Mại dâm đồng giới: Quy định xử lý chưa rõ ràng

19/09/2020 09:25

Hiện nay, bên cạnh hoạt động mại dâm (nữ) trá hình, núp bóng trong các nhóm kín trên mạng xã hội, các cơ sở massage, karaoke..., còn có những nhóm hoạt động mại dâm đồng giới (chủ yếu là nam). Tuy nhiên, việc mua dâm và bán dâm đồng giới hiện rất khó xử lý vì quy định pháp luật về vấn đề này vẫn chưa rõ ràng.

Một vụ mại dâm đồng giới bị phát hiện - Ảnh: Internet

Hoạt động kín kẽ

Khác với các nhóm kín trên mạng xã hội, có xu hướng môi giới mại dâm (nữ), nhiều nhóm kín khác được tạo ra để thành viên nam có thể đăng tải những hình ảnh khoe thân với dáng vẻ khêu gợi. Phía dưới những hình ảnh đó đều có số điện thoại hoặc tài khoản mạng xã hội, để những người có nhu cầu liên hệ với các thành viên đăng hình.

Anh V.S. (ngụ TP.Biên Hòa) cho hay, các nhóm này hoạt động khá “kín kẽ”. Khi một người đăng hình khêu gợi lên nhóm, thường sẽ có không nhiều bình luận vì nhiều người ngại bị bạn bè chọc. Tuy nhiên, người có nhu cầu mua dâm sẽ nhắn tin riêng với nội dung khá cụ thể về giá cả, giờ giấc, quy tắc bảo mật và có chấp nhận mại dâm đồng giới không.

“Khi chấp nhận, khách sẽ liên lạc trực tiếp với thành viên kia và thỏa thuận mức giá và địa điểm. Nếu cảm thấy hợp nhau có thể tiến tới mối quan hệ sâu sắc hơn, thậm chí là “bao”, “bắt cặp”. Tiện ở chỗ khi nam giới ra đường đi cùng nhau ít bị nghi ngờ” - anh V.S. chia sẻ.

Không chỉ thông qua các nhóm kín trên mạng xã hội,, mại dâm nam còn núp bóng ở những hoạt động đời thường, khi những đối tượng “cò môi giới” có thể tiếp cận các thanh niên và lựa lời đề nghị. Ngay như tại một số phòng tập thể hình, các CLB thể thao, người tham gia vẫn có thể bị “gạ gẫm” để tham gia các dịch vụ lạ, kiếm thêm thu nhập, không ảnh hưởng đến đời sống riêng tư.

Khó xử lý vì quy định chưa rõ ràng

Trong thời gian qua đã có nhiều vụ mại dâm đồng giới được phát hiện tại một số tỉnh, thành trong cả nước, tuy nhiên theo các cơ quan chức năng rất khó để xử lý. Vì hiện nay, Pháp lệnh số 10/2003/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 17/3/2003 (Pháp lệnh số 10) về phòng chống mại dâm chưa đề cập cụ thể đến xử lý mại dâm đồng giới.

Cụ thể như tại Điều 3 Pháp lệnh số 10 về phòng chống mại dâm nêu rõ, bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác. Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu. Trong khi tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 1/10/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự năm 2015, hướng dẫn giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn xét xử và việc tổ chức xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi) lại định nghĩa giao cấu là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.

Tương tự, theo Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng xuất bản năm 2010) thì giao cấu được định nghĩa là giao tiếp bộ phận sinh dục ngoài của giống đực với bộ phận sinh dục của giống cái, ở động vật, để thụ tinh, giao hợp, giao phối.

Theo các văn bản trên, việc quan hệ tình dục giữa 2 người đồng giới (nam và nam, nữ và nữ) thì không được gọi là “giao cấu” nên không có cơ sở xử lý hành vi mua dâm, bán dâm với mại dâm đồng tính. Do đó, quy định về xử lý mại dâm chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Một số luật sư của Hội Luật gia tỉnh cho rằng, để giải quyết vấn đề này nên thay đổi từ “giao cấu” trong Pháp lệnh số 10 về phòng chống mại dâm thành chữ “quan hệ tình dục” và trong các bộ luật, nghị định cũng nên có định nghĩa rõ ràng hơn về các từ này. Từ đó các ngành chức năng mới có cơ sở để xử lý mại dâm đồng tính.

Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh kiến nghị, để việc thực thi pháp luật trong xử lý nạn mại dâm, trong đó có mại dâm đồng giới được sát thực tế và tránh gây tranh cãi thì các cơ quan liên quan nên có những văn bản giải nghĩa cụ thể hơn, chi tiết hơn về mại dâm đồng giới.

Top