Kết quả thực hiện Luật Phòng, chống ma tuý của lực lượng CSĐTTP về ma tuý

20/02/2018 12:08

Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy tại Việt Nam bắt đầu có diễn biến phức tạp, số người nghiện ma túy và ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam liên tục gia tăng.

Lực lượng CSĐTTP về ma tuý bắt giữ tội phạm ma tuý. Ảnh minh hoạ

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy, Đảng, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách về phòng chống ma túy. Ngày 29/1/1993, Chính phủ có Nghị  quyết số 06/CP và ngày 30/11/1996, Bộ Chính trị có Chỉ thị 06-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy. Ngày 9/12/ 2000, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Phòng chống ma túy. Đây là Bộ luật tiên tiến, đã giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ban, ngành, UBND các cấp và toàn dân có trách nhiệm phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tội phạm ma túy. Sau khi Luật Phòng chống ma túy ra đời, các đơn vị chức năng như lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm (CSĐTTP) về ma túy và các đơn vị phòng chống ma túy của Bộ quốc phòng, Bộ tài chính được thành lập và củng cố, đảm bảo được sức mạnh để đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy.

Qua 18 năm thực hiện Luật Phòng, chống ma túy dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, tội phạm ma túy đã được kiềm chế. Nhưng mức độ vẫn không ngừng gia tăng, phức tạp. Năm 2000, cả nước có 101.038 người nghiện thì đến tháng 12/2017 có 222.582 người nghiện ma túy có quản lý của Công an. Số lượng bắt giữ tội phạm ma túy năm 2000 bắt 10.300 vụ với 19.300 đối tượng. Năm 2017, bắt 22.346 vụ với 34.494 đối tượng phạm tội ma túy. Số lượng ma túy thu năm sau gấp đôi năm trước.

Nguồn ma túy chủ yếu heroine, thuốc phiện, cần sa, ma túy tổng hợp từ khu vực tam giác vàng qua Lào-Campuchia vào Việt Nam, tiêu thụ và vận chuyển đi Trung Quốc, ngược lại, ma túy tổng hợp “dạng đá” chủ yếu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Nhất là những năm gần đây, do áp lực của tội phạm ma túy ở khu vực Tam giác vàng (Lào-Thái Lan-Myanma), lượng ma túy Trung Quốc liên tục gia tăng. Trung bình mỗi năm khu vực Tam giác vàng sản xuất 1 tỷ viên ma túy tổng hợp, 200 tấn ma túy tổng hợp “dạng đá”, 50 tấn heroine, 3.000 tấn tiền chất từ Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực này để sản xuất ma túy tổng hợp. Tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam của Trung Quốc giáp với biên giới Việt Nam có hàng trăm cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp. Ma túy ở khu vực này chủ yếu vào Việt Nam và đi các nước khác tiêu thụ.

Đồng thời với chính sách mở cửa hội nhập, các đối tượng phạm tội ma túy đã lợi dụng kinh doanh, du lịch vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam. Thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt, tự trang bị vũ khí, khi bị bắt thì chống trả quyết liệt lại lực lượng chức năng. 18 năm qua, các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đã có 22 đồng chí hi sinh, hàng trăm đồng chí bị thương do tội phạm ma túy gây ra.

Với trách nhiệm là đơn vị chủ công nòng cốt, từ năm 2011-2017, Cục CSĐTTP về ma túy đã chủ động phối hợp với các đơn vị địa phương bắt giữ 134.595 vụ, 205.853 đối tượng, thu giữ 4.459 kg heroine, 95 kg cocain, 498 kg thuốc phiện, 9.551 kg cần sa, 3.025 kg 2.574.400 viên ma túy tổng hợp các loại, 10,6 tấn lá Khat, gần 1.000 khẩu súng các loại, hơn 8.000 viên đạn và nhiều loại vũ khí thô sơ khác, thu hàng trăm tỉ đồng… triệt xóa hàng nghìn đường dây, tụ điểm ma túy phức tạp.

Điển hình như vụ Nguyễn Văn Tám, vụ Nguyễn Đức Lượng, vụ Nguyễn Quốc Hùng vận chuyển 490 bánh heroine, vụ Tráng A Tàng vận chuyển 265 bánh heroine, các tụ điểm ma túy phức tạp: Cầu Kho, Mả Lạng, TPHCM; Thanh Nhàn, bãi rác Thành Công, Hà Nội; khu đường sắt quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng… Các vụ án ma túy đã được đưa ra xét xử nghiêm minh, nhưng tình hình tội phạm ma túy của Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tập trung ở tuyến biên giới Việt-Lào, Việt-Trung, tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc miền Trung, Tây Nam và các địa bàn trọng điểm như Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Long An, Tây Ninh, TPHCM…

Các đối tượng cầm đầu các đường dây, thường tự trang bị vũ khí chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Từ năm 2010-2017, tại địa bàn các tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên), các tỉnh miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị) có hàng trăm đối tượng truy nã về tội ma túy trốn sang Lào, móc nối với các đối tượng người Lào ở khu vực biên giới, hình thành các nhóm, toán từ 5-7 đối tượng, thậm chí có nhóm từ 10-30 đối tượng. Mỗi đối tượng đeo trên người khoảng 20 bánh heroine và 1 khẩu súng để bảo vệ “hàng” (ma túy) và người, khi bị phát hiện bắt giữ thì chống trả quyết liệt, bỏ ma túy chạy về bên kia biên giới, buộc lực lượng chức năng phải tấn công, tiêu diệt một số tên…

Như chuyên án 279L, từ năm 2013-2016, Công an tỉnh Sơn La phối hợp với Cục C47 và một số đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, tổ chức 9 đợt ra quân truy quét, các đối tượng người Lào vượt biên trái phép, vận chuyển ma túy vào Việt Nam qua biên giới Sơn La–Lào. Kết quả bắt giữ 22 đối tượng người Lào, thu 498 bánh heroine, 350.000 viên ma túy tổng hợp, 19 khẩu súng các loại, 323 viên đạn, tiêu diệt 4 đối tượng. Trong quá trình đấu tranh chuyên án các đối tượng bắn trả làm một đồng chí hy sinh, một đồng chí bị thương.

Do áp lực của tội phạm ma túy ở nước ngoài, người nghiện ma túy ở Việt Nam gia tăng tạo ra quy luật “cung-cầu”. Công tác cai nghiện chưa hiệu quả, tỷ lệ tái nghiện cao khoảng 95%. Lợi nhuận ma túy quá lớn, người dân ở vùng sâu, vùng xa vùng biên giới nghèo, lạc hậu dễ bị tội phạm ma túy mua chuộc, lôi kéo, cho nên công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả chưa cao.

Bên cạnh đó, phần lớn các địa phương, các ngành, các cấp chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống ma túy, do thiếu kinh phí, thiếu cán bộ có chuyên môn, có tư tưởng phó mặc cho lực lượng Công an, nên công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho công tác phòng chống ma túy còn hạn chế.

Về pháp luật còn những chồng chéo giữa Luật Phòng chống ma túy với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật khác. Luật Xử lý vi phạm hành chính coi người nghiện ma túy là người bệnh, nhưng thủ tục đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc thì quá chặt chẽ, rườm rà, nên công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc khó khăn, nhiều địa phương thực hiện không hiệu quả, người nghiện ở ngoài xã hội gây mất tự an toàn xã hội, bức xúc cho dư luận, gây ra nhiều vụ thảm án, giết, cướp nhiều người.

Để công tác phòng, chống ma túy có hiệu quả, đề nghị Chính phủ chỉ đạo, các Bộ, các ngành chủ động tham gia nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện pháp luật về phòng, chống ma túy, trước hết là nghiên cứu đề nghị sửa đổi một số điều về luật Phòng, chống ma túy để phù hợp với Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các luật khác. Cần tập trung một số nội dung như trách nhiệm của các Bộ, các ngành trong công tác phòng, chống ma túy, đưa một số nội dung của Chỉ thị 21 ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về phòng, chống ma túy trong tình hình mới vào Puật Phòng chống ma tuý. Đồng thời, quy trách nhiệm cho người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ, nhưng để tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy ở đơn vị, địa phương mình phức tạp.

Về công tác cai nghiện, nghiên cứu bỏ hình thức cai nghiện tại cộng đồng. Vì cai nghiện tại cộng đồng rất phức tạp, tốn kém, địa phương không có người, thiếu kinh phí thực hiện, hoặc có thực hiện thì chỉ là hình thức “đánh trống ghi tên”, thực tế không có hiệu quả. Công tác thống kê người nghiện ma túy và quản lý người nghiện ma túy sau cai giao cho Bộ Công an chịu trách nhiệm. Quy định thống kê toàn bộ người sử dụng ma túy trong đó, phân ra người nghiện ma túy và người sử dụng ma túy nhưng chưa nghiện hoặc nghi nghiện…

Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục CSĐTTP về ma tuý, Bộ Công an

Top