Hà Nội: Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS để đạt mục tiêu 90-90-90

21/05/2019 16:00

PGS.TS.Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đề nghị Hà Nội mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị, gắn tìm ca với điều trị HIV/AIDS, mở rộng độ bao phủ xét nghiệm tải lượng virus.

 Điều trị Methadone cho người nghiện ma túy để giảm thiểu lây nhiễm HIV - Ảnh: Thùy Chi

Bên cạnh đó, mở rộng cấp thuốc 3 tháng 1 lần để giảm bớt thời gian đi lại của bệnh nhân; mở rộng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV như chương trình bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); chương trình Methadone và tăng cường truyền thông K=K, PrEP cũng như Bảo hiểm y tế.

Ngày 20/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS thực hiện mục tiêu 90-90-90.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, TS. Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Hà Nội chỉ còn hơn một năm để hoàn thành các mục tiêu 90-90-90, nhưng hiện nay ước tính Hà Nội phát hiện 24.418 người nhiễm HIV, trong khi mới chỉ có 16.287 người nhiễm HIV được phát hiện, như vậy mới chỉ đạt được khoảng 66,7% ở mục tiêu thứ nhất.

Mục tiêu 90% thứ 2 tức là 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được tham gia điều trị ARV thì Hà Nội mới chỉ đạt được khoảng 60%. Còn khoảng cách rất lớn so với mục tiêu đã đề ra mặc dù các mục tiêu 90-90-90 đã được Hà Nội triển khai từ nhiều năm nay.

TS. Nguyễn Khắc Hiền đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các giải pháp để có thể giúp Hà Nội được các mục tiêu này. Đồng thời, đề nghị các chuyên gia, các nhà tài trợ không chỉ hỗ trợ cho 10 quận huyện mà hỗ trợ cho tất cả 25 quận huyện của Hà Nội.

TS. John Blandford, Giám đốc CDC tại Việt Nam cũng cho rằng, trừ mục tiêu 3 trong 3 mục tiêu 90-90-90 mà Hà Nội đã đạt được, hai chỉ tiêu 90 đầu tiên của Hà Nội còn thấp trong khi thời gian để đạt được mục tiêu không còn nhiều. Do vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh các giải pháp có tính tổng thể để đạt được các mục tiêu 90-90-90. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu 90 đầu tiên song song với tiếp cận tìm để chuyển gửi xét nghiệm thì việc tăng cường truyền thông quảng bá và cung cấp các dịch vụ về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) là quan trọng, vì đây cũng là nguồn để phát hiện ra người nhiễm HIV cho mục tiêu 90 đầu tiên. Tương tự việc tăng cường phổ biến thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K) để giúp người nhiễm HIV chưa tham gia điều trị sẽ tham gia vào điều trị sớm.

TS. Todd Pollack, Giám đốc HAIVN tại Việt Nam cũng chia sẻ kinh nghiệm Thái Lan đã thực hiện để đạt được mục tiêu 90 đầu tiên, trong đó có vai trò rất lớn của các tổ chức cộng đồng trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Hà Nội hiện cũng đã có nhiều các tổ chức cộng đồng đang thực hiện cung cấp dịch vụ, tuy nhiên cần mở rộng hơn nữa các mô hình cung cấp dịch vụ như tiếp cận và tư vấn xét nghiệm HIV do các nhóm cộng đồng thực hiện. Hà Nội cũng nên thành lập nhóm nâng cao chất lượng dịch vụ để ngoài việc cung cấp dịch vụ, nhóm này cũng có thể cung cấp thông tin phản hồi để các cơ sở y tế kịp thời nâng cao chất lượng dịch vụ thân thiện.

PGS.TS.Nguyễn Hoàng Long, khẳng định, Hà Nội là địa phương đứng thứ 2 trên cả nước cả về quy mô, số người nhiễm HIV, nên kết quả phòng, chống HIV/AIDS của Hà Nội có ý nghĩa rất lớn với công tác phòng, chống HIV/AIDS không chỉ của Hà Nội mà của cả nước.

Trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai rất nhiều hoạt động từ sự chỉ đạo của thành phố, của ngành; Hà Nội cũng triển khai rất tốt các hoạt động từ truyền thông, tìm ca, can thiệp giảm hại, điều trị ARV. Dịch HIV/AIDS theo báo cáo những năm gần đây đã giảm cả 3 tiêu chí đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV; giảm số người chuyển sang AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Tuy vậy dịch HIV/AIDS giảm vẫn chưa bền vững.

Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, Việt Nam muốn kết thúc dịch thì mỗi năm chỉ phát hiện khoảng 1.000 trường hợp nhưng chúng ta hiện nay vẫn phát hiện mỗi năm khoảng 10.000 trường hợp. Nhiễm HIV đặc biệt đáng quan tâm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) vì theo các báo cáo nghiên cứu có tới 30% MSM là nhiễm HIV mới trong 6 tháng gần đây.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long đề nghị Hà Nội cần tiếp tục quan tâm trong công tác chỉ đạo, cần giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị để kiểm tra giám sát và hỗ trợ nguồn lực. Đặc biệt, tăng cường nguồn nhân lực và phân công cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân; tăng cường giám sát; tăng cường hơn nữa công tác tìm ca tại cộng đồng.

Hiện nay Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ tất cả các quận huyện, do vậy cần triển khai tiếp cận qua các tổ chức cộng đồng nhất là mô hình xét nghiệm thông qua bạn tình, bạn chích… Các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội khi phát hiện trường hợp dương tính cần đưa vào điều trị ARV một cách sớm nhất.
Top