Mạng xã hội: Công cụ phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả

23/03/2018 16:49

Truyền thông qua mạng xã hội bằng những cách sáng tạo là việc làm rất cần thiết để những người nguy cơ cao nhiễm HIV tiếp cận được với thông tin phòng tránh HIV/AIDS.

Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh: Thùy Chi

Chiều 23/3, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức phi lợi nhuận quốc tế PATH tổ chức “Diễn đàn về mạng xã hội: Công cụ mới tiếp cận”.

Diễn đàn là cơ hội để các nhà lãnh đạo chuyên ngành, đối tác tư nhân, chuyên gia, tổ chức xã hội và doanh nghiệp xã hội cùng thảo luận về việc làm thế nào để tận dụng sự phát triển của truyền thông xã hội, ứng dụng di động và thương mại điện tử tại Việt Nam, đóng góp cho việc đạt được mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc, hướng tới loại trừ HIV/AIDS vào năm 2030.

Hội thảo do Dự án USAID/PATH Healthy Markets hỗ trợ. Dự án này đã làm việc với các doanh nghiệp xã hội trong nước như Thành Danh, Hải Đăng và Vsmile để thử nghiệm và mở rộng các công cụ trực tuyến, như Facebook Xóm Cầu Vồng, Cô nàng gợi cảm và ứng dụng Tôi Hẹn.

Xóm Cầu VồngCô nàng gợi cảm hiện đang có số lượng người theo dõi tương ứng hơn 230.000 và 10.000. Ứng dụng Tôi Hẹn đã có 479 người đặt hẹn thành công sử dụng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, trong đó 12,5% được chẩn đoán dương tính HIV. Tỷ lệ dương tính này cao gấp đôi so với khách hàng trực tiếp đến với dịch vụ, điều này chứng tỏ công cụ trực tuyến hiệu quả trong việc tiếp cận những người có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất.

TS.BS Phan Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định, hơn 50% người dân Việt Nam tiếp cận với internet, trong đó đa số đều sử dụng mạng xã hội. Mạng xã hội là một kênh thuận lợi, nhanh chóng và hiệu quả để truyền thông phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, truyền thông qua mạng xã hội bằng những cách sáng tạo là việc làm rất cần thiết để những người nguy cơ cao nhiễm HIV tiếp cận được với thông tin phòng tránh HIV/AIDS.

TS. Kimberly Green, Giám đốc Dự án USAID/PATH Healthy Markets cho biết, truyền thông trực tuyến mang lại cơ hội tiếp cận những cá nhân có nguy cơ cao, những người thường không tiếp cận với dịch vụ HIV trước đó. Việc gắn kết người dùng qua Facebook, ứng dụng mạng xã hội như Grindr và khai thác 'dữ liệu lớn' cho phép tiếp cận nhanh đến hàng trăm ngàn người trên khắp đất nước.

Tại diễn đàn, ông Lê Minh Thành, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Thành Danh chia sẻ: “Cộng đồng trực tuyến trên truyền thông xã hội có một không gian an toàn để những người có nguy cơ nhiễm HIV học hỏi, trao đổi về tình dục an toàn hơn, và dịch vụ, như tự xét nghiệm HIV và PrEP. Qua trực tuyến, chúng tôi có thể tiếp cận nhiều người hơn, đặc biệt là những người ngại thảo luận về các chủ đề này công khai. Sau đó, chúng tôi kết nối họ với dịch vụ, chia sẻ công cụ đặt lịch hẹn trực tuyến để kết nối những người có nguy cơ nhiễm HIV trực tiếp với dịch vụ, hướng dẫn họ đến với cửa hàng thương mại điện tử của chúng tôi để mua bao cao su, chất bôi trơn, và giúp họ tuân thủ dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) lâu dài thông qua ứng dụng iPrEP trên điện thoại di động của họ".

TS. John Eyres, Giám đốc Chương trình y tế của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đánh giá: Với việc áp dụng các can thiệp mới, như xét nghiệm HIV tại cộng đồng và dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP), Việt Nam được biết đến như là quốc gia sáng tạo trong dự phòng và quản lý HIV. Các sáng kiến ​​trực tuyến đột phá do cộng đồng, các nhóm xã hội, các doanh nhân và doanh nghiệp khởi xướng. Những cách tiếp cận mới này đang thúc đẩy việc sử dụng dịch vụ xét nghiệm HIV, dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) và sản phẩm thiết yếu như bao cao su, đóng một vai trò quan trọng để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS.
Top