Hiệu quả lớp hậu cắt cơn tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương

17/12/2018 14:09

Ngay sau khi chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ mới (tháng 12/2017), Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương đã bắt tay vào việc tổ chức các “Lớp hậu cắt cơn” cho học viên điều trị, cai nghiện ma túy và bước đầu đem lại kết quả rõ rệt.

Bên trong cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Hải Dương-Ảnh: Tiengchuong.vn

Thực hiện chủ trương của Nhà nước về đổi mới công tác điều trị, cai nghiện ma túy, trong thời gian từ năm 2014 đến 2018, công tác điều trị, cai nghiện ở Cơ sở cai nghiện ma túy Hải Dương đã có chuyển biến tích cực. Theo đó, trước hết là việc làm thay đổi nhận thức, thái độ của cán bộ, nhân viên đối với học viên, coi họ là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý, tạo ra môi trường điều trị, cai nghiện thân thiện để học viên an tâm chữa trị. Từ quan điểm trên, Lãnh đạo, nhân viên, người lao động trong Cơ sở đã tích cực triển khai, tổ chức nhiều hoạt động cụ thể trong việc chăm sóc, giáo dục và điều trị cho học viên đạt hiệu quả. Một trong những hoạt động tiêu biểu, đem lại kết quả rõ nét nhất trong công tác điều trị, cai nghiện là việc tổ chức các “Lớp hậu cắt cơn” cho học viên.

Nếu như trước đây, khi hết giai đoạn cắt cơn, học viên được chuyển thẳng xuống các các Đội (Cơ sở hiện có 03 đội, mỗi đội được chia thành nhiều lớp để quản lý, điều trị) nhưng với cách làm mới, học viên sau cắt cơn, giải độc sẽ được đưa về Lớp hậu cắt cơn. Thời gian mỗi khóa học là 10 ngày. Trong 02 ngày đầu tiên, học viên được các nhân viên, cán bộ lớp hướng dẫn cụ thể về các hoạt động, sinh hoạt cơ bản ở lớp, bước đầu làm quen với chế độ sinh hoạt, môi trường điều trị, cai nghiện ở Cơ sở. Trong 8 ngày tiếp theo, học viên được trang bị kiến thức về nội quy, quy chế; kiến thức về các bệnh truyền nhiễm thường gặp; công việc lao động trị liệu hiện có tại Cơ sở.

Thời gian học ở Lớp hậu cắt cơn, Cơ sở xây dựng chương trình học tập, sinh hoạt, lao động trị liệu đặc biệt, tạo môi trường thuận lợi để học viên phục hồi sức khỏe. Thời gian lao động trị liệu giảm 1/2 so với học viên bình thường và giúp học viên hiểu được ý nghĩa của lao động, mục đích của việc học nghề, làm quen với môi trường sống mới. Cùng với đó, học viên còn được học về kiến thức tự chăm sóc sức khỏe bản thân, tham gia các buổi tập luyện với các bài tập phục hồi, được các bộ y tế thăm khám 1 lần/ngày.

Hình thức truyền đạt cũng rất đa dạng thông qua các bài giảng trên lớp và các buổi thực hành tại khu lao động trị liệu. Sau khi hoàn thành khóa học, các học viên được đưa về các lớp thuộc các Đội tiếp tục điều trị, lao động trị liệu. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, bước đầu hiệu quả của Lớp hậu cắt cơn đã được thể hiện rõ rệt ở các khía cạnh.

Thứ nhất, tạo điều kiện để học viên phục hồi sức khỏe sau giai đoạn cắt cơn, giải độc. Qua quá trình điều trị, chăm sóc cho học viên, chúng tôi nhận thấy, trước đây, khi học viên vừa trải qua giai đoạn cắt cơn, thể trạng chưa phục hồi hoàn toàn. Sau khi chuyển về các lớp, học viên vẫn phải sinh hoạt, lao động theo chế độ chung, do vậy, nhiều học viên sức khỏe còn yếu nên thường không theo kịp với các anh em trong Đội, lớp. Điều này đã dẫn tới tư tưởng mặc cảm của học viên mới khi không theo kịp tập thể, đồng thời gây ra sự bất mãn của học viên cũ đối với học viên mới. Với chế độ sinh hoạt, học tập tại Lớp hậu cắt cơn, học viên sẽ có thêm thời gian để phục hồi sức khỏe sau cắt cơn, từng bước thích ứng với chế độ sinh hoạt, lao động của Cơ Sở.

Thứ hai, thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của học viên: Việc trang bị kiến thức về nội quy, quy chế của Cơ sở, kiến thức về các bệnh truyền nhiễm thường gặp và nghề nghiệp lao động trị liệu dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức, thái độ học tập, lao động trị liệu của học viên. Sau khi tham dự Lớp hậu cắt cơn, tỷ lệ học viên vi phạm nội quy, quy chế giảm so với trước đó. Số lượt học viên vi phạm quy chế trong 3 quý đầu năm 2018 giảm đáng kể (Quý I: 15; Quý II: 11; Quý III: 6). Tỷ lệ học viên đã học qua Lớp hậu cắt cơn vi phạm nội quy chiếm 38% tổng số học viên vi phạm.

Trong thời gian tham dự Lớp hậu cắt cơn, các học viên được thông báo và giảng dạy chi tiết, phân tích cụ thể, rõ ràng về nội quy, quy chế; tác dụng, ý nghĩa cũng như lợi ích của việc thực hiện tốt nội quy, quy chế. Học viên được khuyến khích đặt câu hỏi khi có vấn đề chưa hiểu rõ. Giảng viên có trách nhiệm giải đáp thắc mắc cho đến khi học viên hiểu vấn đề. Đồng thời, thông qua kiểm tra, giám sát để đảm bảo tất cả học viên sau khi học xong đều thuộc và hiểu rõ về nội quy, quy chế của Cơ sở. Khi học viên hiểu rõ sẽ hạn chế vi phạm kỷ luật. Thực tế đã cho thấy, các lớp có số lượng học viên đã học qua Lớp hậu cắt cơn có kết quả học tập rèn luyện, lao động trị liệu cao nhất trên tổng số 9 lớp của Cơ sở.

Thứ ba, phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm, trong số các học viên đang điều trị tại Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương có nhiều trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm như HIV, lao, viêm gan B, C, hắc lào... Sau khi điều trị bệnh ổn định, các học viên này được phân công về các lớp, sống tập thể cùng các học viên khác. Học viên bị bệnh truyền nhiễm thường gặp khó khăn trong quá trình hòa nhập với tập thể. Học viên bị bệnh thường có tâm lý e ngại, cảm thấy tự ti, ngại làm quen, hòa nhập khi tiếp xúc trong tập thể. Phải mất rất nhiều thời gian các học viên bị bệnh truyền nhiễm mới có thể hòa nhập được. Vì vậy, khi được cán bộ y tế truyền đạt kiến thức về các bệnh truyền nhiễm thường gặp, cách phòng, tránh bệnh, học viên vừa có kiến thức để bảo vệ sức khỏe bản thân vừa có cơ hội chia sẻ, cảm thông, gắn kết tình cảm.

Với đặc điểm là môi trường sống tập trung, đông người, mỗi khi giao mùa, trong Cơ sở Cai nghiện ma túy thường xuất hiện các bệnh theo mùa và có nguy cơ lây nhiễm cao. Mặc dù, cán bộ, nhân viên luôn tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống bệnh nhưng việc học viên bị nhiễm bệnh là không thể tránh khỏi. Vì vậy, khi xây dựng chương trình học của Lớp hậu cắt cơn, cán bộ Cơ sở đã đưa nội dung về các bệnh thường gặp theo mùa vào giảng dạy. Học viên được truyền đạt kiến thức về bản chất của bệnh, cách phòng tránh bệnh, chăm sóc sức khỏe khi bị bệnh. Thực tế, so với cùng kỳ năm 2017, ba tháng mùa thu năm nay (tháng 7, 8, 9/2018) số lượt học viên bị bệnh cúm giảm từ 163 lượt xuống còn 145 lượt; học viên bị viêm họng giảm từ 115 lượt xuống còn 87 lượt.

Thứ tư, hỗ trợ định hướng lao động trị liệu. Hiện nay, Cơ sở có các nghề để học viên lựa chọn để lao động trị liệu, như: làm hương, làm nơ, chăn nuôi, trồng trọt... Trước đây, sau giai đoạn cắt cơn, cán bộ phụ trách sẽ dựa theo tình hình sức khỏe để lựa chọn nghề cho học viên lao động. Cách làm này hạn chế ở chỗ, khi học viên tham gia lao động trị liệu mới nhận ra nghề đó không phù hợp với mình, bản thân thích nghề khác hơn. Từ đó, dẫn đến kết quả lao động thấp. Nhiều học viên phải xin đổi nghề, mất nhiều thời gian học chuyển nghề, gây khó khăn cho cả học viên và cán bộ quản lý. Còn bây giờ, sau khi học viên hoàn thành Lớp hậu cắt cơn sẽ được giới thiệu về các nghề lao động trị liệu tại Cơ sở, đồng thời, học viên sẽ có các giờ thực hành, sau đó sẽ lựa chọn công việc mà mình thấy phù hợp nhất để tiến hành lao động trị liệu. Nhờ vậy, hiệu quả lao động trị liệu được nâng lên, số lượng học viên xin đổi nghề giảm mạnh.

Thứ năm, thu thập thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học viên: Trong thời gian 10 ngày ở Lớp hậu cắt cơn, ngoài giờ lên lớp, học viên được cán bộ, nhân viên tổ chức các buổi tham vấn, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm. Tại các buổi sinh hoạt tập thể, các học viên được khuyến khích chia sẻ những khó khăn, nguyện vọng của bản thân, hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân dẫn tới việc sử dụng chất ma túy, sở trường văn nghệ, thể thao… qua đó, giúp học viên có cơ hội tìm hiểu, đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong quá trình điều trị, cai nghiện. Cũng trong thời gian này, qua các buổi tư vấn cá nhân, cán bộ tư vấn sẽ tiến hành tìm hiểu sâu hơn về tình trạng nghiện, số lần điều trị, loại ma túy sử dụng, hoàn cảnh sống, nhu cầu, tình trạng sức khỏe của học viên, từ đó, xây dựng lộ trình điều trị phù hợp cho từng học viên, đảm bảo hiệu quả của công tác cai nghiện.

Kết quả, tính từ tháng 5/2018-10/2018, Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương  đã tổ chức được 26 khóa học với 210 học viên, chiếm 67.3% tổng số học viên đang điều trị. Học viên Nguyễn Văn H. - khóa 10 chia sẻ: “Tôi bị nhiễm HIV trong quá trình sử dụng ma túy. Khi vào Cơ sở cai nghiện, sống chung với mọi người, tôi rất sợ sẽ bị xa lánh, cô lập. Lúc mới vào đây, tôi tự tách mình, không muốn làm thân với ai. Đến khi lên Lớp hậu cắt cơn, tôi được cán bộ giải thích về tình trạng bệnh của mình, cách sống chung với mọi người, được nói lên những băn khoăn, lo lắng của mình khi sống cùng tập thể. Kết thúc khóa học, tôi thấy mình tự tin hơn, việc sống cùng tập thể lớp không còn khó khăn như tôi nghĩ”.

Việc thành lập, tổ chức và duy trì các Lớp hậu cắt cơn là một trong những hoạt động thể hiện quyết tâm của Cơ sở Cai nghiện ma túy Hải Dương trong quá trình đổi mới công tác điều trị, cai nghiện với mục tiêu xây dựng một môi trường cai nghiện thân thiện, hiệu quả, góp phần tích cực vào cuộc chiến phòng, chống ma túy hiện nay.

Top