Hiểm họa khi nhân viên y tế dùng lại bơm kim tiêm

16/08/2018 08:40

Do máu có thể tồn tại trong kim và ống tiêm sau khi sử dụng, việc dùng lại chúng có nguy cơ truyền các bệnh lây qua máu như HIV hay viêm gan cho bệnh nhân kế tiếp.

 

Tháng 6/2018, một y tá ở bệnh viện Cherokee (Mỹ) đã sử dụng lại một ống tiêm khiến 180 bệnh nhân phải đi xét nghiệm HIV và viêm gan B. Theo thông tin từ bệnh viện, y tá này đã không làm đúng quy trình khi sử dụng một ông tiêm cho nhiều túi truyền. Trong số người bị ảnh hưởng, 117 bệnh nhân đã quay lại làm xét nghiệm máu và không ai nhiễm bệnh.

Việc sử dụng lại bơm kim tiêm là một trong những nguyên nhân gây truyền nhiễm bệnh trên thế giới. Theo nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), vẫn có khoảng 12% bác sĩ và 3% y tá dùng lại bơm kim tiêm cho bệnh nhân.

Điều đáng ngạc nhiên là nguy cơ lây nhiễm từ dụng cụ này được biết đến rộng rãi, và nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh vì sai lầm này. Từ năm 2001 đến nay, khoảng hơn 150.000 người ở Mỹ là nạn nhân của việc sử dụng bơm kim tiêm không an toàn, chưa tính đến những ca chưa được phát hiện.

Theo những quy định chặt chẽ trong những năm qua, việc không thực hiện đúng quy trình trong sử dụng bơm kim tiêm vẫn diễn ra. Đây là nguyên nhân dẫn tới ít nhất 49 đợt dịch bệnh ở Mỹ, trong đó có những bệnh nguy hiểm như MRSA và viêm gan B.

Trong một vụ việc khác, vào năm 2012, có đến 8.000 người được liên hệ và khuyên đi xét nghiệm viêm gan và HIV, sau khi một bác sĩ phẫu thuật nha khoa ở Denver, Colorado, Mỹ bị cáo buộc tái sử dụng kim tiêm và ống tiêm cho bệnh nhân.

Cảnh báo từ Sở Y tế và Môi trường Colorado cho biết, bác sĩ Stephen Stein đã thực hiện điều này trong hơn 10 năm ở 2 phòng khám của mình, trong khoảng từ tháng 9/1999 đến tháng 6/2011.

Bác sĩ Stein đã bị điều tra hình sự. Tại hai phòng khám của ông, kim và ống tiêm được tái sử dụng cho nhiều bệnh nhân để tiêm thuốc vào cơ thể, trong đó có thuốc gây mê. Những dụng cụ này được dùng đi dùng lại, đôi khi suốt nhiều ngày liền.

Do máu có thể tồn tại trong kim và ống tiêm sau khi sử dụng, việc dùng lại chúng có nguy cơ truyền các bệnh lây qua máu như HIV hay viêm gan cho bệnh nhân kế tiếp. Sau khi xét nghiệm, 6 bệnh nhân cũ của Stein đã dương tính với viêm gan hoặc HIV. Tuy nhiên, do không có đủ bằng chứng cho thấy họ mắc bệnh từ phòng khám của ông, Stein không bị khởi tố. Sau vụ việc, ông Stein đã bị tước chứng chỉ phẫu thuật nha khoa.

Ngay cả với nỗ lực chấm dứt việc sử dụng lại bơm kim tiêm trong y tế của CDC và Tổ chức Y tế thế giới WHO, đây vẫn là một trong những nguyên nhân đáng kể gây truyền nhiễm bệnh ở Mỹ và các quốc gia trên thế giới.

Theo thống kê của WHO, việc dùng lại bơm kim tiêm đã gây ra hàng triệu ca nhiễm viêm gan B và C, cũng như hơn 200.000 ca nhiễm HIV mới trên thế giới. Trong đó, những khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất của sai phạm này là các quốc gia ở châu Phi, Đông Địa Trung Hải, châu Âu và Đông Nam Á.

Ở Mỹ, nhiều vụ việc y tá hoặc bác sĩ tái sử dụng kim tiêm cũng đã được phát hiện. Năm 2015, một y tá ở New Jersey đã dùng lại ống tiêm để tiêm ngừa cúm. Sai phạm này khiến 70 bệnh nhân phải xét nghiệm HIV và viêm gan. Sau đợt đầu, họ phải xét nghiệm lần thứ 2 cách đó 4-6 tháng để xác định xem có bị nhiễm bệnh hay không.

Đầu năm 2018, một y tá ở phòng khám da liễu tại St. Paul, Minnesota, đã dùng lại kim tiêm, khiến 161 người phải đi thử máu. Các y tá này đã không theo đúng quy định của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trong đó yêu cầu không tái sử dụng kim và ống tiêm. Khi việc này xảy ra, bệnh nhân cần được thông báo và xét nghiệm.

Trong vụ việc ở bệnh viện ung bướu tại Freemont, Nebraska, 99 bệnh nhân đã mắc viêm gan do đơn vị này tái sử dụng bơm kim tiêm. Trong đó, 6 bệnh nhân đã tử vong, không phải do ung thư, mà là do viêm gan.

Nhiều người cho rằng việc thay ống tiêm là lãng phí và tốn thời gian khi tiêm cùng một loại thuốc cho một bệnh nhân. Tuy nhiên, vi khuẩn và virus từ môi trường hay người thực hiện quy trình tiêm có thể xâm nhập vào ống tiêm. Với những người có hệ miễn dịch yếu như bệnh nhân ung thư, chỉ một lượng nhỏ virus cũng có thể khiến họ nhiễm bệnh.

Ngoài ống và kim tiêm, bệnh nhân còn có thể lây nhiễm bệnh khi nhân viên y tế dùng cùng một ống thuốc cho nhiều người. Chẳng hạn như, một y tá cần lấy 1 cc trong ống thuốc 30 cc, họ cho rằng việc vứt đi 29 cc còn lại là lãng phí. Tuy nhiên, các ống thuốc dùng một lần sẽ không có chất chống vi khuẩn và dễ bị nhiễm khuẩn. Ở Delaware năm 2012, 7 người đã nhiễm dòng virus MRSA siêu kháng thuốc do tiêm cùng một ống. Không lâu sau, ở một phòng khám tại Arizona, 4 người cũng nhiễm MRSA theo cách tương tự, trong đó một người tử vong.

Trong khi hầu hết bang của Mỹ cấm việc tái sử dụng các dụng cụ y tế dùng một lần, bang Michigan còn mạnh tay hơn. Ở Michigan, đây là “tội hình sự, với mức án tối đa 10 năm tù, phạt tiền tối đa 50.000 USD hoặc cả hai”.

Tuy nhiên, dù quy định có nghiêm ngặt đến mức nào, chính quyền cũng không thể kiểm soát được mọi hoạt động của các bệnh viện, phòng khám. Do đó, bệnh nhân được khuyến cáo nên chú ý và yêu cầu nhân viên y tế dùng toàn bộ bơm kim tiêm mới trong mỗi lần tiêm hay truyền dịch để hạn chế nguy cơ lây nhiễm căn bệnh thế kỷ.
Top