Mẻ lưới của Europol và cảnh sát Tây Ban Nha

24/11/2017 19:20

Trong thông báo hôm 17/11 của Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol), đại diện của Europol cho biết, cảnh sát các nước châu Âu vừa triệt phá một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn và rửa tiền.

Cảnh sát Tây Ban Nha sẵn sàng trực chiến

Việc này diễn ra trong một chiến dịch do Europol chỉ đạo với sự tham gia của lực lượng cảnh sát các nước và họ đã bắt 40 đối tượng tình nghi tại Tây Ban Nha, Maroc, Đức, và thu giữ hơn 13 triệu euro tiền mặt cùng 4 tấn cocaine có giá hơn 103 triệu euro trên thị trường chợ đen.

Theo đại diện của Europol, ngay sau khi nhận được thông tin của Cơ quan Phòng vệ dân sự Tây Ban Nha - phát hiện một đường dây buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma túy, chuyên vận chuyển bằng tàu thủy từ thành phố Denia, một chiến dịch đã được tiến hành với sự điều tra của cảnh sát các nước thành viên từ năm 2016.

Qua điều tra được biết, cầm đầu đường dây kể trên là một đối tượng người Tây Ban Nha đang bị truy nã quốc tế. Và dưới sự điều hành của tên này, nhiều thương vụ đã được tiến hành, nhưng cảnh sát đã chặn một trong những chuyến hàng - thu 400kg cocaine tại cảng Caidiz ở miền Nam Tây Ban Nha.

Mở rộng điều tra, cảnh sát và nhân viên Europol biết về sự tồn tại của một tổ chức tội phạm mang tầm cỡ quốc tế, chuyên buôn bán và vận chuyển ma túy với số lượng lớn cùng các hoạt động rửa tiền.

Cùng thời điểm Europol thông báo việc bóc gỡ tổ chức tội phạm xuyên quốc gia kể trên, cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, vừa bắt 4 đối tượng và triệt phá thành công một vụ buôn lậu thuốc lá lớn nhất “lục địa già”, khi thu giữ 250 tấn thuốc lá, trị giá 40 triệu euro.

Qua điều tra cho thấy, số thuốc lá này được bán qua Internet, sau đó chuyển tới khách hàng thông qua các công ty phân phối bưu kiện mà không phải đóng thuế và bỏ qua các thủ tục kiểm tra bắt buộc. Cảnh sát cho biết, sau khi thu giữ 2 tấn thuốc lá lậu do 2 đối tượng chuyên chở bằng xe tải hồi đầu năm 2017, họ nghi ngờ nhóm này đã tiến hành hơn 6.000 vụ giao dịch và vừa bắt 4 đối tượng tại tỉnh Caceres, miền Tây Tây Ban Nha.

Theo thống kê, Liên minh châu Âu (EU) thiệt hại tới 10 tỷ euro tiền thuế mỗi năm do hoạt động buôn bán thuốc lá lậu. Hơn 10 ngày trước (6/11), Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Juan Ignacio Zoido xác nhận về việc bắt một người đàn ông Maroc 47 tuổi, bị bắt tại thị trấn Saguto, miền Đông Tây Ban Nha, do bị tình nghi âm mưu tuyển mộ các tay súng cho IS.

Cảnh sát Tây Ban Nha cho biết, nghi can này là đối tượng nhập cư bất hợp pháp và là kẻ chủ mưu “có quyền lực, có thể tiêm nhiễm những ý tưởng tiến hành các cuộc tấn công khủng bố vào đầu óc các tân binh". Và đối tượng này trốn tránh mọi sự tiếp xúc với những người không cùng tín ngưỡng với hắn. Vụ bắt giữ kể trên đã nâng tổng số nghi can bị bắt với tội danh tương tự ở Tây Ban Nha lên 251 người kể từ đầu năm 2015.

Và “lục địa già” có thể đứng trước nguy cơ khủng bố trong dịp Giáng sinh. Bởi gần 1 năm trước (tháng 12/2016), vụ tấn công tại một chợ giáng sinh ở Berlin, Đức đã khiến 12 người chết và vụ tấn công tại một câu lạc bộ đêm ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đêm giao thừa làm 39 người thiệt mạng.

Các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Anh, Phần Lan, Pháp, Nga, Tây Ban Nha và Thụy Điển cho thấy, cả Al-Qaeda và IS đều có khả năng gây ra các vụ tấn công ở châu Âu. Khi phát biểu nhân lễ tưởng niệm tròn 2 năm vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris làm 130 người thiệt mạng và 413 người bị thương hôm 13/11 (Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có tham dự), Trưởng công tố Bỉ Federic Van Leeuw lần đầu tiên xác nhận về khả năng các vụ tấn công tại Paris và Brussels có liên quan với nhau.

Bởi các nhà điều tra phát hiện mạng lưới của đối tượng Abdelhamid Abaaoud (đã bị cảnh sát Pháp tiêu diệt) đã lên kế hoạch từ Bỉ, dưới sự chỉ đạo của IS ở Syria và Iraq. Nghi phạm duy nhất còn sống là Salah Abdeslam đang bị giam ở khu vực Fleury-Merogis thuộc Paris và hắn vẫn giữ im lặng.

Thẩm phán Tessier thụ lý vụ án có thể kết thúc điều tra trong năm 2019 và phiên tòa xét xử các đối tượng tình nghi sẽ không diễn ra trước năm 2020. Theo báo cáo do Viện Kinh tế và Hòa bình Australia công bố hôm 15/11, trong năm 2016, số người thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố giảm năm thứ 2 liên tiếp, nhưng lại có thêm nhiều nước bị tấn công - 77 quốc gia phải hứng chịu ít nhất một cuộc tấn công khủng bố gây chết người. Riêng tại châu Âu và các nước phát triển, 2016 là năm có số người thiệt mạng do khủng bố gây ra nhiều nhất kể từ năm 1988.

Top