Lực lượng tiên phong, nòng cốt trên mặt trận bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm

18/07/2018 09:47

Những ngày gần đây nhất, lực lượng CSND lại tiếp tục lập thêm những chiến công mới, đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La; tham gia giải quyết hiệu quả những vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong cả nước; phòng, chống, bắt giữ tội phạm khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh…

Lực lượng CSND luôn đề cao mục tiêu bảo đảm TTATXH, đấu tranh PCTP là xây dựng xã hội trật tự, an toàn, kỷ cương, lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong Công an nhân dân (CAND) Việt Nam, Cảnh sát nhân dân (CSND) có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Lịch sử anh hùng vẻ vang của cách mạng Việt Nam từ Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đến thắng lợi của kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954 - 1975); khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng, chống, đập tan các âm mưu, hoạt động chống phá trong kế hoạch hậu chiến của địch và phản động quốc tế; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong các cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam, phía Bắc; những kết quả đặc biệt quan trọng đã đạt được sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế nâng cao sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, uy tín và hình ảnh đất nước trên trường quốc tế, đều ghi nhận những dấu ấn sâu đậm, chiến công, thành tích đóng góp to lớn của lực lượng CAND, trong đó có CSND.

Những ngày gần đây nhất, lực lượng CSND lại tiếp tục lập thêm những chiến công mới, đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La; tham gia giải quyết hiệu quả những vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong cả nước; phòng, chống, bắt giữ tội phạm khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh…

Đi cùng với những thành tích, chiến công ấy, trong suốt chiều dài lịch sử CSND, đã có nhiều cán bộ, chiến sỹ CSND anh dũng hy sinh, bị thương tích, mất một phần xương máu. Trong đó, chỉ tính từ năm 1986 đến nay, đã có hơn 150 cán bộ, chiến sỹ CSND tiếp tục hy sinh, gần 1.000 đồng chí bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong công tác, chiến đấu. Đây là minh chứng cho tính chất thật cam go, quyết liệt, phức tạp trên mặt trận giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (TTATXH) và phòng, chống tội phạm (PCTP), làm sáng rõ hơn bản chất anh hùng, quả cảm của người chiến sỹ CSND trong giai đoạn mới.  

Đối với lực lượng CSND, ngày 20-7 hằng năm là ngày hết sức quan trọng. Đây là ngày mà cách đây 56 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của CSND và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan CSND nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Từ quy định trong các văn bản ấy, đến nay, lực lượng CSND đã thực sự lớn mạnh vượt bậc về tổ chức, vững mạnh về chính trị, tư tưởng; là một bộ phận trọng yếu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, bao gồm các lực lượng Cảnh sát PCTP; Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Cảnh sát giao thông, trật tự; Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; Cảnh sát cơ động; Công an phường, làm nòng cốt, tiên phong trên mặt trận bảo đảm TTATXH, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vì bình yên cuộc sống, vì hạnh phúc của nhân dân, vì xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn lành mạnh. Với những cống hiến, đóng góp to lớn, không mệt mỏi vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, lực lượng CSND đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Sao Vàng, 9 Huân chương Hồ Chí Minh; 118 tập thể và 74 cán bộ, chiến sỹ CSND được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; hàng nghìn tập thể, cán bộ, chiến sĩ CSND được tặng Huân chương, Huy chương các loại và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ qua các thời kỳ. Nhiều tấm gương tiêu biểu trong công tác, chiến đấu của lực lượng CSND đã trở thành biểu tượng cao đẹp của lực lượng CAND, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng nhân dân.

Từ thực tiễn công tác, chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CSND có nhiều bài học quý được rút ra:

(1). Lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng, sự chỉ đạo quản lý điều hành của Nhà nước, mà trực tiếp là của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, của cấp ủy Đảng, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tầng lớp nhân dân với lực lượng CSND. Thấm nhuần, thường xuyên phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy CAND, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hết lòng, hết sức phụng sự mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, phụng sự nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

(2). Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, luôn gắn bó mật thiết, máu thịt với nhân dân, trọng dân, gần dân, lấy dân làm gốc; quan hệ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị, địa phương, nhất là Quân đội nhân dân, liên ngành tư pháp, nội chính trong bảo đảm TTATXH, đấu tranh PCTP. Đặc biệt là trên tuyến biển, đảo, biên giới, trong đấu tranh PCTP ma túy, mua bán người, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, trong công tác vận động quần chúng nhân dân đấu tranh PCTP...

(3). Căn cứ nhiệm vụ chính trị của đất nước và tình hình, yêu cầu của công tác bảo đảm TTATXH, đấu tranh PCTPtrong từng thời kỳ cách mạng, thường xuyên nghiên cứu, tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn, kịp thời xác lập luận cứ khoa học, đúc rút lý luận làm cơ sở đổi mới nội dung, biện pháp công tác; xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của CSND. Nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng để cán bộ CSND có nền tảng chính trị vững vàng, lập trường kiên định, tinh thông nghiệp vụ, am hiểu và thượng tôn Hiến pháp, pháp luật; kiện toàn, đổi mới tổ chức bộ máy, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ đáp ứng với đòi hỏi thực tiễn.

(4). Quan tâm chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, lối sống, chăm lo đời sống vật chất trong phạm vi cho phép với cán bộ, chiến sỹ. Để cán bộ, chiến sỹ có sức khỏe tốt, ý thức tổ chức kỷ luật công tác, đủ sức tự bảo vệ mình trong công tác, chiến đấu; tự đề kháng, tự miễn dịch trước những mua chuộc, cám dỗ, lôi kéo của tội phạm và những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường. Gắn với việc quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII. Tích cực,chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý, đề xuất xử lý những cán bộ, đảng viên, kể cả lãnh đạo, chỉ huy, sĩ quan cấp cao có biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, làm trong sạch nội bộ, nâng cao sức chiến đấu, củng cố niềm tin của nhân dân với lực lượng CSND... Trong tình hình hiện nay, đây là những bài học còn nguyên giá trị với công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng CSND.

Trong thời gian tới, đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có những thách thức, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Các thế lực thù địch, phản động không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, nguy hiểm.

Trong đó, có sự lôi kéo, kích động, móc nối giữa các đối tượng phản động, cơ hội chính trị với các đối tượng hình sự, đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, như vụ việc đã diễn ra ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong toàn quốc thời gian qua. Về tình hình TTATXH và tội phạm, trước tác động, móc nối của các loại tội phạm tội quốc tế và khu vực, tội phạm trong nước tiếp tục có xu hướng “quốc tế hóa” mạnh mẽ hơn, tiềm ẩn nhiều phức tạp.

Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tác động của kinh tế tri thức, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0), cũng như sự thông thoáng trong quản lý nhà nước, xã hội và công dân, cơ chế chính sách về kinh tế... bên cạnh những thành quả đem lại cũng có mặt trái mà các loại tội phạm chú ý khai thác, lợi dụng hoạt động, nhất là tội phạm có tổ chức hoạt động dưới các danh nghĩa trá hình, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, lừa đảo, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm cờ bạc...

Sự xuống cấp của đạo đức xã hội, lối sống vị kỷ, thực dụng, vô cảm, tuyệt đối hóa các nhu cầu, lợi ích cá nhân làm gia tăng tình trạng tội phạm sử dụng bạo lực, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, tệ nạn xã hội, nhất là trong lớp trẻ.

Bên cạnh đó, cùng với việc sử dụng vũ lực chống trả quyết liệt, cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, các đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật về TTATXH sẽ có xu hướng tăng cường sử dụng vật chất, các lợi ích khác mua chuộc, lôi kéo; các thủ đoạn gây ảnh hưởng đến cán bộ, chiến sĩ CAND nói chung, CSND nói riêng để được bao che hoặc tạo điều kiện trong hoạt động gây án, vi phạm pháp luật.

Bối cảnh tình hình nêu trên cho thấy, những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng CSND trong bảo đảm TTATXH, đấu tranh PCTP thời gian tới là hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, đầy cam go, quyết liệt, nhưng cũng thật vinh dự, tự hào.

Điều ấy đòi hỏi mỗi cấp ủy, thủ trưởng, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ CSND phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, lòng tự hào, tự tôn nghề nghiệp, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và Nhân dân, giữ vững bản chất giai cấp, tính nhân dân, xây dựng lực lượng CSND trong sạch, vững mạnh; vận dụng có hiệu quả những bài học quý đã được đúc rút trong thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng, trưởng thành của lực lượng CAND, của lực lượng CSND; không ngừng đổi mới các biện pháp, nội dung hoạt động; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, nhất là Quân đội nhân dân (Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn...) theo chức năng, nhiệm vụ, quy định của pháp luật và thực tế đòi hỏi của tình hình TTATXH, đấu tranh PCTP. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục tiêu cao nhất của công tác bảo đảm TTATXH, đấu tranh PCTP là xây dựng xã hội trật tự, an toàn, kỷ cương, lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm kịp thời, nhanh chóng, chính xác là rất cần thiết và quan trọng nhưng không thay thế cho toàn bộ công tác đấu tranh PCTP, từ đó, chấm dứt tình trạng “chạy theo thành tích”, chỉ chú trọng đến điều tra, xử lý tội phạm mà không chú ý đến phòng ngừa tội phạm.

Nhiệm vụ của công tác PCTP là làm giảm tội phạm và số người phạm tội, đặc biệt là các loại tội phạm có tổ chức; tội phạm giết người; tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ gây án; tội phạm về ma túy, tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp chuyên nghiệp; tội phạm mua bán người; tội phạm kinh tế, tham nhũng, môi trường trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng cấm. Giảm tỉ lệ người phạm tội là trẻ em, người chưa thành niên, mới thành niên, người dân tộc thiểu số trong cơ cấu tội phạm....

Căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người và chức năng nhiệm vụ cụ thể của từng lực lượng, chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo đúng tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy chính quyền các cấp những chủ trương, quyết sách có tính chiến lược, các kế hoạch, phương án bảo đảm TTATXH phù hợp.

Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong bảo đảm TTATXH, đấu tranh PCTP; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, PCTP trong từng lĩnh vực, địa bàn, cùng với việc tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và các hoạt động hợp pháp khác là những điểm nhấn rất quan trọng.

Hai là, đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về TTATXH. Kết hợp giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, tạo thế trận liên hoàn trong bảo đảm TTATXH, đấu tranh PCTP, gắn với vai trò tham mưu, nòng cốt, trực tiếp của lực lượng CSND và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong các cơ quan, doanh nghiệp, trường học và địa bàn dân cư, với mỗi gia đình và thành viên, góp phần bảo vệ nhân dân, không để nhân dân bị tội phạm xâm hại, không để người dân bị tội phạm lôi kéo, mua chuộc vào hoạt động phạm tội.

Trong phòng ngừa nghiệp vụ, phải bảo đảm tính bao quát, chuyên sâu, chính xác, không để lọt đối tượng cần phòng ngừa và có giải pháp chủ động để ngăn chặn, xử lý kịp thời khi đối tượng có biểu hiện phạm tội.

Lực lượng CSND cần chú ý phối hợp với lực lượng An ninh nhân dân trong bảo đảm TTATXH, PCTP, không để các vụ việc, vấn đề liên quan đến TTATXH diên biến phức tạp, trở thành vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia. Tại địa bàn biên giới, biển đảo, phải chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng chuyên trách khác trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hoạt động của lực lượng CSND là hoạt động chấp hành, áp dụng pháp luật. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sỹ CSND phải thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, coi pháp luật là vũ khí sắc bén trong bảo đảm TTATXH và PCTP; đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATXH và PCTP đến mọi tầng lớp nhân dân.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Cơ quan điều tra với Viện kiểm sát có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giữa lực lượng điều tra với lực lượng trinh sát để việc phát hiện, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, truy bắt, xử lý người phạm tội, vụ án được thuận lợi, chính xác, khách quan.

Kiên quyết không để xảy ra oan, sai, không để lọt tội phạm, không xâm phạm trái pháp luật đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân; lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân. Tập trung phát hiện, trấn áp kịp thời, nghiêm khắc đối với những đối tượng chủ mưu, thủ ác, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố, chuyên nghiệp, cố ý thực hiện tội phạm đến cùng, những đối tượng có biểu hiện manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng thi hành công vụ.

Đồng thời, khoan hồng, nhân đạo đối với những người bị lôi kéo, dụ dỗ, thực sự ăn năn, hối cải, lập công chuộc tội, phạm tội lần đầu, ít nghiêm trọng, phạm tội do hoàn cảnh khó khăn, không phải do mình gây nên. Cùng với việc điều tra, xử lý tội phạm, cần phát hiện nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm để có những kiến nghị kịp thời với các chủ thể có thẩm quyền đưa ra giải pháp khắc phục.

Ba là, mỗi cán bộ, chiến sỹ CSND phải nhận thức do tính chất hoạt động và nhiệm vụ trong bảo đảm TTATXH và PCTP, việc làm, hình ảnh của người cán bộ, chiến sỹ CSND sẽ có tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân với lực lượng CAND. Từ đó, cán bộ, chiến sỹ CSND cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, làm chủ khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực tri thức có liên quan khác; đổi mới hơn nữa phong cách, lề lối làm việc, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, quán triệt sâu sắc, thực chất tư tưởng trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ để được Nhân dân tin yêu, giúp đỡ nhiều hơn. Mỗi cấp ủy, lãnh đạo đơn vị CSND phảisiết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy trình công tác, phòng ngừa, phát hiện xử lý kịp thời sai phạm, tiêu cực. Giải quyết kịp thời những vấn đề nổi lên tác động đến tư tưởng cán bộ, đảng viên, tích cực bảo vệ mình, bảo vệ đồng chí, đồng đội trước những hành vi tấn công, chống trả, mua chuộc của tội phạm, tiếp tục coi đây là nội dung trọng tâm của công tác tự soi, tự sửa, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng lực lượng CSND trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII. Lực lượng CSND phải là một trong những lực lượng trong CAND đi đầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về công tác cán bộ, Nghị quyết số 22-NQ/TWcủa Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và các chương trình, kế hoạch của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an triển khai thực hiện nghị quyết này.

Kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND anh hùng cách mạng, với sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, các lực lượng và các tầng lớp nhân dân; với tinh thần vì nước, vì dân, quên thân phục vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội an toàn, trật tự, kỷ cương, lành mạnh, vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, nhất định lực lượng CSND sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò tiên phong, nòng cốt, thực sự là “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong bảo đảm TTATXH, đấu tranh PCTP, có những đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.

Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an

Top