Hơn 70 quốc gia nguy cơ hết thuốc HIV do đại dịch COVID-19

07/07/2020 18:19

Theo một cuộc khảo sát do Tổ chức Y tế Thế giới, hơn 70 quốc gia có nguy cơ hết thuốc điều trị HIV do đại dịch COVID-19.

 Ảnh minh họa

24 quốc gia cho biết, kho thuốc kháng virus (hay còn gọi là ARV) của họ còn rất ít. Thuốc này được sử dụng như một liệu pháp chính để điều trị HIV. WHO cho biết, do hậu quả của đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Các quốc gia và đối tác phát triển của họ phải làm tất cả những gì có thể nhằm bảo đảm những người điều trị HIV tiếp tục được tiếp cận nguồn thuốc. Chúng ta không thể để đại dịch COVID-19 gây trở ngại cho phản ứng toàn cầu đối với căn bệnh thế kỷ HIV”.

Vào tháng 5, WHO và Chương trình Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS ước tính rằng các ca tử vong liên quan đến AIDS ở châu Phi cận sa mạc Sahara có thể tăng gấp đôi do sự gián đoạn liên tiếp trong 6 tháng tiếp cận với thuốc kháng virus. Mặc dù không có thuốc chữa HIV, nhưng loại virus gây ra bệnh AIDS, thuốc kháng virus được chứng minh là có thể kiểm soát virus và ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác.

Việc đóng cửa vận chuyển đường bộ và đường hàng không, việc các nhà cung cấp không cung cấp thuốc và tiếp cận hạn chế với các dịch vụ y tế là một trong những nguyên nhân gây ra sự gián đoạn được trích dẫn trong cuộc khảo sát của WHO. WHO cho biết thêm, hơn 25 triệu người đang được điều trị bằng thuốc kháng virus vào năm 2019 sẽ bỏ lỡ các mục tiêu năm 2020.

Mới đây, WHO tuyên bố ngừng thử nghiệm thuốc HIV lopinavir và ritonavir. Đây được xem như một phương pháp điều trị kết hợp cho bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Kết quả tạm thời cho thấy các loại thuốc trên có tác dụng rất ít hoặc không làm giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19. Cả 2 loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị ARV.

Các phát hiện trên của WHO là minh chứng mới nhất về tình trạng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19. Theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins, virus Corona đã lây nhiễm khoảng 11,5 triệu người và giết chết ít nhất 534.825 người trên khắp thế giới. Điều này càng làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng.

Tháng 5 vừa qua, một nghiên cứu của Hiệp hội Ngăn chặn bệnh lao (Stop TB Partnership) công bố, hàng triệu người trên thế giới có thể mắc bệnh lao do các biện pháp phong tỏa bởi COVID-19. Nghiên cứu ước tính 6,3 triệu người có thể mắc bệnh lao do không được chẩn đoán và không được điều trị từ nay đến năm 2025. Dự đoán số người chết sẽ lên đến con số 1,4 triệu người trong thời gian này.

Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Ngăn chặn bệnh lao, bà Lucica Ditiu cho biết: “Tình huống này khiến tôi phát ốm, bởi vì điều này hoàn toàn có thể tránh được. Chúng ta chỉ cần lưu ý rằng bệnh lao, cũng như các bệnh khác, tiếp tục ảnh hưởng và giết chết mọi người, chứ không chỉ COVID-19".

Tại Mỹ, các bác sĩ báo cáo xu hướng đáng lo ngại rằng, bệnh nhân cần các thủ tục hoặc chăm sóc cần thiết đang tránh việc đến bệnh viện do đại dịch. Chăm sóc chậm trễ hoặc bỏ qua việc chăm sóc có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe đáng kể.

Trước đó, Ủy ban Cứu hộ Quốc tế đã cảnh báo về tình trạng khẩn cấp gấp đôi tại các quốc gia dễ bị tổn thương. COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện có, bao gồm cả sự bất ổn chính trị và kinh tế.
Top