'Không để tội phạm ma túy còn địa bàn để dịch chuyển'

24/04/2019 15:35

Theo Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy, với sự tăng cường phối hợp của lực lượng Công an, Hải quan, Cảnh sát biển, Biên phòng, tội phạm ma túy sẽ không còn địa bàn để dịch chuyển.

Tang vật và các đối tượng bị lực lượng công an TPHCM bắt giữ. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Công an TPHCM

Những con số thu giữ hàng tấn ma túy, bắt giữ các đối tượng cầm đầu người nước ngoài và trong nước cho thấy diễn biến phức tạp của tội phạm ma túy hiện nay, đồng thời thể hiện những kết quả và nỗ lực đấu tranh phòng chống loại tội phạm này của lực lượng chức năng.

Nhiều chuyên án thu giữ hàng tấn ma túy

Đáng chú ý, chỉ trong vòng một thời gian ngắn (từ đầu năm 2019 đến giữa tháng 4/2019), nhiều đường dây tàng trữ, vận chuyển cả tấn ma túy lần lượt được triệt phá tại TPHCM và miền Trung.

Nếu như thời gian trước, các vụ án ma túy cơ quan chức năng triệt phá đa số thu được vài chục gram, vài trăm gram thì bây giờ số lượng ma túy mỗi lần vận chuyển, giao dịch bị thu giữ lên đến hàng trăm, hàng ngàn bánh.

Số lượng giao dịch ma túy càng tăng đồng thời các băng nhóm buôn ma túy càng sử dụng thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.

Qua đấu tranh xác định được, cũng do lợi nhuận quá cao, nhiều đường dây tội phạm quốc tế đã vươn "vòi bạch tuộc" tới Việt Nam để “làm ăn;” đồng thời xuất hiện tội phạm trong nước ra nước ngoài lập đại bản doanh, rồi điều hành ngược trở lại đường dây trong nước.

Gần đây, từ việc khám phá đường dây vận chuyển ma túy cực lớn qua camera giám sát trật tự giao thông ở địa bàn Quận 5 (TPHCM) vào ngày 12/4, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam Yeh Ching Wei, Chiang Wei Chih (cùng quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc) và Bùi Nguyễn Huy Vũ (trú tại TPHCM) về hành vi tàng trữ, vận chuyển hơn 1,1 tấn ma túy. Từ đây hé lộ đường đi của lô ma túy "khủng".

Trong quá trình phối hợp phá án, lực lượng chức năng tỉnh Hà Tĩnh cũng thu giữ khoảng 300 kg ma túy, nâng tổng số ma túy thu giữ trong đường dây cùng với Công an TPHCM lên đến khoảng 1,4 tấn ma túy.

Trước đó, chuyên án mang số hiệu 218LP được Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với lực lượng chức năng khác triển khai, thu giữ được 1,161 tấn ma túy tổng hợp dạng đá; bắt giữ được 7 đối tượng, trong đó 4 đối tượng là người nước ngoài, 3 đối tượng người Việt Nam trong đường dây vận chuyển ma túy từ khu vực “Tam giác vàng” vào Việt Nam, sau đó vận chuyển qua đường biên giới đi nước thứ 3 tiêu thụ.

Những con số trên cho thấy quy mô, tính chất hoạt động của các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.

Nguyên nhân làm cho số vụ bắt giữ liên quan đến ma túy ngày càng tăng một phần do sự phức tạp của tình hình tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu là do lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng ở trong và ngoài nước tấn công mạnh mẽ với tội phạm ma túy, do vậy đã triệt xóa các đường dây buôn bán vận chuyển ma túy được nhiều hơn.

"Nhìn vào kết quả bắt giữ của lực lượng phòng chống ma túy, có thể nhân dân hết sức lo ngại. Nhưng theo chúng tôi, đây là tín hiệu đáng mừng. Đây cũng là kết quả sau nhiều năm đấu tranh với tội phạm ma túy mà Bộ Công an chủ trì, với chủ công là lực lượng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy phối hợp lực lượng Hải quan, Cảnh sát biển, Biên phòng, các bộ ngành,... đã đem lại kết quả bắt giữ, phá các chuyên án gần đây," Thượng tá Ngô Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) - cán bộ trực tiếp tham gia triển khai chuyên án 218LP đánh giá.

Bên cạnh đó, theo Thượng tá Bình, chuyên án 218LP này còn chứng minh được trách nhiệm của Việt Nam trong phòng chống ma túy với quốc tế.

Trên cơ sở điều tra nhanh các đối tượng bị bắt, căn cứ vào lời khai và tài liệu thu thập được, Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy Việt Nam đã thông báo ngay cho phía Philippines.

Ngay sau đó nhà chức trách phòng, chống ma túy của nước này đã phát hiện và bắt giữ 276 kg ma túy đá giấu trong container hạt nhựa.

Còn về nguyên nhân gia tăng của ma túy, lực lượng chức năng phòng, chống ma túy nhận định, do nước ta có vị trí địa lý nằm gần khu vực “Tam giác vàng,” tại đây tội phạm ma túy có công nghệ sản xuất ma túy với giá rẻ, từ đó sản lượng ma túy tăng lên rất nhiều.

Hoạt động sản xuất, mua bán ma túy trong khu vực Đông Nam Á, nhất là khu vực "Tam giác vàng" (khu vực biên giới Lào-Thái Lan-Myanmar) có chiều hướng gia tăng đã tác động mạnh đến Việt Nam.

Do lợi nhuận khổng lồ từ buôn bán ma túy mang lại, đơn cử như giá 1 bánh heroin ở Lào khi qua biên giới Việt Nam đã tăng gấp nhiều lần, do đó, tội phạm đã tăng số lượng ma túy vận chuyển nhằm tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, tội phạm ma túy mang tính quốc tế gia tăng. Nếu như trước đây, các băng nhóm liên tỉnh được đánh giá là lớn, nhưng hiện nay có sự chi phối của các tổ chức tội phạm quốc tế với sự đầu tư tài chính, trang thiết bị rất lớn nên quy mô hoạt động tăng lên.

Đồng thời, nền kinh tế của Việt Nam với nhiều cải cách hành chính; phát triển nhiều trục liên vận quốc tế, nhiều hành lang kinh tế, giao thương ở các cửa khẩu, khu kinh tế mở… Đây cũng là điều kiện để tội phạm ma túy lợi dụng hoạt động.

"Tội phạm sẽ không còn địa bàn nào để dịch chuyển"

Những diễn biến trong thời gian vừa qua cũng cho thấy, tội phạm ma túy đang chuyển hướng trọng tâm về TPHCM.

Bởi thành phố này hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng: Là nơi kết nối giao thông tốt, rất nhanh với các nước từ đường hàng không, đến đường biển…; hiện là trung tâm về xuất nhập khẩu, thương mại, tài chính và rất thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, số người nghiện ma túy trên địa bàn thành phố thuộc nhóm cao nhất cả nước, tạo ra nhu cầu sử dụng ma túy rất lớn.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an thời gian qua đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công các "điểm nóng" về các loại tội phạm ma túy, phá vỡ được những dòng ma túy, đường vận chuyển ma túy ở Tây Bắc.

Tuy nhiên, khi "vòi bạch tuộc" bị chặt đứt ở phía Bắc thì các đối tượng thay đổi cách thức hoạt động, chuyển địa bàn vào miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TPHCM.

Cơ quan chức năng xác định ma túy được vận chuyển từ khu “Tam giác vàng” bằng đường bộ qua Lào đến các đường biên giới dọc miền Trung, hoặc đi qua Campuchia vào các tỉnh phía nam và TPHCM, sau đó trung chuyển qua Đài Loan, Trung Quốc và Philippines... tiêu thụ.

Cũng theo đánh giá của cơ quan chức năng, từ những vụ ở miền Trung như tại Hà Tĩnh (ngày 17/2/2019, lực lượng chức năng phát hiện 278 kg ma túy tổng hợp dạng “đá”) và Quảng Bình (ngày 12/10/2018, phát hiện 308 kg ma túy tổng hợp dạng “đá”) cho thấy nếu số ma túy này không được phát hiện sẽ được vận chuyển vào TPHCM.

Mới đây, chỉ thông qua tuần tra kiểm soát giao thông ngày 27/3/2019, Công an TPHCM đã thu giữ 895 bánh ma túy, qua đó cho thấy hoạt động tội phạm ma túy liên quan đến địa bàn TPHCM đang diễn ra rất phức tạp.

Theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, sau nhiều năm thực hiện cao điểm phòng chống tội phạm ma túy Việt Nam trên tuyến Đông Bắc là Quảng Ninh và Lạng Sơn đạt hiệu quả rất tốt. Gần như trên tuyến đó, tội phạm ma túy rất khiếp đảm.

Cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng ở tuyến Tây Bắc, dưới sự trực tiếp chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, năm 2018 lực lượng Công an đã thực hiện chuyên án tiêu diệt 2 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm về ma túy ở Lóng Luông, Sơn La.

Qua đây đã làm cho các đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây ma túy xuyên quốc gia run sợ. Chúng cho rằng nếu vận chuyển qua tuyến đó thì thực sự là mối đe dọa và sẽ bị lực lượng chức năng về phòng chống ma túy phát hiện.

"Quả thực trên tuyến Đông Bắc giáp với Trung Quốc và Tây Bắc giáp với Lào, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, lực lượng chức năng đã đấu tranh, triệt phá rất mạnh và tội phạm có sự dịch chuyển vào phía Nam. Thời gian tới, tội phạm sẽ không còn địa bàn nào để dịch chuyển" - Thượng tá Bình nhấn mạnh.

Phó Cục trưởng này cho biết thêm ngày 3/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã chủ trì lễ phát động cao điểm phối hợp phòng chống ma túy giữa Việt Nam và Lào.

"Toàn bộ dọc tuyến Bắc miền Trung, chúng ta có thể kỳ vọng thời gian tới, "hành lang trắng" về ma túy giữa Việt Nam và Lào sẽ được thiết lập và tội phạm ma túy rất khó có thể trung chuyển qua nước ta" - Thượng tá Bình chia sẻ.

Ngăn chặn nguy cơ ma túy trung chuyển ma túy qua Việt Nam

Qua kết quả khám phá các vụ án vận chuyển ma túy lớn thời gian gần đây, lực lượng Công an đã xác định: về tuyến, các đối tượng lợi dụng địa bàn Việt Nam, đặc biệt là TPHCM để trung chuyển ma túy đi các nước, chủ yếu thông qua xuất nhập hàng hóa từ Lào, Thái Lan, Campuchia vào Việt Nam, sau đó chuyển sang vận chuyển đường biển đi các nước.

Hàng hóa thường dùng để ngụy trang là đóng gói bao bì các loại trà, cà phê, hạt nhựa, linh kiện điện tử, bỏ vào loa thùng…

Thượng tá Ngô Thanh Bình nhận định việc trung chuyển ma túy qua Việt Nam đã được Bộ Công an dự báo từ rất lâu và đã chủ động tiến hành đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ của ngành Công an phối hợp với các ngành Hải quan, Cảnh sát biển, Biên phòng... làm tốt trong việc phòng, chống.

"Vì vậy, nguy cơ đó có, nhưng nếu thời gian tới Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển là khó. Bởi, với sự nỗ lực của lực lượng Công an, Hải quan, Cảnh sát biển, Biên phòng,... thì tội phạm ma túy khó có thể lộng hành, trung chuyển" - Thượng tá Ngô Thanh Bình khẳng định.

Để ngăn chặn ma túy vào Việt Nam và để Việt Nam không trở thành điểm trung chuyển ma túy sang nước thứ 3, theo Thượng tá Ngô Thanh Bình, giải pháp đầu tiên là huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị cả nước và tăng cường phối hợp quốc tế.

Năm 2018, Việt Nam đã chủ trì thành công Hội nghị cấp Bộ trưởng Asean về vấn đề ma túy và thống nhất được quan điểm các nước ASEAN trong phòng, chống ma túy, đồng thời ra tuyên bố: “Sẽ xây dựng ASEAN không ma túy."

Chính vì thế, thời gian qua, Bộ Công an đã phối hợp với các nước Lào, Philippines, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan tổ chức nhiều đợt đồng loạt tấn công tội phạm ma túy.

Giải pháp thứ hai là phải sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy năm 2013. Luật này so sánh với tình hình mới, trong bối cảnh hội nhập mới sâu sắc và tội phạm ma túy các nước diễn ra phức tạp còn nhiều bất cập, nhất là chức năng của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và lực lượng phòng chống ma túy tại vùng biên giới.

Ở đó, lực lượng Biên phòng là chủ công, còn lực lượng Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy có những quyền năng còn hạn chế.;

Và quan trọng nhất, để giảm được tình trạng buôn bán, vận chuyển và tàng trữ trái phép các loại ma túy, Thượng tá Bình cho rằng, vẫn nằm trong quy luật cung cầu, nếu không có người sử dụng thì không có người mua bán, vận chuyển, tàng trữ. Đây cũng là giải pháp căn cơ nhất.

Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy đang tham mưu cùng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 221/2013/NĐ-CP, đưa người nghiện ma túy vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc được dễ dàng và tạo điều kiện cho họ cai nghiện thành công, sớm trở về cộng đồng.

Top