Hỗ trợ vốn vay cho người yếu thế- cơ hội làm lại cuộc đời

13/08/2019 10:13

Với người nghiện ma túy, người bán dâm thì một trong những yếu tố quan trọng giúp họ vượt qua mặc cảm, thay đổi hành vi, hoà nhập cộng đồng chính là việc hỗ trợ vốn để tự tạo việc làm, phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống, hạn chế tái nghiện, tái phạm...

Việc làm là yếu tố quan trọng, tạo điều kiện cho người sau cai tái hoà nhập cộng đồng, thêm động lực từ bỏ hoàn toàn ma tuý một cách bền vững

Cơ hội trở về

Nhìn vào cuộc sống ổn định của gia đình anh Lê Quang Dũng, trú tại phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội, hôm nay, ít ai biết rằng anh từng trải qua những ngày tháng gian nan đấu tranh để thoát khỏi sự cám dỗ của ma túy. Anh Dũng nhớ lại, năm 2004, trong lúc nhàn rỗi không có công ăn việc làm, anh đã đi chơi và bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy.

Từ khi sử dụng ma túy, sức khỏe của anh bị hủy hoại, mất khả năng lao động, ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế gia đình… Nhiều khi không có tiền mua thuốc, anh đã muốn buông xuôi tất cả. Được gia đình và các đoàn thể vận động, giúp đỡ đưa đi chữa bệnh ở Trung tâm Chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội ở Sơn Tây, huyện Ba Vì, Hà Nội, sau 2 năm, những cơn nghiện ma túy đã tạm lùi.

Nghĩ đến tương lai phía trước, anh Dũng không khỏi lo lắng, sự nhàn rỗi, không việc làm có thể lại khiến anh quay trở lại với con đường nghiện ngập bất cứ lúc nào. Thấu hiểu tâm tư của anh Dũng cùng nhiều thành viên khác, Ban chủ nhiệm CLB B93 (CLB của những người sau cai nghiện) phường Mai Dịch đã tư vấn, hướng dẫn anh Tuấn làm thủ tục vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để làm kinh tế.

Đơn xin vay vốn của anh Dũng đã được xét duyệt với số tiền là 20 triệu đồng, lãi suất thấp 0,55%/tháng, thời hạn vay là 1 năm. Hàng tháng anh đều trả lãi đầy đủ vào ngày 3 hàng tháng tiền lãi là 110.000 đồng/tháng trả lãi do Hội phụ nữ thu và nộp ngân hàng. Có tiền, anh đã mua máy ép nước mía rồi mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tạo việc làm cho cả hai vợ chồng. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, anh còn làm thêm nghề xe ôm. Công việc ổn định dần, thu nhập ngày một tăng thêm, cuộc sống cũng với bớt khó khăn, tinh thần anh Dũng cũng thoải mái hơn. Từ cảnh ngộ của bản thân mình, anh lại thường xuyên động viên, giải thích và giúp đỡ để những người đã có hoàn cảnh như anh phấn đấu vươn lên ổn định cuộc sống. Điều đáng mừng là những trường hợp ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng như anh Lê Quang Dũng ngày càng nhiều hơn.

Đề xuất kéo dài thí điểm cho vay vốn

Theo kết quả khảo sát nhu cầu vay vốn, tìm việc làm của người yếu thế do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) phối hợp thực hiện trong tháng 7/2013 thì trung bình 85,5% người được hỏi có nhu cầu vay vốn (trong đó người nhiễm HIV/AIDS là 88,5%, người sau cai nghiện là 84,2%, người điều trị methadone 90,9%, người bán dâm 79,4%). Cũng theo kết quả cuộc khảo sát nêu trên, tỷ lệ được vay vốn của người yếu thế còn thấp, chỉ có 17,1%.

Trước thực tế này, Bộ LĐTB&XH đã phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone, người bán dâm hoàn lương để trao thêm cơ hội cho những người yếu thế tiếp cận với nguồn vốn vay để tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. Theo Quyết định, từ năm 2014-2016, chương trình được thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, TP. Từ năm 2017 triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Việc triển khai thực hiện Quyết định bước đầu đã cho thấy những kết quả tích cực. Từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2017, Ngân hàng Chính sách xã hội tại 15 tỉnh, TP đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay với tổng số tiền gần 13 tỷ đồng. Số khách hàng chủ yếu là hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy 246/504 hồ sơ (48,8%), tiếp đến là cá nhân, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 150/504 (29,76%); cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV 84/504 (16,66%). Cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương vay vốn chiếm tỷ lệ thấp nhất 21/504 (4,16%).

Riêng tại Hà Nội, năm 2016 đã có 33 người được vay vốn theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg. Trong đó, đáng chú ý, dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015” đã hỗ trợ được 45 mô hình sinh kế cho 48 chị em từng tham gia hoạt động bán dâm hoàn lương.

Những kết quả bước đầu đã cho thấy chương trình cho vay theo Quyết định số 29 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách rất có ý nghĩa và mang tính nhân văn trong công tác hỗ trợ người yếu thế có việc làm, tạo thu nhập và ổn định cuộc sống sau khi tái hòa nhập cộng đồng. Qua đó làm giảm số người tái phạm, tái nghiện trở lại, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống các hộ gia đình được cải thiện so với nhóm người không được vay vốn.

Hiện Bộ LĐTB&XH đang dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg. Theo đó đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách vay vốn hỗ trợ đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy theo hướng kéo dài thời gian thí điểm đến hết năm 2020. Cụ thể, tại dự thảo, Bộ LĐTB&XH đề xuất năm 2019 - 2020 tiếp tục thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, TP. Từ năm 2021, sẽ triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.

Top