Mang mầm họa với bóng cười

16/11/2017 09:08

Bóng cười dù mang mầm họa nhưng việc kinh doanh, sử dụng nó vẫn khá thoáng vì không thuộc danh mục chất cấm.

Vạ vật giữa đường, ngã gục trong quán, thậm chí gây tai nạn… đều là hậu quả từ việc sử dụng bóng cười. Mới đây, một vụ tai nạn liên hoàn trên đường Lạch Tray, TP.Hải Phòng đêm 12/11 cũng do một người trong tình trạng “phê” bóng cười gây ra.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo, đề nghị siết chặt quản lý nhưng tình trạng buôn bán và sử dụng bóng cười vẫn tồn tại, thậm chí có xu hướng gia tăng.

Rối loạn thần kinh, teo não

BS chuyên khoa II Huỳnh Thanh Hiển, Trưởng khoa T3 Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cho biết về bản chất khí cười chính là N2O. Hiện khí cười đang bị lạm dụng ra khỏi phạm vi y tế để bán trên thị trường dưới hình thức bình xịt.

Khí được lấy từ bình bơm vào bong bóng nên gọi là bóng cười. Sau khi hít 10-30 giây, khí này sẽ gây một hiệu ứng sảng khoái, vui vẻ và duy trì trong 2-3 phút, làm giảm nhẹ sự tỉnh táo.  Việc sử dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu chi, đi đứng loạng choạng, các rối loạn khí sắc, trí nhớ giấc ngủ, nhịp tim và hạ huyết áp…

“Nếu hít trực tiếp từ bình xịt thì có thể bị phỏng lạnh niêm mạc hầu họng và đường hô hấp. Nếu dùng quá liều sẽ dẫn đến rối loạn vận động, suy giảm nhận thức hay co giật”, bác sĩ Hiển cảnh báo.

Khác với trong y tế, N2O bán bên ngoài thị trường có thể không được pha thêm ôxy, dẫn tới người dùng bị ngạt. Thậm chí nếu tỉ lệ N2O/O2 cao hơn mức 2/1 nhiều lần có thể dẫn đến tình trạng thiếu ôxy não cấp.

 Ngày càng nhiều bạn trẻ hít bóng cười như thú vui

“N2O không phải là chất cấm và đang được sử dụng trong y học. Tuy nhiên, tất cả chất hóa học đều có thể gây nghiện, nếu sử dụng sai mục đích trong thời gian dài sẽ gây nhiều tác hại”, bác sĩ Hiển nói.

Phân tích thêm về tác hại của bóng cười, BS Lê Văn Nguyên, Trưởng khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, cho biết so với shisha, bóng cười nguy hiểm hơn nhiều vì chứa chất kích thích thần kinh, gây những ảo giác nghiêm trọng cho con người. Việc sử dụng liên tục khí cười trong thời gian dài cũng ẩn chứa nguy cơ gây tổn thương đặc biệt cho não bộ.

Hoại tử tế bào thần kinh dẫn đến teo não là một trong những hậu quả có thể xảy ra do sử dụng quá nhiều khí cười. Điều này giải thích lý do tại sao dân chơi bóng cười thường xuyên hay có biểu hiện ngáo, hay quên hoặc lơ đễnh.

Hiểm họa ma túy dưới vỏ bọc bóng cười


Khí cười không phải là chất ma túy nên việc kinh doanh không bị cấm. Tuy nhiên, việc kinh doanh loại khí này thuộc danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, muốn xử lý phải dựa trên yếu tố cơ sở kinh doanh đó có đảm bảo các điều kiện theo quy định hay không.

Theo một cán bộ cấp phòng của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, khí cười phần lớn được nhập về Việt Nam bằng con đường bất hợp pháp, trong đó có từ Trung Quốc.

Một hiểm họa ẩn sau thú chơi này chính là ma túy bởi nhiều “dân chơi” khi sử dụng bóng cười đã trộn thêm cần sa, cocain, heroin, thậm chí cả các loại ma túy tổng hợp để tăng thêm cảm giác. Nếu lạm dụng, con đường từ chơi bóng cười đến nghiện ma túy là rất ngắn.

Việc đưa ma túy núp bóng dưới vỏ bọc bóng cười rất khó kiểm soát do các sản phẩm này không bị cấm sử dụng.

Để ngăn chặn tình trạng lạm dụng bóng cười, cán bộ này đặt vấn đề các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý các cơ sở kinh doanh. Những cơ sở chưa đảm bảo điều kiện theo quy định thì phải chấn chỉnh, thậm chí xử phạt hành chính. Với những trường hợp phát hiện trộn lẫn ma túy vào bên trong thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Top