Hệ quả đau lòng khi "cơn bão ma túy” quét qua miền sơn cước

24/10/2018 08:18

Xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu là vùng núi cao thuộc miền Tây Nghệ An. Quanh năm người dân sinh sống bằng nương rẫy, thế nhưng “cơn bão ma túy” tràn đến đã kéo theo các tệ nạn xã hội, dẫn đến hàng trăm người nhiễm HIV/AIDS.

Ma túy có nguy cơ trỗi dậy

Khi được hỏi về “cơn bão ma túy” thì ông Lương Văn Thuận, Trưởng Công an xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An lắc đầu. Bởi chẳng biết chính thức thời gian “bão ma túy” đổ bộ, cũng chẳng hay người nhiễm HIV đầu tiên là ai. Cứ như vậy ma túy âm thầm đến gõ cửa từng nhà gieo rắc nỗi kinh hoàng, khiến cho bao gia đình bại sản, tan vỡ.

Vùng Kẻ Nính vẫn bị bao vây bởi kim tiêm

Theo ông Thuận, ma túy xuất hiện từ rất lâu rồi, thế nhưng để thực sự bùng phát thì có lẽ từ việc hàng nghìn người tứ xứ đổ về huyện Quỳ Châu để đào đá đỏ năm 1991, dẫn đến các tệ nạn bắt đầu tràn ngập kéo theo cơn lốc ma túy. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ người dân vào rừng khai thác gỗ lậu, trong nơi hẻo lánh đã bị bạn bè rủ dùng thử ma túy dẫn đến việc nghiện khi nào không hay.

“Địa phương nằm ngay trên Quốc lộ 48, là tuyến đường các đối tượng thường xuyên vận chuyển ma túy từ Lào về Việt Nam. Nhu cầu lớn dẫn đến tình hình mua bán cũng tăng, từ đó "cơn lốc ma túy" càn quét không chỉ xã Châu Hạnh, mà cả huyện Quỳ Châu”, ông Thuận cho hay.

Trước đây gọi là vùng Kẻ Nính, nhưng nay đã được tách thành 4 bản, gồm: Kẻ Nính, Đình Tiến, Pà Cồ và Pà Cọ. Hiện, riêng bản Kẻ Nính có 92 hộ gia đình với hơn 500 nhân khẩu chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái. Đời sống của bà con nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thu hái lâm sản phụ.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng công an Châu Hạnh tình nguyện dẫn chúng tôi vào vùng Kẻ Nính để thực tế, đây chính là nơi tâm “bão ma túy” càn quét năm nào. Dừng lại ở một mảnh đồi ven đường ngay trước bản Kẻ Nính, ông Tuấn dẫn chúng tôi đi vào sâu khoảng vài mét, rồi quay lại nhắc nhở cẩn thận giẫm phải kim tiêm.

Tình trạng sử dụng ma túy vẫn còn nóng

Tại hiện trường hàng loạt bơm kim tiêm vứt bừa bãi ở các gốc cây, bụi cỏ. Còn có các tấm thiếc, bình nước, tàn thuốc lá cũng tràn lan. Cạnh đó các ống thuốc đã qua sử dụng cũng khá nhiều. Thậm chí có thân cây được con nghiện cắm kim tiêm chi chít.

Sống chung với HIV

“Cơn bão ma túy” đã khiến rất nhiều người trong bản Kẻ Nính nghiện ngập, nhưng hậu quả bi thương nhất chính là việc dính vào căn bệnh thế kỷ HIV. Kiến thức về HIV không có, nên trong thời gian ngắn đã lan khắp toàn bản. Cho đến nay căn bệnh này đã bước sang thế hệ thứ 3, nhưng vẫn khiến hàng trăm người phải chịu giày vò.

Gia đình chị H., cả vợ và chồng đều nhiễm HIV

Tìm đến nhà chị Mạc Thị H. (SN 1984), trú xã Quỳ Châu khi người phụ nữ này đang mang thai người con thứ 3. Khi biết về mục đích của những vị khách lạ, chị H. khá ngại ngùng, nhưng vẫn thừa nhận cả mình và chồng đang mang căn bệnh thế kỷ HIV.

“Anh ấy nghiện ma túy nên nhiễm HIV, còn tôi thì bị lây từ người chồng cũ. Khi cầm tờ giấy kết luận dương tính HIV, tôi vô cùng đau khổ, nhiều lần muốn buông xuôi nhưng do con còn quá nhỏ, thiếu vắng bố mẹ, chúng biết bấu víu ai mà sống. May mắn là giờ đây vợ chồng tôi đều sử dụng thuốc đều đặn nên vẫn còn mạnh khỏe để chăm sóc con”, chị H. chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Thám (SN 1961) vốn là công an viên gần 20 năm, luôn tích cực đấu tranh phòng chống ma túy. Tuy nhiên ông không thể ngờ được người con gái thứ 3 của mình sau khi lấy chồng cũng lập tức bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này.

“Trước kia, chồng con gái tôi cũng đi rừng làm gỗ. Sau đó bị bạn bè rủ rê nên sử dụng ma túy. Ở trong rừng sâu, hàng chục người sử dụng kim tiêm dẫn đến việc bị nhiễm HIV, khi về thì lây cho vợ. Đến khi thấy cơ thể mệt mỏi, người chồng đi khám mới biết mình bị nhiễm, con gái tôi biết tin cũng thử đi xét nghiệm, không ngờ…”, ông Thám thở dài.

Những đứa trẻ ở vùng Kẻ Nính, trong đó không ít em lây bệnh từ bố mẹ

Thế nhưng, bằng nghị lực của người làm cha, kinh nghiệm của một vị cán bộ xã mẫn cán, ông vẫn động viên 2 con an tâm sử dụng thuốc, giữ gìn sức khỏe để chăm người cháu nhỏ.

“Ma túy đã gần như hủy hoại toàn bộ vùng Kẻ Nính, khiến nhiều gia đình tan nát. Điều đau lòng là việc chồng lây cho vợ, mẹ lây cho con đã khiến những thế hệ cháu chắt sau này cũng bị nhiễm. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải tập sống chung với HIV”, ông Thám nói.

Người dân ở đây chưa thực sự hiểu nhiều về căn bệnh thế kỷ này, bởi vậy sự kỳ thị vẫn khá nặng nề. Trong khi đó, những người mang bệnh cũng có tâm lý tự ti, không dám tiếp xúc hay trò chuyện với ai, thậm chí nhiều người không dám đến cơ sở y tế khám và nhận thuốc về uống.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an Châu Hạnh cho biết: “May mắn cách đây 3 năm, những người nhiễm HIV được sử dụng thuốc ARV đồng thời được hưởng 100% bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng nhất chính là những cháu bé nhiễm HIV từ bố mẹ, không biết tương lai như thế nào nữa”.

Bà Lê Thị Nga, Trưởng trạm Y tế xã Châu Hạnh cho biết: “Tính đến thời điểm đầu tháng 10/2018, toàn xã có 126 người nhiễm HIV. Riêng tại vùng Kẻ Nính có 80 người đang uống thuốc điều trị ARV (thuốc điều trị dùng cho những người bị HIV, có tác dụng làm giảm sự phát triển của virus HIV và làm chậm giai đoạn HIV sang AIDS)”.

Top