Mại dâm, kích dục tại cơ sở massage: Liệu quy định có bị nới lỏng?

10/07/2020 12:10

Hiện nay, tệ nạn mại dâm vẫn đang diễn biến phức tạp, hoạt động dưới nhiều hình thức biến tướng, trá hình, thủ đoạn ngày càng tinh vi, có sự mở rộng về quy mô tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” như karaoke, massage, vũ trường.

Đặc biệt, việc không còn là cơ sở kinh doanh có điều kiện khiến những cơ sở massage trá hình, kích dục cho khách đang ngày càng gia tăng.

Đột kích hàng loạt cơ sở massage trá hình

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng các địa phương đã triệt phá hoàng loạt cơ sở massage trá hình, kích dục, bán dâm cho khách.

Khoảng 20 giờ ngày 10/9/2019, Đoàn liên ngành Văn hóa xã hội TPHCM (Đoàn 2) kết hợp với Đội phòng chống tệ nạn mại dâm và buôn bán người (Đội 6) Phòng cảnh sát Hình sự Công an TP.HCM và Công an quận 2 bất ngờ kiểm tra cơ sở massage Monaco (đường 19, P.Bình An, Q2), quả tang tại hai phòng có các tiếp viên nữ khỏa thân đang kích dục cho khách. Điều đáng nói là tại mỗi phòng chỉ có một nam nhưng có đến hai nữ phục vụ giúp thư giãn hoặc tắm tiên.

Bảng giá của cơ sở massage Monaco với nhiều mức dịch vụ trá hình. Ảnh Công an TPHCM

Cùng thời điểm, một tổ công tác của Đoàn 2 và Đội 6 cũng bất ngờ kiểm tra cơ sở massage Windy (Phước Lộc Thọ 2) tại đường Sư Vạn Hạnh (P9Q5) và cũng phát hiện quả tang 3 phòng có tiếp viên nữ trong bộ dạng không vải đang giúp khách nam “thư giãn”.

Qua kiểm tra, tổ công tác đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính cơ sở Windy về 3 lỗi, trong đó có lỗi “Sử dụng hoạt động tình dục khác (khiêu dâm, kích dục) làm phương thức kinh doanh” giống như Monaco. Qua làm việc, khách và tiếp viên có lời khai giống nhau: Tùy theo yêu cầu họ sẽ có từ 1 đến ba tiếp viên nữ phụ vụ cho một khách nam trong một phòng.

Trước đó, ngày 30/8/2019, Công an TPHCM đã ra quyết định tạm giữ hình sự Phan Thị Minh Thư (SN 1987, quê Cần Thơ), Nguyễn Thị Hiếu (SN 1982, ngụ Tây Ninh) và Trịnh Thị Bảy (SN 1954, thường trú Cần Thơ) về hành vi “tổ chức mại dâm”. Thư và Bảy cùng là chủ cơ sở massage Eva (đường Phạm Thái Bường, P.Tân Phong, Q7), còn Hiếu là quản lý.

Massage Eva là cơ sở tổ chức mại dâm chuyên phục phụ khách ngoại quốc. Sau thời gian theo dõi, vào tối 27-8, Đội 6 - Phòng CSHS cùng Đoàn 2 tiến hành kiểm tra massage Eva và bắt quả tang 2 cặp nam nữ đang có hành vi kích dục cho khách.

Cơ sở massage Su Su ở quận 7 (TP HCM), mỗi ngày luôn có nhiều ‘chân dài’ bán dâm, 5-20 khách mua dâm hàng ngày do Đặng Thị Hoài Lộc (SN 1983, quê quán Bến Tre) làm chủ. Lộc mới đây đã bị tuyên  6 năm tù về tội chứa mại dâm.

Theo cáo trạng, tối 15/6/2019, công an quận tiến hành kiểm tra cơ sở massage Su Su do Lộc làm chủ. Lực lượng chức năng bắt quả tang 2 cặp nam nữ đang mua bán dâm.

Tại cơ quan điều tra, Lộc khai nhận thuê căn nhà trên với giá 18 triệu đồng để mở cơ sở massage và tổ chức nhân viên bán dâm. Mỗi ngày cơ sở mở cửa từ 9h sáng đến 2h sáng hôm sau và có từ 8 đến 15 nhân viên bán dâm. Lộc ấn định giá vé vào massage là 250.000 đồng, khách massage và mua dâm là 1,2 triệu đồng. Khi khách mua dâm, Lộc lấy 250 ngàn đồng tiền vé vào phòng, phần còn lại nhân viên hưởng. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở đang có 13 nhân viên nữ.

Tại Hà Nội, ngày 15/9/2019, công an quận Ba Đình bất ngờ kiểm tra các phòng một khách sạn tại phường Cống Vị. Tại tầng 5, lực lượng chức năng bắt quả tang 2 tiếp viên đang khỏa thân tắm chung, kích dục cho khách ở 2 phòng.

Ở tầng 1, công an cũng phát hiện nhiều nữ nhân viên ăn mặc "mát mẻ" cùng một số khách nam đang chờ lấy phòng.

Cơ sở massage chỉ đón khách từ buổi trưa, hoạt động từ 12h đến 0h. Hàng chục cô gái ngoại hình đẹp, ưa nhìn tập trung trên tầng 8 của khách sạn để chờ gọi phục vụ. Quy trình phục vụ của nhân viên massage gồm tắm cho khách hoặc tắm chung với khách, xoa bóp và kích dục cho khách. Với mỗi khách massage, khách sạn được hưởng số tiền 400 nghìn đồng, nhân viên sẽ hưởng từ 500 - 600 nghìn đồng.

Không còn là cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện

Kinh doanh dịch vụ massage trá hình mang lại lợi nhuận không nhỏ nên ngày càng có nhiều cơ sở kiểu như này được mở ra. Bên cạnh đó, việc không còn là cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện khiến việc mở cơ sở rất dễ dàng.

Trước đây, theo Thông tư số 11/2001/TT-BYT hướng dẫn điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp có quy định khá khắt khe nhằm hạn chế tối đa massage kích dục, đó là về chuyên môn phải có bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền, bác sĩ đa khoa có chứng chỉ đào tạo về chuyên ngành vật lý trị liệu - phục hồi chức năng tại các trường được Bộ Y tế chỉ định phụ trách. Về nhân viên kỹ thuật, phải có chứng chỉ được đào tạo chuyên môn kỹ thuật về xoa bóp do một trong các trường được Bộ Y tế chỉ định.

Tại  Nghị định 109/2016 NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục quy định điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp (Điều 38) nhưng có phần nới lỏng hơn, đó là người người chịu trách nhiệm chuyên môn không nhất thiết phải là bác sỹ mà có thể là y sỹ hoặc kỹ thuật viên thuộc một trong các chuyên ngành phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, y học cổ truyền hoặc có chứng chỉ đào tạo chuyên khoa phục hồi chức năng, vật lý trị liệu hoặc y học cổ truyền.

Và kỹ thuật viên xoa bóp thì phải có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo về xoa bóp do cơ sở đào tạo hợp pháp cấp là được chứ không nhất thiết cơ sở do Bộ Y tế chỉ định.

Đến năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế đã bãi bỏ luôn Điều 38 của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP.

Tháng 5/2019, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cũng đã có văn bản về việc quản lý dịch vụ xoa bóp (massage) theo quy định pháp luật hiện hành.

Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, ngày 12/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó có bãi bỏ Điều 38 của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp (massage). Như vậy, Nghị định 155/2018/NĐ-CP đã bãi bỏ quy định về điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp và quy định cơ sở xoa bóp phải có văn bản thông báo đủ điều kiện gửi về Sở Y tế. Trước đó, Thông tư số 41/2017/TT-BYT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành cũng đã bãi bỏ một phần quy định về điều kiện kinh doanh trong Thông tư số 11/2001/TT-BYT ngày 6/6/2001 Hướng dẫn điều kiện hành nghề xoa bóp.

Như vậy, điều kiện hành nghề dịch vụ xoa bóp không còn được quy định là loại hình kinh doanh dịch vụ có điều kiện và thủ tục công bố cơ sở dịch vụ xoa bóp không còn được quy định thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế. Do đó, các Sở Y tế sẽ không tiếp nhận, giải quyết thủ tục công bố đủ điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ xoa bóp nữa.

Tuy nhiên, một số quy định còn lại của Thông tư số 11/2001/TT-BYT ngày 6/6/2001 hiện chưa được bãi bỏ. Vụ Pháp chế - Bộ Y tế sẽ đưa các nội dung còn lại của Thông tư số 11 này vào dự thảo Thông tư bãi bỏ sẽ được ban hành trong năm 2019.

Với quy định như hiện tại, cơ sở massage không còn là cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Liệu điều này có tạo cơ hội để masage trá hình phát triển. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng nên xem xét lại vấn đề này để công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đạt kết quả tốt nhất.

Top