Lâm Đồng chuyển đổi mô hình cai nghiện theo hướng tự nguyện, siết chặt quản lý người nghiện

18/05/2019 15:37

(Chinhphu.vn) - Nhờ sự kết hợp nhiều biện pháp, vừa tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức phòng chống ma túy, vừa tăng cường kiểm tra rà soát, chuyển đổi mô hình cơ sở cai nghiện…, công tác phòng, chống tội phạm ma túy ở Lâm Đồng đạt hiệu quả cao. Lâm Đồng là 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV thấp nhất toàn quốc.

Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm làm việc tại tỉnh Lâm Đồng ngày 17/52019. Ảnh: Đăng Minh

Ngày 17/5, Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc kiểm tra công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Tội phạm ma túy khó kiểm soát

Trước đây, Lâm Đồng được xác định là địa bàn tiêu thụ nhỏ lẻ, các đối tượng mua bán vài tép hoặc các đối tượng nghiện tham gia mua bán ma túy để lấy tiền hút, chích… Tuy nhiên, trong 03 năm trở lại đây, tình hình hoạt động tội phạm về ma túy diễn biến ngày càng phức tạp, phương thức thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt và kín đáo hơn.

Qua công tác điều tra, khám phá các chuyên án, vụ án về ma túy, tội phạm ma túy hoạt động với quy mô ngày càng phức tạp, rất manh động và liều lĩnh, có sự cấu kết với tội phạm hình sự gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự; nguồn ma túy chủ yếu vẫn từ các tỉnh phía Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian gần đây, ở Lâm Đồng xuất hiện một số băng nhóm tội phạm ma túy ngoài tỉnh vận chuyển ma túy vào địa bàn để tiêu thụ, một số người dân tộc Mông lợi dụng người thân, bạn bè ở Tây Bắc để mua bán, vận chuyển ma túy vào địa phương tiêu thụ; tình trạng trồng trái phép cây cần sa trên địa bàn tiếp tục diễn ra nhỏ lẻ trên các địa bàn, tập trung tại các khu vực vùng nông thôn. Loại ma túy được sử dụng chủ yếu vẫn là ma túy tổng hợp dạng “đá”, khi người nghiện sử dụng nhiều sẽ gây ra ảo giác, mất kiểm soát về hành vi (gọi chung là “ngáo đá”), tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Bên cạnh đó, tình hình các chất gây nghiện mới (Shisa - thuốc lào Ai Cập, cỏ Mỹ, tem giấy, bóng cười...) đang được mua bán, sử dụng phổ biến trong xã hội, gây khó khăn cho công tác quản lý, xử lý.

Tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, khó kiểm soát. Nguyên nhân tăng chủ yếu do các đối tượng đi cai nghiện ma túy về tái nghiện; số đối tượng nghiện ma túy ở địa phương khác đến tạm trú tại Lâm Đồng để làm ăn sinh sống, số đối tượng tù tha về; việc triển khai các hình thức cai nghiện trên địa bàn như cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, giáo dục tại xã, phường, thị trấn hiệu quả chưa cao; việc quản lý sau cai còn nhiều bất cập…

Số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn là 2.147 người, tăng 336 đối tượng. Lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 230 vụ, 268 đối tượng có hành vi vi phạm liên quan đến ma túy. Cơ quan chức năng trên toàn tỉnh đã khởi tố 193 vụ, 223 bị can, xử lý hành chính 32 vụ, 38 đối tượng, đang điều tra 5 vụ và 7 đối tượng.

Phối hợp triển khai nhiều biện pháp, chú trọng công tác tuyên truyền

Lực lượng chức năng đã phối hợp hoạt động kiểm soát chặt các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, triển khai các biện pháp thu thập, phân tích thông tin để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý. Các đối tượng nghiện hút được đưa vào trung tâm cai nghiện cũng như cai nghiện tại cộng đồng, cấp phát methadone cho người nghiện ma túy. Lâm Đồng cũng tổ chức 36 đội công tác xã hội của các xã, phường, thị trấn phối hợp phòng ngừa tệ nạn ma túy tại cơ sở.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức của nhân dân về phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm được đổi mới, hướng về cơ sở và ngày càng đi vào chiều sâu, tập trung vào các đối tượng cụ thể, hiệu quả ngày càng cao.

Công tác quản lý người nghiện và tổ chức cai nghiện ma túy đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt nhằm làm giảm nhu cầu sử dụng ma túy, từ đó, góp phần giải quyết triệt để hoạt động tệ nạn ma túy trên địa bàn. Công tác lập, thẩm định hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện đi Cơ sở cai nghiện bắt buộc được triển khai thực hiện thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở các cơ quan, ban, ngành liên quan đã phối hợp nhịp nhàng trong tổ chức thực hiện công tác này.

Cơ sở cai nghiện ma túy đi đúng định hướng chuyển đổi mô hình sang cai nguyện tự nguyện theo chỉ đạo của Chính phủ và theo yêu cầu về đổi mới công tác cai nghiện ma túy hiện nay; người nghiện ma túy cai nghiện, chữa bệnh tại Cơ sở cai nghiện đều được tư vấn, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ đạt hiệu quả cao, được tư vấn về dự phòng tái nghiện.

Việc thực hiện các chương trình, chính sách an sinh xã hội, công tác dạy nghề, tạo việc làm, tái hòa nhập cộng động cho người bị HIV/AIDS, nghiện ma túy và mại dâm đã được quan tâm thực hiện. Các Văn phòng tư vấn cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy hoạt động hiệu quả, đã có nhiều lượt người đến văn phòng để được tư vấn, kết nối được nhiều ngành, các tổ chức, đoàn thể tại địa phương cùng tham gia, nhất là công tác truyền thông phòng, chống mại dâm, ma túy và phòng ngừa nghiện ma túy.

Hàng năm, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, Ban, ngành, đoàn thể và Ban Chỉ đạo các địa phương đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, lấy công tác tuyên truyền, giáo dục cảm hóa là chính; lồng ghép công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma túy với phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội khác; tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của quần chúng nhân dân, tích cực tham gia tố giác và hỗ trợ lực lượng chức năng đối với công tác phòng, chống ma túy; tập trung đổi mới phương pháp, nội dung tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo công tác tuyên truyền đi sâu vào đời sống của quần chúng nhân dân, thiết thực và hiệu quả.

Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng đã chủ động chỉ đạo các cơ quan báo chí, Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thành phố và Đài truyền thanh cơ sở các xã, phường, thị trấn tăng số lượng tin, bài có nội dung về phòng chống tội phạm AIDS, ma túy, mại dâm; tăng thời lượng tuyên truyền vào các đợt cao điểm;…

Cần cơ chế đặc thù

Với những kết quả đã đạt được, cùng những khó khăn trong công tác phòng chống tội phạm ma túy chưa thể giải quyết, tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa đề nghị Trung ương có cơ chế đặc thù về tiền lương, về cơ cấu lại bộ máy hành chính tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác này cũng như việc quan tâm về nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh do hiện nay đang quá tải.

Bên cạnh đó, tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị các cơ quan Trung ương nghiên cứu hoàn thiện, bổ sung các văn bản chỉ đạo, văn bản quy định trong công tác phòng, chống mại dâm, các chính sách khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân, nhân dân tham gia điều trị nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện; chỉ đạo thành lập các mô hình, điểm tư vấn chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng, thực hiện mục tiêu xã hội hóa trong công tác cai nghiện ma túy, dựa vào cộng đồng; văn bản hướng dẫn các địa phương mở rộng chương trình về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người bán dâm, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại tỉnh Lâm Đồng theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi nghe các báo cáo, kiến nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao công tác chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh cũng như sự phối hợp của các Sở, ngành, các đơn vị liên quan trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tại địa phương.

“Qua số liệu thống kê cho thấy, Lâm Đồng là 1 trong 10 tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV thấp nhất toàn quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trước tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp, Lâm Đồng cần huy động sức mạnh tổng lực để kiểm soát, kiềm chế, xử lý tệ nạn ma túy, đảm bảo tình hình an ninh trật tự địa phương, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân và sự phát triển ổn định của cộng đồng”, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu kết luận buổi làm việc./.

Đăng Minh

Top