Lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục

20/08/2018 17:51

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết: Trước đây, nguyên nhân lây truyền HIV ở Việt Nam chủ yếu là do tiêm chích ma túy, chiếm tới 90%. Còn nay, chủ yếu qua đường tình dục. Đó cũng là nguyên nhân chính làm lây truyền HIV ở Phú Thọ vừa được phát hiện thời gian qua.

 

An toàn tình dục để giúp phòng tránh lây nhiễm HIV. Ảnh minh họa

Về một số trường hợp cao tuổi nhiễm HIV, PGS.TS. Nguyễn Văn Kính cho hay chưa thể có câu trả lời chính xác khi chưa xem xét những người chăm sóc cho những người này có bị HIV hay không.

BS. Đỗ Hữu Thủy, Trưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế nhấn mạnh: HIV chỉ lây truyền qua các tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch sinh dục và qua sữa mẹ.

Một báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNADS) cho biết, tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục (đường tình dục) là phương thức lây truyền HIV phổ biến nhất trên thế giới, có khoảng 70-80% người nhiễm HIV bị lây truyền qua con đường này.

Tất cả các kiểu quan hệ tình dục có sự tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục và máu đều có nguy cơ làm lây truyền HIV. Hành vi mua, bán dâm có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục

HIV còn có thể lây truyền từ người mẹ nhiễm HIV sang con khi mang thai, trong khi sinh đẻ (trẻ sơ sinh tiếp xúc trực tiếp với dịch sinh dục và máu của mẹ) và khi cho con bú (trẻ sơ sinh tiếp xúc trực tiếp với sữa và máu của mẹ).

Một nguồn lây HIV nữa là lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu. Đây là phương thức lây truyền HIV rất phổ biến ở Việt Nam và một số nước trên thế giới.

Do HIV có nhiều trong máu nên có thể lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu và các chế phẩm của máu nhiễm HIV, thường do dùng chung bơm, kim tiêm, nhất là những người tiêm chích ma túy; dùng chung các dụng cụ xuyên chích qua da và niêm mạc như kim xăm trổ, kim châm cứu, các dụng cụ xăm lông mi, xăm mày, lưỡi dao cạo râu mà không được tiệt trùng đúng cách; dùng chung hoặc dùng khi chưa được tiệt trùng đúng cách các dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám, chữa bệnh có xuyên cắt qua da và niêm mạc.

BS. Đỗ Hữu Thủy cho biết thêm, HIV còn có thể lây truyền trong một số trường hợp tiếp xúc trực tiếp với máu như xử lý vết thương có chảy máu của người nhiễm HIV, qua truyền máu và các sản phẩm của máu hoặc ghép mô, tạng bị nhiễm HIV hoặc qua các dụng cụ truyền máu, lấy máu không được tiệt trùng đúng cách.

Các chuyên gia cũng lưu ý, một người nhìn khoẻ mạnh vẫn có thể đã bị nhiễm HIV nên nhìn bề ngoài không thể biết ai có nhiễm HIV hay không. Chỉ có xét nghiệm mới khẳng định được có nhiễm HIV hay không. Muỗi đốt không thể làm lây truyền HIV. Ăn chung với người bị nhiễm HIV không bị lây nhiễm HIV.

Theo BS. Đỗ Hữu Thủy, dịch HIV/AIDS vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong cộng đồng. Dự báo vẫn còn nhiều người nhiễm HIV không thuộc nhóm nguy cơ cao, do đó rất khó phát hiện sớm và các trường hợp này thường chẩn đoán muộn giai đoạn AIDS.

Những ví dụ vừa qua ở Phú Thọ là những minh chứng điển hình. Điều này đòi hỏi các địa phương cần có các biện pháp xét nghiệm phát hiện phù hợp để có thể hỗ trợ người nhiễm HIV sớm biết tình trạng HIV/AIDS của bản thân.

HIV là virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, gây tổn thương hệ thống miễn dịch của cơ thể. AIDS là giai đoạn cuối cùng của quá trình nhiễm HIV được thể hiện bởi các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và các bệnh liên quan đến rối loạn miễn dịch dẫn đến tử vong.

Thời gian từ khi nhiễm HIV đến biến chuyển thành bệnh AIDS tùy thuộc vào hành vi và đáp ứng miễn dịch của từng người, nhưng trung bình là 5 năm.
Top