Mở rộng mô hình hỗ trợ tư vấn, chuyển gửi người cai nghiện ma tuý

23/05/2019 12:34

Sáng 23/5, UBND quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp với Sở LĐTB&XH Thành phố Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) tổ chức Ra mắt mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý trên địa bàn quận Nam Từ Liêm”.

Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng và các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý liên quan.

Trước đó, Mô hình đã chính thức khởi động từ tháng 4/2019 tại 3 phường Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ, Bồ Đề (quận Long Biên).

 Tiến sĩ Nguyễn Cửu Đức, hàm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại buổi lễ ra mắt - Ảnh: Hoàng Anh

Tại lễ ra mắt, đại diện Văn phòng Chính phủ, Tiến sĩ Nguyễn Cửu Đức, hàm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo Văn xã ghi nhận sự nỗ lực của quận Nam Từ Liêm để ra mắt mô hình; đồng thời cho biết đây sẽ là tiền đề để thực hiện các bước đi tiếp theo trong việc xây dựng mô hình “Toà ma tuý” tại Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện trong thời gian sắp tới.

Ông Nguyễn Cửu Đức cho biết, trong Chương trình phòng chống ma tuý đến năm 2020, Bộ LĐTB&XH phối hợp với TAND tối cao nghiên cứu, triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội theo mô hình “tiền xét xử”, từng bước nhân rộng mô hình Toà hỗ trợ cai nghiện ma tuý.

Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy (hay còn gọi là Toà ma tuý) được ra đời ở Miami, Florida, Hoa Kỳ vào năm 1989. Thay vì xét xử những người nghiện ma túy phạm tội phi bạo lực (tàng trữ ma túy bất hợp pháp, lừa đảo, trộm cắp...) tại Tòa hình sự thông thường, người phạm tội được Cơ quan tiền xét xử căn cứ trên các tiêu chí phân loại (phạm tội lần đầu, tội phạm ít nghiêm trọng, tiền sử nghiện ma túy...) để tham gia Chương trình Tòa ma túy (hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ người nghiện điều trị nghiện ma túy) với sự tham gia của thẩm phán, cảnh sát, dịch vụ tư vấn điều trị nghiện, tư vấn tâm lý, giám sát cộng đồng để giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội, bảo đảm tối đa quyền của người nghiện ma túy nhưng đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc nếu họ không tuân thủ quyết định điều trị nghiện của Tòa ma túy.

Theo Hiệp hội chuyên gia Tòa ma túy Mỹ (NADCP), sau 2 năm hoàn thành quá trình điều trị thông qua Tòa ma túy, 75% đối tượng không bị tái phạm tội và việc giảm tội phạm có thể  kéo dài từ 3-14 năm sau điều trị. Tòa ma túy giảm tới trên 45% tỷ lệ tội phạm so với các lựa chọn tuyên án khác và tiết kiệm 3,36 USD cho mỗi 1 USD đầu tư vào Tòa ma túy do giảm các chi phí liên quan đến tội phạm; lợi ích mang lại đến 27 USD cho 1 USD đầu tư do giảm các chi phí liên quan tới xung đột và các chi phí y tế...

 Điểm hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi người tham gia cai nghiện ma tuý đặt tại Trạm Y tế phường Cầu Diễn - Ảnh: Hoàng Anh

Với tính hiệu quả của nó, Tòa ma túy phát triển ra toàn Hoa Kỳ và các quốc gia khác như: Úc, Bỉ, Canada, Anh, Brazil, Chile, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ireland, Jamaica, Mexico, Na Uy, Scotland...

Theo ông Nguyễn Cửu Đức, trước những thành công của mô hình Tòa ma túy trên thế giới cũng như bối cảnh thực tiễn và cơ sở pháp lý tại Việt Nam, việc xây dựng mô hình Tòa ma túy ở nước ta có thể coi là rất cần thiết nhằm tạo ra những đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác cai nghiện. Thông qua nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy, khi áp dụng mô hình Toà ma tuý tại Việt Nam sẽ được gọi tên là “Chương trình hỗ trợ, tư vấn, chuyển gửi, điều trị, cai nghiện ma túy có sự tham gia của Tòa án”.

Do đó, sau khi Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy” tại Việt Nam được triển khai thí điểm thành công, sẽ có những bước đi tiếp theo với sự tham gia của Toà án.

Đây là nội dung mới, lĩnh vực khó, phức tạp, nhưng với sự quyết tâm và sự chỉ đạo quyết liệt của các lãnh đạo, các cấp, các ngành và sự vào cuộc của quận, các phường, tổ dân phố, nhân dân trên địa bàn quận, mong rằng Mô hình trên địa bàn quận Nam Từ Liêm sẽ đạt được những kết quả tích cực để trợ giúp cho đối tượng là người sử dụng ma túy, góp phần làm tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

 Quy trình chuyển gửi - Ảnh: Hoàng Anh

Ông Trần Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, hiện nay số người nghiện có trong danh sách quản lý trên địa bàn quận là 216 người. Trong những năm qua, quận đã triển khai tích cực các giải pháp trong phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện các mô hình cai nghiện, tuy nhiên công tác này vẫn còn những khó khăn vướng mắc, hạn chế .

Từ khi có kế hoạch của Thành phố Hà Nội, được lựa chọn là đơn vị làm điểm của Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”, quận đã khẩn trương rà soát địa bàn, đưa ra các giải pháp, lựa chọn cán bộ, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, làm việc với các phòng, ban, ngành liên quan…ban hành kế hoạch triển khai và bước đầu áp dụng thí điểm tại 3 phường Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 và Xuân Phương, đặt điểm tư vấn tại Trạm Y tế 3 phường này.

Mô hình sẽ tạo điều kiện để người sử dụng ma tuý, người nghiện ma tuý sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma tuý và phục hồi toàn diện tại cộng đồng; giảm tác hại do sử dụng ma tuý, giảm các vụ vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma tuý và cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ phạm tội nhóm đối tượng sử dụng ma tuý, nghiện ma tuý; từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, người sử dụng ma tuý và công tác cai nghiện ma tuý tại cộng đồng.

* Ngày 12/2/2019, UBND TP. Hà Nội ban hành kế hoạch số 40/KH-UBND triển khai thí điểm Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”. Mô hình được thực hiện ở 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm. Mỗi quận lựa chọn 3 phường thí điểm.

Top