Hơn 36 nghìn người đang được điều trị, cai nghiện tại các cơ sở

17/01/2019 15:54

Theo Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH, năm 2018, số người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị, cai nghiện tại các cơ sở là 6.438 học viên nâng tổng số người đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 36.368 học viên, tăng 6,8% so với năm 2017 (33.895/36.368).

Tư vấn điều trị nghiện. Ảnh internet

Hiện nay, ngành LĐTB&XH, đang quản lý 25 cơ sở điều trị Methadone và 6 cơ sở cấp phát thuốc với số người tham gia điều trị là 4.141 người; 11 cơ sở cai nghiện tự nguyện có chức năng điều trị Methadone đang trong thời gian hoàn thiện cơ sở vật chất và cán bộ theo quy định; chỉ có 2 tỉnh, thành phố triển khai điều trị Methadone cho học viên cai nghiện bắt buộc là Sơn La (224 học viên); Cần Thơ (4 học viên).

Thực hiện chủ trương đa dạng hóa công tác cai nghiện theo Đề án đổi mới công tác cai nghiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thí điểm các mô hình điều trị, cai nghiện: Mô hình điều trị, cai nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất (Cedemex, Bông Sen, Heantos…). Qua đánh giá kết quả ban đầu, việc thí điểm điều trị bằng thuốc Cedemex tại Thái Nguyên, Hưng Yên trong thời gian điều trị 6 tháng cho thấy tỷ lệ không sử dụng lại ma túy là 38% và sau 1 năm tỷ lệ là 27%.

Bên cạnh đó, mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mô hình “tiền xét xử” liên quan đến “Tòa ma túy”… đã tạo điều kiện kết nối người nghiện ma túy tham gia các dịch vụ ngay tại cộng đồng như: tư vấn tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm, điều trị cắt cơn và điều trị HIV… Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng đã triển khai có hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa…

Top