Hà Nội: Cảnh báo xuất hiện các chất ma túy mới, thủ đoạn mới của tội phạm

15/07/2020 16:17

Gần đây qua công tác đấu tranh, Công an thành phố (CATP) Hà Nội phát hiện, thụ lý điều tra các vụ án liên quan đến các loại ma túy mới, phát hiện thủ đoạn mới của đối tượng từ đó xây dựng kế hoạch đấu tranh làm trong sạch địa bàn.

 Đối tượng Phương cùng tang vật là loại nấm ma túy lần đầu có ở Việt Nam

Ngày 7/6/2020, Công an quận Cầu Giấy phát hiện, bắt giữ Nguyễn Trần Tuấn Phương, là sinh viên Khoa Công nghệ sinh học, Đại học Bách khoa Hà Nội có hành vi mua bán trái phép chất ma túy, thu giữ 26,458 gam “nấm thức thần” khô, chứa chất ma túy gây ảo thị giác, loạn thần.

Khám xét nơi ở của đối tượng, lực lượng chức năng thu giữ 1 thùng nhựa, 2 xi lanh chứa bào tử nấm đã sử dụng hết, 1 túi gạo lứt, xơ dừa… dùng vào việc trồng nấm. Phòng Kỹ thuật hình sự, CATP Hà Nội giám định và kết luận số nấm khô trên đều chứa chất ma túy loại Psilocine (có số thứ tự 37, danh mục IB tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục các chất ma túy và tiền chất).

Tại cơ quan điều tra, Phương khai nhận, thông qua mạng xã hội đã tìm hiểu về “kỹ thuật” trồng “nấm thức thần”, đến tháng 3/2020 thì tìm mua phôi nấm về tự trồng. Sau hai tháng, thu hoạch được khoảng 300 gam nấm tươi rồi phơi khô và thu được khoảng 30 gam. Phương dùng tài khoản facebook đăng tin rao bán “nấm thức thần” và đăng tải hình ảnh hướng dẫn sử dụng. Đây là vụ đầu tiên lực lượng công an phát hiện “nấm thức thần” trực tiếp được nuôi cấy, mua bán trên địa bàn.

Trước đó, CATP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ đối tượng có hành vi chế biến bánh ngọt có chứa thành phần cần sa, bơ, bột mỳ, socola, đường để rao bán trên mạng xã hội cho người mua chủ yếu là học sinh, sinh viên.

Cụ thể, ngày 23/12/2019, Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, CATP Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy bắt giữ 2 đối tượng có hành vi mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy, thu giữ 4 bánh chất bột màu nâu khối lượng 147,54 gam chứa thành phần hoạt chất THC, 32 bánh quy chứa cần sa và nhiều dụng cụ để làm bánh.

Ngày 06/6/2020, Công an huyện Đan Phượng tiếp nhận tin báo về việc Nguyễn Văn Khánh, học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng nhập viện sau khi sử dụng 01 điếu thuốc lá đầu lọc do Nguyễn Thị Hà, trú tại xã Thượng Mỗ cung cấp.

Công an huyện đã triệu tập Hà để xác minh sự việc, Hà cũng tự nguyện giao nộp 28 điếu thuốc lá đầu lọc đựng trong hộp giấy có in chữ DOMINIX. Qua giám định cho kết luận sơ bộ, số thảo mộc sợi màu vàng bên trong điếu thuốc lá thu giữ có chứa chất ma túy loại 5F-MDMB-PICA (có số thứ tự 145, danh mục II tại Nghị định số 60/2020/NĐ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục các chất ma túy và tiền chất kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, ngày 15/5/2018).

Ngày 12/6/2020, tại Trung tâm khai thác bưu chính quốc tế miền Bắc, xã Phú Minh, Công an huyện Sóc Sơn phối hợp với Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh, Cục Hải quan Hà Nội tiến hành kiểm tra hành chính đối với Van Der Merwe Pieter Schalk, quốc tịch Nam Phi, trú tại TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh thu giữ nhiều túi nilon chứa chất bột nghi ma túy.

Phòng Kỹ thuật hình sự, CATP Hà Nội đã giám định, kết luận sơ bộ, số chất bột màu trắng bên trong 1 túi nilon có khối lượng 1,005 gam là loại ma túy N-Ethylhexedrone (có số thứ tự 416, danh mục II tại Nghị định số 60/2020/NĐ-CP, ngày 29/5/2020 của Chính phủ). Đáng chú ý, qua giám định còn phát hiện một số mẫu chất có tính năng, tác dụng như ma túy nhưng chưa được đưa vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất ở Việt Nam. Phòng Kỹ thuật hình sự đã có văn bản đề nghị Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an nghiên cứu, tiếp tục giám định.

Qua quá trình điều tra, khám phá các vụ án trên, cơ quan điều tra phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong các vụ án, vật chứng thu giữ được là thảo mộc khô (“cỏ Mỹ”, “nấm thức thần”) hay chế phẩm có tẩm chất ma túy (bánh ngọt), kết quả giám định cho thấy có thành phần chất ma túy có trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn cụ thể của liên ngành Tư pháp trung ương về việc xử lý vụ án có vật chứng thu giữ là các dạng thảo mộc khô có tẩm chất ma túy theo hướng tính theo khối lượng số thảo mộc khô thu giữ được hay căn cứ vào khối lượng/hàm lượng chất ma túy, chất hướng thần được tẩm vào. Do vậy gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý tội phạm, dễ bỏ lọt tội phạm, giảm tính răn đe của pháp luật.

Mặt khác, một số mẫu chất có tính năng, tác dụng như ma túy nhưng chưa có trong danh mục kiểm soát tại Việt Nam nên rất khó xử lý. Trước tình hình đó, chính quyền và CATP Hà Nội đã có công văn gửi các bộ, ngành Trung ương đề nghị giải đáp các vướng mắc trên song đến nay vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn, thời gian tới CATP Hà Nội tiếp tục đề xuất Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành chức năng tham mưu Chính phủ sớm ban hành hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý các vụ án thu giữ vật chứng là các dạng thảo mộc khô có tẩm chất ma túy, chất hướng thần.

Đề xuất Bộ Công an có công văn chỉ đạo Viện Khoa học hình sự hướng dẫn công an các địa phương về công tác giám định chất ma túy, đặc biệt là các chất ma túy mới. Cung cấp mẫu chuẩn để đảm bảo việc giám định nhanh chóng, chính xác giúp cơ quan điều tra có phương hướng xử lý đúng pháp luật, đồng thời kịp thời phát hiện, bổ sung chất ma túy mới vào danh mục quản lý.

Bộ Công an có văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, nhất là về tác hại của các chất gây nghiện, hướng thần mới bị lạm dụng, tập trung vào nhóm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Quản lý tốt hoạt động quảng cáo hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, mạng internet không để đối tượng lợi dụng quảng bá hình ảnh, hướng dẫn cách sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy hòng lôi kéo, dụ dỗ thanh thiếu niên vào con đường tệ hại này. Phối hợp với các đơn vị bộ đội biên phòng, hải quan, an ninh hàng không, quản lý cảng biển tăng cường biện pháp phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ các vụ vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam.

Phối hợp với ngành y tế, công thương, hải quan kiểm soát tốt các hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất, ma túy, chất hướng thần, chất gây nghiện sử dụng trong sản xuất, kinh doanh, khám chữa bệnh, không để đối tượng lợi dụng thu gom vào việc sản xuất trái phép chất ma túy ở trong nước. Đề xuất Bộ Y tế nghiên cứu phác đồ điều trị phục hồi cho người nghiện, lạm dụng các chất ma túy này.

CATP Hà Nội thông báo đến công an các đơn vị, địa phương về phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy qua đó chủ động phát hiện, đấu tranh truy quét đối tượng, nhất là đối với các vụ liên quan đến các chất ma túy mới, hoạt động theo phương thức, thủ đoạn mới.

Top