7% nạn nhân ở độ tuổi 16-45. Hầu hết các nạn nhân (89,9%) bị quấy rối tình dục, hiếp dâm và cưỡng dâm khi đang là học sinh, sinh viên.

Những nạn nhân này bị BLG ở độ tuổi mẫu giáo hoặc những năm đầu tiểu học chưa được giáo dục giới tính hay gia đình nhắc nhở về giới tính. Các nạn nhân chia sẻ: "mình lúc đó còn bé (3-4 tuổi) chẳng hiểu gì, chỉ nghĩ súng là đồ chơi…mình không hiểu thế nào lại làm theo", "hồi 5 tuổi tôi từng bị quấy rối tình dục…lúc đó tôi con nhỏ nên cũng không biết rằng mình bị lạm dụng tình dục và chuyện ấy cứ tiếp diễn nhiều lần’, ‘khi bắt đầu học lớp 1…bị hắn dụ dỗ vào phòng riêng và bắt quan hệ. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu mình đang gặp vấn đề gì".

36% nạn nhân khi bị BLG họ đã từng chống cự, la hét, đe dọa và thậm chí đánh thủ phạm. Những nạn nhân này thường ở lứa tuổi từ 12 tuổi trở lên, đã có hiểu biết về giới tính và bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Việc các nạn nhân có hành động chống cự làm giảm nguy cơ tái diễn BLG nhiều lần bởi một thủ phạm. Trong khi đó, 34,3% nạn nhân chia sẻ họ cảm thấy sợ hãi và tìm cách bỏ chạy hoặc lảng tránh khi bị BLG mà không có bất kỳ hành động nào để ngăn chặn. Nhiều nạn nhân nữ đã nhận thức được việc mình bị xâm hại tình dục, thay vì chống cự họ lại im lặng và tìm cách để lảng tránh.

Bên cạnh đó, khoảng 19% nạn nhân im lặng, chấp nhận bị bạo lực giới vì một số lí do: muốn bảo vệ người thân của mình như mẹ, bác gái; vì xấu hổ, sợ người khác phát hiện, sợ bị "tẩy chay"; vì thấy "khó xử" hay "nhát gan".

Tương tự các vụ quấy rối tình dục và tấn công tình dục với nạn nhân nữ, nạn nhân nam cũng bị quấy rối tình dục trên xe buýt, tại trường học hay tại nơi ở của thủ phạm. Các nạn nhân này đều không nói với gia đình hay tố cáo, tố giác thủ phạm.

Ám ảnh, ghê tởm, dơ bẩn – những “dư vị” của bạo lực giới

Hầu hết các nạn nhân đều chia sẻ họ bị "ám ảnh" và ảnh hưởng tâm lý nặng nề. 90,4% nạn nhân cho biết họ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, trầm cảm và tự ti sau khi bị bạo hành. Nạn nhân tâm sự "mình không sao tự tin mà kết bạn được", "cứ như vậy mình sống tiếp những này tháng tiếp theo của cuộc đời trong nỗi sợ người lạ", "tôi cản thấy vô cùng tồi tệ, từ đó tôi trở nên trầm tính, lầm lì, ít nói…tôi thực sự hoảng sợ và lo lắng".

68,5% các nạn nhân chia sẻ họ bị ám ảnh và thường xuyên nghĩ về các vụ quấy rối tình dục, hiếp dâm và cưỡng dâm mà họ đã trải qua. Nạn nhân chia sẻ  "năm nay em học lớp 9 nhưng em vẫn phải chịu nỗi ám ảnh của 6 năm trước…em rất sợ, ám ảnh lắm", "mọi chuyện có vẻ đã kết thúc nhưng vét thương tâm lý của mình chưa bao giờ lành", hay "chuyện đó cứ  ám ảnh mình suốt 10 năm nay, không lúc nào nghĩ đến mà mình không khóc". Đặc biệt, nhiều nạn nhân rơi vào trạng thái trầm cảm, muốn chết hoặc đã từng tự tử không thành.

Phần lớn nạn nhân bị quấy rối tình dục, hiếp dâm và cưỡng dâm ở độ tuổi còn trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. 16.3% nạn nhân lo lắng các vụ BLG sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình. Các nạn nhân này cảm thấy bản thân mình ‘dơ bẩn’, ‘đáng ghê tởm’, ‘nhơ nhuốc’, ‘mất trinh’ và e sợ rằng người yêu hay chồng sau này sẽ không chấp nhận họ, quá khứ của họ và thậm chí họ sợ không dám yêu ai hay không hứng thú với việc quan hệ tình dục.

Trong số 31,5% nạn nhân trực tiếp đổ lỗi cho mình như nguyên nhân gây ra hành vi bạo lực gới có 14,6% nạn nhân đổ lỗi cho các thuộc tính cá nhân như ‘quá tin tưởng’, mình cũng ngu…mình không ý thức được nên cũng làm theo… 3,9% nạn nhân đổ lỗi cho các hành vi của mình, như  ‘không ngăn chặn từ đầu’, ‘mình đã không nói gì mà cứ để chú ta sờ như thế vì mình nghĩ  đó là chuyện bình thường’. Khoảng 13% nạn nhân tự trách cơ thể mình hoặc bản thân mình ‘có lẽ bản thân mình cũng bệnh hoạn và đáng chết như lão kia’, hay ‘mình đã nghĩ rằng liệu mọi chuyện có tốt đẹp hơn khi mình là con trai? Và mình ghét cơ thể này, nó thật sự quá dơ bẩn’.

Bên cạnh đó, cách nạn nhân sử dụng từ ngữ để diễn đạt lại thể hiện nạn nhân đổ lỗi phần nào đó cho mình như "mình đã bị mất trinh" hàm nghĩa là mình đã làm mất thay vì "bị kẻ khác cướp". Nhiều nạn nhân cũng sử dụng những từ ngữ mang tính "bao biện" chứng minh mình không có lỗi như "mình không nghĩ mình là đứa ăn mặc đến nỗi hở cái này, khoe cái kia", "mình không xinh đẹp. Bình thường tới mức tầm thường mà vẫn bị", "hồi đó mình mập và xấu lắm, ngực cũng lép nhưng vẫn trở thành mục tiêu", hay "hôm đó mình tuyệt đối không ăn mặc hở hang gì hết", "mình là con trai mà còn bị". Cách sử dụng từ ngữ như vậy cho thấy ảnh hưởng rõ rệt của tư tưởng "không có lửa thì làm sao có khói", chỉ những người xinh đẹp, ăn mặc "hở hang" mới bị xâm hại tình dục. Lối tư tưởng đó làm cho các nạn nhân, đặc biệt là nữ giới "chủ quan" với những nguy cơ tiềm ẩn bị bạo lực giới cũng như tăng "gánh nặng" tâm lý lên vai các nạn nhân.

Rào cản ngăn cản nạn nhân lên tiếng

Nhiều gia đình giáo dục con cái rằng con gái sở hữu một tài sản vô cùng quý giá là "sự trinh tiết". Một người con gái không giữ được trinh tiết được coi là ‘gái hư’, làm ảnh hưởng đến danh dự của bản thân và gia đình. Do đó, hầu hết các nạn nhân và gia đình chọn cách im lặng vì sợ "xấu hổ", "không còn mặt mũi nào". Dựa vào tâm lý này, thủ phạm càng có lí do để đe dọa và tiếp tục xâm hại nạn nhân.

Quan niệm về "trinh tiết" còn khiến nạn nhân nghĩ rằng để xảy ra hành vi BLG là lỗi của họ, "mình chỉ muốn hỏi liệu mình có sai không?". Khi xảy ra BLG thì nạn nhân lại trở thành tâm điểm của bàn tán, bị chỉ trích là "không biết giữ". Thậm chí nạn nhân sẽ bị người ta đổ cho có hành vi dụ dỗ thủ phạm. Trong khi đó, thủ phạm lại "sống nhan nhản", hay "tên đó cứ sống vui vẻ và biểu hiện rất tốt nên dù tôi có nói ra sẽ chẳng một ai tin rằng hắn lại làm chuyện khốn nạn đó". Đây cũng là một thách thức khiến nạn nhân sợ và "không dám" lên tiếng tố giác thủ phạm.

Trong xã hội vẫn tồn tại quan niệm "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu" xem việc nữ giới và  đặc biệt là các bạn trẻ bị "trêu ghẹo", quấy rối như một chuyện bình thường. Do đó, khi chứng kiến nạn nhân bị quấy rối tình dục thì "chả ai giúp mình hay làm gì cả, họ chỉ đứng đó cười hả hê thôi". Thậm chí chính nhiều phụ nữ cũng coi đó là chuyện bình thường. Việc bình thường hóa các hành vi quấy rối với phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội khiến cả thủ phạm, người quan sát và thậm chí cả nạn nhân không ý thức được ảnh hưởng mà hành vi bảo lực có thể gây ra và không dám lên tiếng khi hành vi đó đã xảy ra.

Sự thờ ơ, im lặng của những người chứng kiến và thậm chí gia đình nạn nhân cũng là rào cản để các nạn nhân lên tiếng tố giác tội phạm BLG.

Các nạn nhân nam cũng bị thách thức bởi những yếu tố đến từ định kiến xã hội. Quan niệm rằng nam giới là "phái mạnh" phải mạnh mẽ, bảo vệ phụ nữ và gia đình, những người bị bạo hành bị chỉ trích là ‘hèn nhát’, ‘yếu ớt’ tạo ra hàng rào ngăn cản các nạn nhân nam lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực mà họ phải trải qua.

Nhiều nạn nhân, cả nam và nữ không lên tiếng tố giác tội phạm vì sợ bị trả thù, muốn bảo vệ người thân khỏi những ‘sang chấn’, đánh đập và sợ phá vỡ  "hạnh phúc gia đình".

Hầu hết các nạn nhân đều có nhu cầu được chia sẻ, "nói ra cho nhẹ lòng" và mong muốn được nhận lời khuyên.

Các nạn nhân cũng đề xuất nên giáo dục giới tính cho trẻ em cả nam và nữ từ khi còn nhỏ, dạy cho trẻ em cách báo vệ mình. Các gia đình cần quan tâm đến con cái và những ảnh hưởng tinh thần. Đồng thời cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý thay vì thờ ơ…

Top