Kinh hoàng khi thực phẩm trộn chất ma túy

21/02/2018 08:08

Các lực lượng công an trên cả nước đang tập trung ngăn chặn nhưng ổ nhóm mua bán các loại thực phẩm chứa chất ma túy “ẩn mình” trên mạng xã hội. Đồng thời, tuyên truyền tác hại của loại ma túy này đến các đối tượng thanh, thiếu niên.

Bánh kẹo chứa chất ma túy bị lực lượng chức năng thu giữ 

Trộn cần sa vào bánh, kẹo

Những năm gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là ở các thành phố lớn đang xuất hiện tình trạng các đối tượng buôn bán những loại thực phẩm có chứa chất ma túy. Điều đáng nói là thay vì buôn bán giao dịch bên ngoài thì các đối tượng "đầu nậu" đã lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, tạo ra những "nhóm kín" trên in-tơ-nét rồi giới thiệu thực phẩm chứa ma túy trên các nhóm này tới khách hàng. Các "nhóm kín ma túy" rất khó để tiếp cận vì nếu không có "người quen" giới thiệu thì hầu như mọi người không thể biết tới sự tồn tại của chúng. Tuy nhiên, khi đã tham gia vào các “nhóm kín” này, sẽ dễ dàng tìm thấy vô vàn các lời quảng cáo về đủ loại thực phẩm chứa cần sa. Khách hàng có nhu cầu được chủ hàng cho người chuyển đến tận nơi. Một loại ma túy vẫn đang được nhiều "dân chơi" buôn bán và săn đón, chẳng hạn như bánh ngọt chứa cần sa còn được biết đến với cái tên "bánh lười". Bề ngoài, "bánh lười" trông giống như chiếc bánh ngọt thông thường nhưng bên trong tẩm cần sa. Theo cơ quan công an: không cần dùng đến những “công cụ hỗ trợ” phức tạp, “bánh lười” vẫn mang lại độ “phê” như những loại ma túy khác, thậm chí thời gian “phê” còn kéo dài tới bốn đến năm giờ đồng hồ. Chính vì sự đơn giản, khó phát hiện này mà “bánh lười” đang trở thành một hiểm họa khôn lường đối với xã hội.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “bánh lười” được biết đến khoảng ba đến bốn năm trước. Ban đầu, “bánh lười” xuất hiện tại Việt Nam do những người có điều kiện sinh sống ở nước ngoài khi về nước đã mang theo. Một số đối tượng còn mang theo công thức về làm bánh tại Việt Nam và bán công khai trên mạng xã hội. Sau một thời gian định vị thương hiệu ở thị trường chất ma túy, “bánh lười” ngày càng được những dân chơi ưa chuộng. Ưu điểm của bánh lười là dễ sử dụng và dễ "qua mặt" những người không tìm hiểu nhiều thông tin về các loại ma túy mới.

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an) cho biết, năm 2015, đã thu giữ hơn 2,5 tấn cần sa; năm 2016 thu giữ hơn 1,3 tấn cần sa. Điển hình, cuối năm 2016, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nghệ An đã triệt phá đường dây mua bán và vận chuyển cần sa từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía bắc do Trịnh Xuân Mạnh (25 tuổi ở Lào Cai) cầm đầu, thu giữ trong cốp xe hai va-li, bên trong chứa 40 bánh cần sa. Trước đó, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng và đã bắt được một ổ nhóm chuyên chế ma túy dạng “bánh lười” tại khu vực quận Hà Đông.

Gây tổn thương tinh thần

Theo cán bộ điều tra Phòng 5 (C47, Bộ Công an), khi cần sa được trộn vào thực phẩm, chất tetrahydrocannabino (THC) được hấp thu chậm hơn vào máu, qua dạ dày và ruột. Với cách sử dụng cần sa trộn cùng đồ ăn, thức uống đã có không ít trường hợp đã ngộ độc hoặc có các dấu hiệu hoang tưởng nghiêm trọng. THC có tác dụng hạ huyết áp, an thần nhưng đặc biệt kích thích và gây nghiện, tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái, phấn chấn với những ảo giác, hoang tưởng. Nhựa cần sa có nồng độ gây nghiện gấp 8 đến 10 lần thảo mộc cần sa. Tinh dầu cần sa có mầu hơi tối và nồng độ các chất gây nghiện cao gấp ba đến bốn lần nhựa cần sa. Mỗi một độ THC tăng lên là làm tăng mức độ lệ thuộc của người sử dụng với cần sa, chưa kể THC gây biến chứng cho hệ hô hấp gấp bốn lần so với thuốc lá, khiến triệu chứng ung thư tiến triển nhanh hơn.

Khi sử dụng thực phẩm trộn cần sa, cảm nhận đầu tiên là nhịp tim nhanh, mất cảm giác thăng bằng và có dấu hiệu mơ màng, bay bổng. Sau đó là cảm giác mệt mỏi lan tỏa khắp cơ thể. Cảm giác này có thể kéo dài trong vòng hai đến ba giờ đồng hồ hoặc lâu hơn tùy thuộc vào liều lượng cần sa hoặc hàm lượng của THC trong cần sa hoặc phụ thuộc vào các loại ma túy khác mà người đó dùng kèm.

Người sử dụng cần sa lâu ngày sẽ xuất hiện những tổn thương đối với các tế bào não, hệ thần kinh bị suy nhược, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung, rối loạn trí nhớ, không kiểm soát được hành vi của bản thân, thậm chí sẽ xuất hiện những ảo giác.

Theo đánh giá từ Bộ Công an, trước đây, cần sa thường xuất hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, nay đã mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Số người mua bán và sử dụng cần sa cũng tăng lên, năm 2015, tỷ lệ sử dụng cần sa ở nước ta mới chiếm khoảng từ 1,6 đến 2% số người nghiện nhưng đến nay, tình hình sử dụng cần sa đang có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh, thiếu niên. Trước thực trạng nêu trên, lực lượng công an các địa phương cần tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá, xử lý nghiêm những đường dây mua bán, vận chuyển cần sa hay mua bán trái phép thực phẩm trộn cần sa. Đồng thời, phối hợp các cấp chính quyền địa phương tuyên truyền tại trường học, lớp học để nâng cao trình độ nhận thức cho học sinh, sinh viên về tác hại của việc sử dụng ma túy.

Top