Hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho người nghiện: Tạo con đường “trở về” ngắn nhất

21/04/2019 23:59

Việc tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ việc làm cho người nghiện và sau cai nghiện được cho là con đường ngắn nhất đưa những người từng nghiện ma túy "trở về". Do đó, hoạt động này cần nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ các cơ quan chức năng, gia đình và xã hội.

Học viên tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội được quan tâm dạy nghề, tạo việc làm. Ảnh: Minh Ngọc

Hồi sinh sau những ngày lầm lỡ

Hằng ngày, anh Lê Minh Quang, ở số 3 phố Vọng Đức, phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) luôn bận rộn công việc: Nấu phở phục vụ thực khách, trông xe, bán hàng, chăm sóc con cái… Chứng kiến anh Quang làm việc chăm chỉ, ứng xử hài hòa, ít ai biết rằng, anh từng nghiện ma túy hơn 10 năm, đi cai nghiện nhiều lần, rồi tái nghiện. Năm 2012, anh lĩnh án tù vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy.

“Phải trả giá quá đắt khiến tôi dần nhận ra, từ bỏ ma túy sớm ngày nào tốt ngày đó. Nhờ người thân động viên, chính quyền địa phương định hướng, tạo điều kiện cho mở cửa hàng bán phở, tôi sớm có được việc làm, thu nhập sau thời gian ngắn tái hòa nhập cộng đồng. Đó cũng là động lực giúp tôi tránh xa con đường lầm lỡ suốt nhiều năm nay, để sống một cuộc sống thực sự ý nghĩa”, anh Lê Minh Quang chia sẻ.

Trường hợp khác tìm thấy ánh sáng cuộc đời sau nhiều năm nghiện ma túy là anh Phạm Vũ Uẩn, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy). Anh Uẩn nghiện ma túy khi mới 16 tuổi, khiến thể chất, tinh thần suy kiệt, học hành dở dang, người thân đau đớn. Quyết tâm từ bỏ ma túy, anh đăng ký đi cai nghiện tự nguyện nhiều lần, nhưng lần nào cũng thất bại. May mắn đến khi anh gặp những cán bộ hết lòng giúp mình sống tốt đẹp hơn.

“Trong thời gian cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 4 Hà Nội và quản lý sau cai tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội, tôi vừa được quan tâm, chăm sóc, vừa được tư vấn các kỹ năng phòng, chống tái nghiện, kỹ năng tìm kiếm việc làm; đồng thời, được cung cấp thông tin, dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng. Trở về địa phương, tôi được tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Quản lý người sau cai nghiện (B93) phường Mai Dịch, được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để tạo việc làm”, anh Phạm Vũ Uẩn bày tỏ. Sự giúp đỡ đó đã mang đến cho anh cơ hội hồi sinh. Hiện tại, anh Uẩn là chủ một cơ sở cắt tóc uy tín.

Cũng nhờ được tư vấn, hướng nghiệp sau quá trình cai nghiện, cộng với sự động viên của người thân, giúp đỡ của chính quyền địa phương, chia sẻ của cộng đồng, anh Phạm Văn Dũng, ở xóm Dợ, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) hay anh Nguyễn Trung Tuyến, ở thôn Chu Quyến, xã Chu Minh (huyện Ba Vì) đã từ bỏ được ma túy, tập trung phát triển kinh tế gia đình.

Nhân rộng mô hình hỗ trợ


Phát huy tinh thần nhân văn, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đang phối hợp nhân rộng các mô hình tư vấn, hướng nghiệp cho người nghiện và sau cai nghiện ma túy. Ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Cầu Giấy cho biết, năm 2019, các phường trên địa bàn tiếp tục rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng sau cai nghiện ma túy để có sự hỗ trợ kịp thời. Người nào thiếu vốn sẽ được ưu tiên vay vốn ưu đãi, người nào có nhu cầu học nghề sẽ được hỗ trợ học nghề. Các hoạt động hỗ trợ được triển khai với thái độ cảm thông, chia sẻ, giúp người nghiện bớt mặc cảm, tự tin tái hòa nhập cộng đồng.

Ngoài những mô hình đã triển khai, từ đầu tháng 4-2019, quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội thực hiện thí điểm mô hình “Tư vấn, chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” tại Trạm Y tế phường Hàng Buồm.

Theo ông Nguyễn Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm, đến đây, người nghiện và gia đình họ sẽ được tư vấn các biện pháp giảm tác hại của ma túy, điều trị nghiện, trang bị kỹ năng phòng, chống tái nghiện, xây dựng kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng…

Từ kinh nghiệm giúp đỡ người nghiện, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ B93, phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm) khẳng định, mô hình “Tư vấn, chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” sẽ phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cai nghiện ma túy, đưa người nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Bởi lẽ, trên thực tế, công tác cai nghiện tại cộng đồng gặp rất nhiều khó khăn, do bản thân người nghiện và gia đình họ không tự khai báo, không đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ chức cai. Hình thức điều trị thay thế bằng thuốc Methadone gắn với trạm y tế cấp xã, phường chưa được thực hiện rộng rãi…

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin: “Công tác hỗ trợ cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội liên tục đổi mới theo hướng gắn với cộng đồng, cung cấp cho người cai nghiện các dịch vụ toàn diện, bao gồm y tế, tâm lý, xã hội, hỗ trợ việc làm, giúp đối tượng sớm ổn định cuộc sống. Do đó, mô hình “Tư vấn, chăm sóc, điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng” sẽ được nghiên cứu để nhân rộng”.

Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, thành phố Hà Nội đang có hơn 13.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người sử dụng ma túy có thể lớn hơn nhiều lần con số được công bố. Tình trạng buôn bán, sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, để lại những hậu quả tiêu cực cho xã hội. Từ hiệu quả đã được kiểm định trong công tác tư vấn, hỗ trợ cho người nghiện và sau cai nghiện, hy vọng các cơ quan chức năng, gia đình và xã hội sẽ quan tâm nhiều hơn đến hoạt động này. Đó cũng là giải pháp xây dựng môi trường xã hội an toàn, văn minh.
Top