Kiến nghị thay đổi quan điểm chính sách về cai nghiện ma túy

23/07/2018 10:36

Tại báo cáo đánh giá pháp luật và công tác thi hành pháp luật về cai nghiện ma túy theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy (PCMT), Bộ LĐTB&XH kiến nghị thay đổi một số quan điểm chính sách về cai nghiện ma túy.

Học viên tại một cơ sở cai nghiện. Ảnh Nhật Thy

Về vấn đề sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy, Bộ LĐTB&XH đề nghị đưa hành vi “sử dụng trái phép chất ma túy” và tình trạng “nghiện ma túy” ra khỏi nội hàm của khái niệm “tệ nạn xã hội” (sửa khoản 8 Điều 2 Luật PCMT). Khẳng định hành vi sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi vi phạm pháp luật, được xử lý bằng các chế tài của pháp luật xử lý vi phạm hành chính bao gồm cả các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, buộc phải chịu các biện pháp can thiệp dự phòng, cai nghiện giảm hại, cai nghiện phục hồi và hoà nhập cộng đồng, trong đó ưu tiên trước hết là tinh thần tự giác, tự nguyện. Đối với trẻ em phải bảo đảm các biện pháp can thiệp, giáo dục, chăm sóc với điều kiện tốt nhất có thể.

Phải xem người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy dưới tất cả các góc độ. Thứ nhất, về hành vi, thì đó là người có thể có những hành vi nguy hiểm, cần phải ngăn chặn, can thiệp kịp thời. Thứ hai, về con người sinh học thì đó là người có thể bị tổn thương não bộ, cần phải chữa trị. Thứ ba, về tâm lý và nhận thức thì cần được tư vấn, giáo dục nâng cao nhận thức, trên nguyên tắc tôn trọng và chia sẻ. Thứ tư, về điều kiện và cơ hội phát triển thì cần được đào tạo nghề, được tham gia hoạt động hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ sinh kế bền vững.

Phải phân loại theo từng nhóm khác nhau như: Nhóm nguy cơ cao; nhóm sử dụng ma túy nhưng chưa nghiện; nhóm nghiện ma túy; nhóm nghiện ma túy có nhân thân phức tạp… Đồng thời phải đánh giá theo các tiêu chí khác nhau như: Loại ma túy sử dụng; thời gian sử dụng; tình trạng nghề nghiệp và việc làm…

Qua phân loại đánh giá để xác định các biện pháp can thiệp phù hợp, từ can thiệp dự phòng, can thiệp hỗ trợ có lựa chọn đến can thiệp bắt buộc. Các biện pháp can thiệp phải mang tính xã hội và nhân đạo, không cách ly cộng đồng quá dài hạn với ý nghĩa là hình phạt. Sử dụng biện pháp nào, giới hạn những gì, thời gian bao lâu phải phù hợp với từng giai đoạn, và từng đối tượng cụ thể, trên tinh thần, Nhà nước bảo đảm và ngày càng mở rộng các quyền con người và quyền công dân, phù hợp với các cam kết Quốc tế của Việt Nam và những giá trị mang lại tiến bộ xã hội.

Áp dụng nhiều biện pháp, nhiều hình thức can thiệp đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy. Trong đó, chú trọng thiết lập cơ chế, chính sách, quy trình, tiêu chuẩn theo hướng cung cấp dịch vụ liên tục và toàn diện cho người có nhu cầu...

Về chính sách đầu tư, đầu tư cho công tác phòng, chống tệ nạn nói chung và đầu tư để giải quyết vấn đề sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy nói riêng là đầu tư cho con người, đầu tư phát triển bền vững đất nước trong một tầm nhìn tổng thể và dài hạn. Do đó, cần phải ưu tiên nguồn lực đầu tư, bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cần phải có chiến lược đầu tư với các trọng tâm là: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ổn định; phát triển hệ thống dự phòng nhiều lớp; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội nhiều tầng cho người sau cai, người có tiền sử nghiện ma túy.

Phân bổ nguồn lực đầu tư phải dựa trên bằng chứng về hiệu quả toàn diện, trong đó chú trọng đầu tư cho công tác dự phòng, cai nghiện tự nguyện và hỗ trợ phục hồi tại cộng đồng. Thực hiện công khai, minh bạch để mọi tổ chức, cá nhân đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, để cùng Nhà nước cung cấp ngày càng tốt hơn các dịch vụ can thiệp dự phòng, can thiệp giảm hại, can thiệp phục hồi và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng cho những người có nhu cầu; mọi hỗ trợ từ ngân sách phải đến trực tiếp đối tượng thụ hưởng.

Về chính sách xã hội hóa, xã hội hóa không phải chỉ là huy động tài chính, đẩy gánh nặng tài chính lên vai người người dân và trao cho tư nhân đảm nhiệm một số nhiệm vụ thuộc bổn phận của nhà nước, mà xã hội hóa phải là: Mở rộng không gian và quyền để các cá nhân, tổ chức tham gia vào các quyết sách liên quan đến vấn đề sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và cung cấp các dịch vụ can thiệp dự phòng,can thiệp giảm hại, can thiệp phục hồi và hỗ trợ hoà nhập cộng đồng bền vững. Tạo cơ chế, chính sách cụ thể, minh bạch để động viên mọi nguồn lực xã hội, cả trong và ngoài nước chung tay chia sẻ cùng Nhà nước, nhưng Nhà nước phải chịu trách nhiệm về những phân khúc quan trọng nhất, đòi hỏi nhiều nguồn lực nhất; Nhà nước phải quản lý chất lượng dịch vụ. Xây dựng cơ chế cung cấp dịch vụ để mọi đối tượng đều có thể tiếp cận các dịch vụ một cách thuận lợi, sẵn có, với chi phí thấp nhất. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ trong cung ứng dịch vụ công...
Top