Hà Nội: Từng bước cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS toàn diện

04/08/2020 17:11

Nhìn lại việc thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TƯ ngày 30-11-2005 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới” này sau 15 năm ở Hà Nội, nhiều kết quả quan trọng đã đạt được. Tuy nhiên kết quả nổi bật sau 15 năm thực hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội là đã từng bước cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS toàn diện và giảm giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Phòng, chống HIV/AIDS: Nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài

Nhằm hạn chế nguy cơ lây lan bệnh tật trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã thực hiện Chỉ thị số 54-CT/TƯ với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Các Quận, huyện cũng xác định rõ công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đồng thời lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

 Điều trị Methadone giúp giảm lây nhiễm HIV trong nhóm tiêm chích ma túy. Ảnh: Thùy Chi

Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền về tác động của HIV, nguy cơ, cách thức phòng, chống được triển khai thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, chương trình can thiệp, giảm tác hại đối với người nhiễm HIV được các đơn vị, địa phương triển khai bài bản, phù hợp với từng đối tượng.

Theo thống kê, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia can thiệp giảm tác hại tại cộng đồng; can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người có nguy cơ cao. Người nhiễm HIV/AIDS trong diện quản lý được tiếp xúc với các dịch vụ y tế, điều trị, tư vấn đạt 85%. Số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) tăng dần hằng năm, đến năm 2019 đã vượt kế hoạch đề ra.

Đáng ghi nhận, 100% trẻ em nhiễm HIV, 100% bệnh nhân lao nhiễm HIV được điều trị ARV; 100% phòng khám ngoại trú trên địa bàn thành phố duy trì đủ thuốc kháng HIV và thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV/AIDS đến khám, điều trị…

Việc điều trị dự phòng để phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được thực hiện đối với 100% thai phụ có kết quả xét nghiệm HIV dương tính trước, trong và sau khi chuyển dạ; 80% phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ có kiến thức về phòng lây truyền HIV…

Công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được quan tâm và đẩy mạnh, do vậy đa số người dân đều có nhận thức, hiểu biết đúng về HIV/AIDS, từ đó có thái độ ứng xử phù hợp đối với người bệnh; đồng thời biết cách bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình, cộng đồng.

Chị N.T.L (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, nhờ được tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, chị và bạn tình của chị đã có những biện pháp an toàn phòng chống HIV, sống lành mạnh.

Anh N.V.T (Hà Nội) là một đồng đẳng viên hoạt động trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS cho hay, từ việc được tham gia khóa học nâng cao kiến thức trong phòng, chống HIV, anh đã giúp cho nhiều người nguy cơ cao tránh được căn bệnh thế kỷ này.

Lồng ghép các chương trình để đạt mục tiêu trong phòng chống HIV

Theo số liệu thống kê của ngành Y tế thành phố Hà Nội, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố đã phát hiện hơn 29.000 trường hợp nhiễm HIV, cư trú ở 30 quận, huyện, thị xã, trong đó hơn 21.000 người đã chuyển thành bệnh nhân AIDS, số bệnh nhân đã tử vong là hơn 6.000 người. Mặc dù Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác này, tuy nhiên tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp.

Đáng lo ngại, hiện đa số người nhiễm HIV/AIDS ở độ tuổi còn trẻ với 87,21% số người nhiễm trong độ tuổi từ 20 đến 39 tuổi, làm suy giảm lượng lao động xã hội, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản. Nguyên nhân nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là do nghiện ma túy, quan hệ tình dục không an toàn.

Để khống chế tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng, giảm thiểu tác hại của bệnh dịch này đối với xã hội, thời gian tới các cấp ủy, chính quyền tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng; lồng ghép mục tiêu, chỉ tiêu về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể chủ động lập kế hoạch, bố trí kinh phí, lồng ghép triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với chương trình giảm nghèo, giới thiệu việc làm, tạo sinh kế cho người nhiễm HIV hòa nhập cộng đồng. Thành ủy Hà Nội khuyến khích các đơn vị, địa phuơng huy động cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, tạo cơ chế thuận lợi cho các tổ chức xã hội cùng tham gia; quan tâm cung cấp dịch vụ an sinh xã hội cho người nhiễm HIV, người thuộc nhóm có hành vi nguy cơ cao.

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đảm thực hiện mục tiêu khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư hướng đến mục tiêu 90-90-90.

Đẩy mạnh và mở rộng các hoạt động chuyên môn, đặc biệt là dự phòng, can thiệp giảm tác hại, truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Phối hợp liên ngành trong tổ chức triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone theo đúng quy định hiện hành và đảm bảo an ninh trật tự trên địa; duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone bảo đảm 100% kinh phí xét nghiệm cơ bản, khám và theo dõi điều trị cho bệnh nhân thuộc đối tượng chính sách; mở rộng nâng cao chất lượng công tác điều trị HIV/AIDS...
Top