Hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp K=K

22/10/2019 17:53

Không phát hiện = Không lây truyền (K=K). Đây chính là thông điệp làm thay đổi quan niệm, nhiễm HIV không còn là bệnh “vô phương cứu chữa” mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Thùy Chi

Chiều 22/10, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai, cùng sự hỗ trợ của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (CDC) tổ chức sự kiện khởi động Chiến dịch quốc gia “Không phát hiện = Không lây truyền”.

Sự kiện thu hút sự tham gia của gần 300 đại biểu đến từ các Bộ, Ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các cơ sở y tế, các tổ chức cộng đồng, sinh viên các trường Y tại Hà Nội...

Kiểm soát dịch HIV với K=K

Phát biểu tại sự kiện, PSG.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Mục tiêu của chiến dịch là nâng cao nhận thức của cộng đồng, bao gồm cả người cung cấp dịch vụ về nội dung và ý nghĩa của K=K. Chúng ta có thể đạt được mục tiêu 90-90-95 (90% tổng số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% số người biết được tình trạng nhiễm của bản thân được điều trị kháng HIV; 95% số người được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, giảm nguy cơ lây truyền…) và kiểm soát được dịch với K=K”.

Bên cạnh đó, việc tăng cường các hoạt động truyền thông, tư vấn về thông điệp K=K giúp: Người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ; đặc biệt là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Đánh giá cao hoạt động này, bà Caryn R.McClelland, Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong các hoạt động K=K do đã sớm đưa các phát hiện này vào các chính sách và chương trình quốc gia. Việt Nam được đánh giá là có tỷ lệ ức chế virus HIV thuộc hàng cao nhất thế giới. Chúng ta nên khuyến khích tất cả những người có nguy cơ đi xét nghiệm HIV với mục đích điều trị sớm bằng thuốc kháng virus cho những người HIV, và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm hay còn gọi là PrEP với mục đích dự phòng cho những người âm tính với HIV. Bằng cách này, chúng ta có thể ngăn chặn sự lây truyền HIV”.

TS. John Blandford, Giám đốc CDC tại Việt Nam một lần nữa nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao sự chỉ đạo và cam kết của Chính phủ Việt Nam. Nhờ có sự hợp tác giữa hai chính phủ, tôi tin chắc rằng thông điệp K=K sẽ giúp thay đổi cuộc sống của những người sống chung với HIV và rộng hơn nữa là cả cộng đồng. Tất cả chúng ta đều có thể sống và yêu như bất kỳ ai khác”.

Các nghiên cứu khoa học gần đây đưa ra bằng chứng: “Một người uống thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc, đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, không có nguy cơ lây truyền HIV qua đường tình dục cho bạn tình âm tính”. Tải lượng virus dưới 200 bản sao/ml máu  được xác định là ngưỡng không phát hiện. Bằng chứng khoa học này  được gọi là “Không phát hiện = Không lây truyền”. Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV; người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ; Bằng chứng khoa học trên cũng giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.  

Trên thế giới đã có sự đồng thuận rất lớn và rộng rãi về thông điệp K=K. Tính đến ngày 30/07/2019, đã có 895 tổ chức từ 98 quốc gia trên thế giới chia sẻ thông điệp K=K và thông điệp này đã được dịch sang hơn 25 ngôn ngữ, bao gồm U=U theo tiếng Anh; K = K theo tiếng Việt, N = N theo tiếng Hà Lan; B = B theo tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và I = I theo tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý và tiếng Bồ Đào Nha.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Thùy Chi

Lồng ghép thông điệp K=K vào điều trị ARV

Tại Việt Nam, thông điệp K=K đã được Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế xem xét các bằng chứng khoa học và đồng ý với các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, CDC Hoa Kỳ và UNAIDS cũng như sự đồng thuận rộng rãi và ngày càng tăng trên toàn cầu về K=K. Cụ thể là, khi điều trị ARV liên tục để đạt được và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được, định nghĩa là dưới 200 bản sao/ml máu, sẽ không làm lây truyền HIV qua đường tình dục.

Ngày 6/9/2019, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã ban hành Công văn số 765/AIDS-DP hướng dẫn thực hiện truyền thông về K=K trên toàn quốc.

Hiện nay, cả nước có gần 140.000 bệnh nhân đang điều trị ARV và có thể sử dụng K=K mở rộng độ bao phủ điều trị. Chiến dịch quốc gia K=K tập trung ở Trung ương và 11 tỉnh/thành phố PEPFAR với các tài liệu truyền thông, sự kiện cộng đồng, các hoạt động truyền thông xã hội từ đó lồng ghép thông điệp K=K vào điều trị ARV là dự phòng trong chiến lược phòng, chống HIV/AIDS. Các tỉnh, thành phố khác sẽ lồng ghép thông điệp K=K trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIVAIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2019.

Ông Đoàn Thanh Tùng, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Hải Đăng cho biết: “Chúng tôi đã sử dụng thông điệp K=K để tư vấn và hỗ trợ cho rất nhiều người sống chung với HIV được tiếp cận với điều trị sớm. Với K=K chúng ta có thể tin tưởng việc đạt được mục tiêu 90-90-95 vào năm 2020”.

Chị Nguyễn Thị Thủy, điều phối tổ chức Nơi Bình Yên nói về tác động của thông điệp K=K đối với cộng đồng: “K=K là thông điệp quan trọng và ý nghĩa cho cộng đồng để họ tự tin hơn trong việc sử dụng các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV. Hãy cùng nhau lan tỏa thông điệp K=K rộng rãi hơn nữa”.

Chiến dịch quốc gia K=K diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2019. Trong thời gian này diễn ra nhiều hoạt động, nhằm tăng cường nhận thức về K=K trong cộng đồng những người sống chung với HIV, các nhóm nguy cơ cao bị ảnh hưởng hoặc có nguy cơ nhiễm HIV cùng các tổ chức cộng đồng, cán bộ y tế và toàn xã hội.

Chiến dịch truyền thông K=K nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung và người nhiễm HIV, người cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS về nội dung và ý nghĩa của thông điệp: Không phát hiện = Không lây truyền. Từ đó làm thay đổi về quan niệm nhiễm HIV không còn là bệnh “vô phương cứu chữa” mà là một bệnh truyền nhiễm mãn tính có thể dự phòng và điều trị được.

Thuỳ Chi

Top