Hạn chế tình trạng học viên bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện: Đâu là giải pháp?

14/08/2018 14:16

Hai năm gần đây, đã xảy ra một số đợt học viên tại các cơ sở cai nghiện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai bỏ trốn tập thể, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở cai nghiện ma túy và các khu vực dân cư lân cận. Mới đây nhất, hàng trăm học viên cai nghiện tại một cơ sở cai nghiện của tỉnh Tiền Giang cũng có hành vi tương tự. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này?

Sau những vụ việc xảy ra, có thể thấy được nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng học viên cai nghiện bỏ trốn tại cơ sở.

Trước hết là về mặt đầu tư cơ sở vật chất. Nơi tạm tiếp nhận đối tượng xã hội không nơi cư trú ổn định phải đảm bảo điều kiện tối thiểu nơi ăn ở, vệ sinh, không khí thoáng mát. Tuy nhiên hiện nay do đối tượng đưa từ cộng đồng vào các trung tâm cai nghiện quá đông, cơ sở vật chất không đáp ứng được khiến nhiều đối tượng phát sinh bức xúc.

Bên cạnh đó, số học viên từng sử dụng ma túy đá, ma túy tổng hợp tăng lên nhanh chóng. Hiện nay tại các tỉnh phía Nam, có trung tâm tổng hợp được 80% -82% những người nghiện đưa vào do sử dụng ma túy đá. Ma túy này gây ảo giác, tổn thương về mặt tinh thần, lúc nào cũng bị hoang tưởng, dễ bị kích động.

Sau khi có Luật Xử lý vi phạm hành chính và các nghị định liên quan, việc xem xét lập hồ sơ đưa người nghiện về cai nghiện ở xã phường hay ở trung tâm bắt buộc (với người không có nơi cư trú) vẫn cần mô hình một cơ sở lưu giữ tạm thời.

Tuy nhiên, không có cơ sở hay tổ chức nào đủ điều kiện để lưu giữ người nghiện trong lúc chờ lập hồ sơ. Do vậy, Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh bố trí cơ sở xã hội và tổ chức tiếp nhận họ trong khi chờ làm hồ sơ. Nhưng hầu hết các địa phương sử dụng một phần cơ sở cai nghiện bắt buộc là cơ sở tiếp nhận xã hội. Giai đoạn tạm thời này nhằm giúp họ giúp cắt cơn nghiện và giải độc. Vì thiếu tuyên truyền, những người nghiện mới được đưa vào đã nghĩ đây là bị đưa vào trung tâm bắt buộc ngay. Do đó, tâm lý của họ có phần bất hợp tác.

Quan tâm hơn đến học viên cai nghiện

Một trong những giải pháp để học viên yên tâm khi điều trị là việc tuyên truyền để họ hiểu là vào cơ sở để được giúp đỡ, chứ không phải là bị quản thúc và giam hãm. Nếu không, học viên sẽ nung nấu tư tưởng không hợp tác. Cơ sở mà sơ hở thì nguy cơ xuất hiện tình trạng gây rối.

Học viên tham gia các hoạt động vui chơi giải trí tại một cơ sở cai nghiện. Ảnh Nhật Thy

Để làm được điều này, các cơ sở phải tư vấn và làm việc được với từng trường hợp, hiểu được từng hoàn cảnh của học viên để phân loại. Bên cạnh đó, phải tổ chức tốt các dịch vụ hỗ trợ trong cơ sở. Cán bộ trong cơ sở phải thân thiện, gần gũi và trợ giúp người nghiện, chứ không đơn thuần là quản lý, trông coi họ.

Một trong số những địa phương làm tốt việc này là TPHCM . Mặc dù có đông người sử dụng ma túy nhưng tại Thành phố chưa có trường hợp học viên cai nghiện bỏ trốn mang tính tập thể. Để có kết quả đó thì cơ sở cai nghiện được đầu tư bài bản, căn cơ. Có đội ngũ giáo viên hiểu biết và tâm huyết, hiểu biết nhu cầu và cả phương pháp để tư vấn cho học viên. Các cơ sở cai nghiện luôn chú trọng đến giáo dục thể chất sẽ giúp các học viên giảm bớt ức chế.

Chính quyền, đoàn thể, các đơn vị, tổ chức TPHCM đã thường xuyên tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các học viên tại cơ sở cai nghiện, đồng thời tiến hành vận động, tuyên truyền người nghiện và gia đình đưa con em đến cai nghiện tập trung và tổ chức việc hướng nghiệp, dạy nghề, tư vấn.

Các cơ sở đã làm tốt công tác chăm sóc, quản lý học viên, từ các hoạt động dạy văn hóa, dạy nghề đến hoạt động văn thể mỹ đều được thực hiện chu đáo, đầy đủ. Nhiều trường, trung tâm còn tổ chức các em lao động trị liệu, tăng gia sản xuất có thực phẩm sạch bổ sung, cải thiện chất lượng bữa ăn và đời sống của học viên. Các trường, trung tâm thường tổ chức lấy phiếu dân chủ, đồng thời, cán bộ trực tiếp tiếp xúc, gần gũi, chia sẻ với học viên, qua đó giải quyết ngay vấn đề bức xúc, vướng mắc nếu có. Có thể nói, cách quản lý và làm việc đúng quy trình, công tâm, minh bạch và có tình thương yêu của cán bộ, công nhân viên các cơ sở đã được học viên thấu hiểu. Từ đó, các cơ sở nhận lại được tình cảm của học viên, bằng cách tuân thủ nội quy, hăng say lao động, học tập, rèn luyện. Đó là kết quả rất tốt mà các cơ sở cai nghiện của TPHCM đạt được.

Tại Sơn La, khi tiếp nhận người bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, các cơ sở điều trị nghiện ma túy đã thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra hồ sơ, đồng thời kiểm tra đối chiếu các tài liệu liên quan để xác định người nghiện ma túy được bàn giao vào cơ sở điều trị nghiện, sau khi kiểm tra nếu khi hồ sơ đảm bảo tính pháp lý và xác định đúng người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì Cơ sở điều trị nghiện ma túy mới tiến hành lập biên bản giao nhận theo quy định. Trong quá trình nhận bàn giao, đã tiến hành kiểm tra đồ dùng cá nhân nhằm loại bỏ các chất ma túy.

Học viên sau khi tiếp nhận vào Cơ sở đã được sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện để xây dựng và thực hiện kế hoạch cai nghiện phù hợp và cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội tại phòng Y tế phục hồi sức khỏe của Cơ sở, các y, bác sỹ trực 24/24 giờ để điều trị cho học viên theo đúng phác đồ, phục hồi sức khỏe và tâm lý. Học viên được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, định kỳ 06 tháng được khám, kiểm tra sức khỏe tổng quát. Sau khi cắt cơn, giải độc và ổn định sức khỏe học viên được chuyển về các khu quản lý học viên để rèn luyện thể chất, học tập.

Trên cơ sở phân loại từ giai đoạn tiếp nhận và kết quả việc tổ chức rà soát, phân loại thường xuyên số học viên đang cai nghiện tại cơ sở đã bố trí nơi ở, ăn cho học viên một các phù hợp, nhằm tránh tình trạng học viên gây rối kich động, lôi kéo học viên khác làm mất ổn định tại cơ sở. Học viên cai nghiện tại cơ sở được bố trí sinh hoạt theo buồng, bước đầu học viên được sinh hoạt tại buồng hội chứng để tham gia rèn luyện, học tập, lên lớp về nội quy, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước từ 1-3 tháng; được tư vấn, được tham gia sinh hoạt nhóm nhằm giúp họ thay đổi hành vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện và kỹ năng phòng chống tái nghiện, sau đó học viên được phân chia về các buồng tham gia các hoạt động lao động trị liệu của Cơ sở giúp rèn luyện sức khỏe và phục hồi hành vi nhân cách, ổn định tinh thần. Việc tổ chức quản lý học viên, từ bố trí chỗ ở, sinh hoạt, lao động sản xuất trị liệu, tham gia các sinh hoạt Văn hóa - Văn nghệ -Thể dục Thể thao, đến việc sinh hoạt, bình xét xếp loại học viên đều được thực hiện theo đúng quy định, bảo đảm tính chặt chẽ và công khai.

Các cơ sở điều trị ngiện ma túy thường xuyên xây dựng kế hoạch quản lý chặt chẽ, nắm bắt diễn biến tư tưởng của học viên đảm bảo không để xảy ra bạo động, bạo loạn, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp học viên bỏ trốn tại Cơ sở. Không để học viên đánh nhau và trốn chạy tập thể, không để tử vong, tai nạn lao động, tai biến chuyên môn; đảm bảo không để xảy ra trường hợp thẩm lậu các chất kích thích, chất ma túy, vật gây sát thương hay tiền bạc cho học viên, đảm bảo an toàn trật tự trong toàn Cơ sở. Hàng năm các cơ sở điều trị nghiện ma túy đề có kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an trong việc bảo đảm an ninh trật tự trong và ngoài khu vực Cơ sở. Đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ bảo vệ choviên chức, người lao động trong Cơ sở để nâng cao kỹ năng chuyên môn. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm 2/9 và các giai đoạn cao điểm về số lượng học viên, khi có biến động về an ninh luôn 1 tiểu đội cơ động trực tăng cường 24/24h tại đơn vị.

Ngoài việc triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý học viên, các cơ sở điều trị nghiện ma túy đã duy trì và thường xuyên thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tư vấn giúp cho học viên nắm được tác hại, hậu quả của việc nghiện ma túy, có nhận thức đúng về cai nghiện ma túy; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng học viên để có biện pháp giúp đỡ phù hợp và kịp thời. Giảm việc áp đặt quản lý học viên theo mệnh lệnh hành chính, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích học viên tự giác hợp tác trong quá trình cai nghiện, cũng như chấp hành nghiêm nội quy của cơ sở điều trị nghiện ma túy.

Do thực hiện tốt công tác phân loại, quản lý chặt chẽ học viên theo quy định và tạo được môi trường gần gũi, thân thiện nên trong thời gian qua số học viên vào cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở điều trị nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La cơ bản chấp hành tốt nội quy của Cơ sở, đồng thời có tính hợp tác trong thực hiện cai nghiện; số học viên bỏ tốn khỏi các các cơ sở điều trị nghiện ma túy rất ít; không có trường hợp nào bỏ trốn đông người; không xảy ra tình trạng học viên đánh chửi nhau, quậy phá trong cơ sở hoặc kích động, lôi kéo học viên khác gây mất ổn định tình hình của các cơ sở điều trị nghiện ma túy.

 

Top