Mỗi cá nhân hãy bảo vệ chính mình và bạn tình của mình

26/01/2020 15:39

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế kêu gọi, mỗi cá nhân hãy chủ động và tự làm bác sĩ của chính mình. Chủ động dự phòng trước phơi nhiễm (thuốc PrEP) và chủ động dự phòng sau phơi nhiễm (thuốc PEP), chủ động đi xét nghiệm HIV và chủ động đi điều trị nếu không may bị nhiễm HIV để bảo vệ chính mình cũng như bạn tình của mình.

Điều trị ARV mở ra nhiều cơ hội lớn cho người nhiễm HIV

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm HIV điều trị ARV sớm và tuân thủ tốt sẽ có tuổi thọ không thua kém người bình thường. Điều trị ARV kịp thời sẽ giảm nguy cơ tiến triển AIDS, giảm mắc các nhiễm trùng cơ hội và tử vong ở người nhiễm HIV, đặc biệt là giảm nguy cơ bệnh lao. Vì thế, ARV cứu sống người nhiễm HIV, giúp họ sống lâu hơn và khỏe hơn, giảm chi phí điều trị. Bằng chứng là chị A., hiện ở TPHCM, là người đầu tiên tại Việt Nam xác định bị nhiễm HIV (cuối năm 1990). Đến năm 1997, chị bắt đầu uống thuốc ARV và duy trì cho đến nay. Sau hơn 29 năm, sức khỏe của chị vẫn ổn định do chị dùng thuốc ARV đều đặn, tinh thần lạc quan.

 Điều trị ARV giúp cho người nhiễm HIV có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ảnh: Thùy Chi

Việc điều trị HIV/AIDS bằng ARV mở ra nhiều cơ hội lớn cho người nhiễm HIV, giúp người nhiễm HIV tiếp tục sống khỏe mạnh, lâu dài như mọi người, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Khi người nhiễm HIV khỏe mạnh, họ có khả năng lao động và làm việc như người không nhiễm HIV và tự tin sống hòa nhập với cộng đồng.

Điều trị bằng ARV làm ức chế sự nhân lên của HIV và kìm hãm lượng HIV trong máu ở mức thấp, do vậy làm giảm khả năng lây truyền HIV từ người nhiễm sang người chưa nhiễm qua quan hệ tình dục không an toàn.

Cơ chế hoạt động của thuốc kháng virus ARV hiện nay dựa trên sự kết hợp của 3 hoặc nhiều nhóm thuốc kháng virus khác nhau, có hiệu quả rộng trong việc làm suy giảm phổ virus HIV trong máu. Khi đó, nếu một loại thuốc không thể kiểm soát được virus thì các thuốc còn lại vẫn có hiệu quả. Liệu pháp này giữ tải lượng virus HIV trong máu thấp hơn ngưỡng 200 bản sao/ml máu (ngưỡng “không phát hiện được”).

Tuy nhiên, HIV không thể được loại bỏ hoàn toàn bằng thuốc ARV, vì "virus vẫn tồn tại (mặc dù không nhân lên). Các nhà khoa học gọi dạng HIV thầm lặng này là "ổ chứa virus tiềm ẩn" bởi vì nó vẫn vô hình đối với hệ thống miễn dịch và không bị ARV tấn công. HIV vẫn tái hoạt động định kỳ và bắt đầu nhân lên khi có cơ hội. Do đó, liệu pháp dùng thuốc kháng virus hiện nay phải điều trị trong suốt cuộc đời bệnh nhân.

Nhằm mở rộng chương trình điều trị ARV và giúp người nhiễm HIV tiếp cận với thuốc ARV sớm, ngày 1/12/2017, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5418/QĐ-BYT về việc hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS. Theo Quyết định này, việc điều trị ARV sẽ được chỉ định khi bệnh nhân đã được khẳng định tình trạng nhiễm HIV, không cần phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm CD4 hoặc giai đoạn lâm sàng như trước đây.

Việc mở rộng điều trị ARV đã giảm đáng kể số người tử vong do AIDS. Số bệnh nhân được điều trị tăng hơn 50 lần so với khi bắt đầu triển khai điều trị ARV mở rộng tại Việt Nam (năm 2004). Đến nay có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó có 5.000 bệnh nhi. Trong những năm 2009 số ca nhiễm HIV báo cáo tử vong hằng năm khoảng 7.000 đến 8.000 ca, đến nay số ca tử vong báo cáo khoảng 1.000-2.000 ca tử vong mỗi năm.

Cam kết quốc gia nhằm chấm dứt HIV vào năm 2030

Việc sử dụng thuốc kháng virus ARV để dự phòng lây nhiễm HIV tức sử dụng thuốc kháng virus uống hàng ngày ở người chưa nhiễm HIV nhưng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV nhằm dự phòng lây nhiễm HIV mà chúng ta quen gọi là PrEP đã và đang được triển khai tại nhiều nước trên thế giới. Đây là loại thuốc viên chứa 2 loại thuốc kháng virus. Thuốc dùng đường uống nên khi vào cơ thể thuốc hấp thu nhanh và cũng bị đào thải khá nhanh. Để duy trì thuốc ARV trong máu với một được nồng độ đủ ức chế virus cần phải uống bổ sung hàng ngày mỗi ngày một viên và người dùng có thể ngừng sử dụng thuốc khi không còn nguy cơ lây nhiễm HIV.

Khởi động chương trình điều trị PrEP tại Việt Nam được coi là một phần của cam kết quốc gia nhằm chấm dứt HIV vào năm 2030. Ảnh: Thùy Chi

Tại Việt Nam, ngành Y tế đã triển khai chương trình dự phòng PrEP tại 11 tỉnh, thành có gánh nặng bệnh tật cao. Vào tháng 7/2017, Cục phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp với USAIDS/PATH Healthy Markets (HM) và Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) để khởi động chương trình thí điểm PrEP lần đầu tiên ở Việt Nam tại TP.HCM và Hà Nội. Các bài học kinh nghiệm từ mô hình thí điểm này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp dịch vụ đặc thù cho các nhóm đích để họ có thể lựa chọn tiếp cận dịch vụ PrEP tại cơ sở y tế công hoặc tư.

Các mô hình đa dạng này đã được bắt đầu đưa vào triển khai trong chương trình mở rộng PrEP cấp quốc gia từ tháng 11/2018 tại 11 tỉnh, thành do PEPFAR tài trợ căn cứ Quyết định 5866/QĐ-BYT ngày 28/9/2018 do Bộ y tế ban hành về kế hoạch điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) giai đoạn 2018 - 2020.

Kể từ khi khởi động chương trình PrEP năm 2017, đã có hơn 6.000 người đăng ký sử dụng PrEP, trong đó có 3.946 người mới tham gia PrEP trong năm 2019. Điều này cho thấy rõ nhu cầu về PrEP tại Việt Nam. Sau một năm nhìn lại và hướng tới tương lai, đại diện Cục phòng, chống HIV/AIDS cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng thêm 15 tỉnh, thành mới tại Việt Nam. Đây cũng được coi là một phần của cam kết quốc gia nhằm chấm dứt HIV vào năm 2030.

PGS.TS. Phan Thị Thu Hương, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng về việc tiếp tục triển khai mở rộng chương trình PrEP tới 15 tỉnh, thành phố mới. Chỉ riêng trong giai đoạn 2019 - 2020, Quỹ toàn cầu đã cam kết hỗ trợ nguồn vốn không hoàn lại cho Việt Nam để can thiệp phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Điều này cho phép những người có nguy cơ nhiễm HIV cao có thể tiếp cận và sử dụng dịch vụ PrEP”.

Mặc dù việc sử dụng PrEP đang gia tăng ở Việt Nam, nhưng cần có nhiều người tiếp cận dịch vụ này hơn nữa để có thể đạt được tác động làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV mới trong cộng đồng. Bà Ritu Singh, Giám đốc Văn phòng y tế Việt Nam của USAID cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ Cục phòng, chống HIV/AIDS và các đối tác thúc đẩy hơn nữa việc tạo cầu nối và bảo đảm rằng khách hàng sử dụng PrEP nhận được sự hỗ trợ cần thiết để duy trì sử dụng PrEP. Chúng tôi chúc mừng Cục phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế Việt Nam về sự lãnh đạo xuất sắc của mình trong việc nhân rộng PrEP tới 15 tỉnh, thành phố khác trên khắp Việt Nam và chúng tôi mong muốn tiếp tục hỗ trợ nỗ lực quan trọng này để đẩy nhanh việc kiểm soát dịch”.
Top