Mang thai hộ: Nhân văn, nhân đạo nếu làm đúng Luật

30/08/2014 10:00

Mang thai hộ chính thức đi vào luật, tuy nhiên vấn đề này vẫn nhận không ít băn khoăn về những hậu quả khôn lường nếu không được quy định cụ thể, rõ ràng và chặt chẽ.

Trao đổi với Trang tin điện tử Tiếng Chuông về vấn này, Bác sỹ-Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đã đưa ra định hướng rất rõ ràng, theo đó việc mang thai hộ phải đáp ứng những điều kiện cơ bản nhất định và phải được kiểm soát chặt chẽ. Vì vậy, nếu thực hiện đúng luật, sẽ đảm bảo được tính nhân văn, nhân đạo của việc mang thai hộ.

Bác sỹ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm. Ảnh: Nhật Thy

Theo BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm, nếu Luật không quy định cho phép mang thai hộ thì tình trạng mang thai hộ, “đẻ thuê” vẫn diễn ra dưới dạng “chui”. Việc mang thai hộ không được pháp luật điều chỉnh, nhiều hệ luỵ sẽ xảy ra giữa các bên khi có phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó, một số đối tượng sẽ lợi dụng tình trạng hiếm muộn, niềm khao khát có một đứa con của các cặp vợ chồng để làm kinh doanh, thương mại. Quy định chỉ có những người thân thích cùng hàng bên vợ hoặc chồng mới được phép mang thai hộ sẽ giải quyết được tình trạng thương mại hóa hành động vốn rất nhân văn này.

Bên cạnh đó, theo Luật, đối tượng mang thai hộ cần phải đảm bảo các yêu cầu khác liên quan đến sức khỏe sinh sản như độ tuổi, đã từng sinh con, đã được tư vấn về tâm lý. Đồng thời, nếu là người đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng. BS.LG Trịnh Thị Lê Trâm cho rằng, những quy định trên sẽ hạn chế tối đa những hậu quả không tốt phát sinh từ quá trình mang thai hộ đối với người được nhờ.

Về những băn khoăn trước việc giải quyết mối quan hệ tình cảm giữa người mang thai hộ với đứa con mình đẻ ra rồi trả lại cho gia đình người nhờ mang thai, theo BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm, khi hai bên đã thoả thuận bằng văn bản, người mang thai hộ chấp nhận giúp vì mục đích nhân đạo thì vấn đề này không khó giải quyết. “Những người mang thai hộ đã từng làm mẹ, lại là người thân, họ hàng trong gia đình nên họ thấu hiểu mong muốn có con của những cặp vợ chồng vô sinh. Đó chính là tính nhân văn của việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.”, BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm nói.

Về cơ sở khám chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện mang thai hộ, theo BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đều có thể thực hiện việc mang thai hộ. Tuy nhiên, để “đạt” được những trường hợp mang thai hộ theo đúng pháp luật, ngoài yếu tố kỹ thuật, phải phụ thuộc nhiều yếu tố khác như việc tư vấn về pháp luật, xã hội, vấn đề quản lý…

Theo BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm, việc chọn cơ sở thực hiện mang thai hộ nên theo hướng mở hơn. Nên bổ sung một số điều kiện khác như điều kiện về tư vấn, quản lý, công nghệ thông tin… để các cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có thể thực hiện việc mang thai hộ.

“Như vậy là đúng với mục đích nhân đạo. Vì nếu chỉ có ba cơ sở ở ba vùng miền thì rất khó cho người dân phải chi phí tốn kém cho việc đi lại, ăn ở, thời gian chờ đợi…. Không những không đảm bảo bình đẳng giữa các cơ sở y tế mà còn gây quá tải cho chính cơ sở thực hiện.”, BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm nói.

Cuối cùng, BS-LG Trịnh Thị Lê Trâm cho rằng, nếu những bên liên quan thực hiện theo đúng luật, công khai, minh bạch, những đứa trẻ được sinh ra từ mang thai hộ sẽ đúng nghĩa là nhân đạo. Để Luật sớm đi vào đời sống, các cơ quan có liên quan cần ban hành sớm các văn bản dưới Luật để hướng dẫn cụ thể vấn đề này nhằm tăng cường ý nghĩa nhân văn của mang thai hộ trong thực tiễn thực thi Luật.

Điều 95, Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi quy định, mang thai hộ chỉ được đặt ra đối với những cặp vợ chồng không có con chung, phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Việc mang thai hộ phải xuất phát trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện của mỗi bên và bắt buộc phải lập thành văn bản.

Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi cũng có các điều khoản để giải quyết những rắc rối phát sinh về vấn đề mang thai hộ. Trong đó đáng chú ý có việc sinh con do mang thai hộ sẽ không tính vào số con của người mang thai hộ. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ từ chối nhận con thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án buộc họ nhận con.

Top