Hà Nội: Cần tập trung cao độ các chương trình can thiệp dự phòng

22/06/2018 11:09

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Hà Nội cần tập trung cao độ với các chương trình can thiệp dự phòng cho các nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm đồng giới nam; bảo đảm 100% người nhiễm HIV được điều trị; mở rộng hơn nữa các mô hình xét nghiệm, khuyến khích việc tự xét nghiệm; tăng cường đầu tư các chương trình về phòng, chống HIV/AIDS.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị

Chiều 21/6, Ban Chỉ đạo 138 thành phố thuộc UBND TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 của Thành phố.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố phát hiện người nhiễm HIV. Đa số người nhiễm HIV được phát hiện trong độ tuổi 25-49 (chiếm 70%).

Trong số người nhiễm HIV mới được phát hiện, nam giới chiếm 70,6% (cao gấp 2,4 lần nữ giới). Trong 4 tháng đầu năm, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường máu, đường tình dục được phát hiện lần lượt là 36,9%; 63,1%. Tính đến cuối tháng 4/2018, Hà Nội có số người nhiễm HIV/AIDS còn sống là 19.904 (khoảng 10% tổng số người nhiễm HIV/AIDS cả nước). 

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Thành phố đạt được một số kết quả khả quan. Tính đến hết năm 2017, thành phố có 20 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, duy trì 22 phòng khám ngoại trú, 18 cơ sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone... Qua đó, 85% bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) được xét nghiệm tải lượng virus HIV; 80,9% bệnh nhân đang điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ lây HIV từ mẹ sang con thấp (0,7%)... 

Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục tăng mạnh, cộng thêm tính chất biến động dân cư của Thủ đô làm cho dịch khó kiểm soát và phát hiện. Do đó, kết quả thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV được xét nghiệm và biết tình trạng bệnh; 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) tính đến năm 2017 còn thấp, chỉ có 67,8% số người nhiễm HIV còn sống biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 53,1% số người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV.

Trong khi đó, các viện trợ quốc tế cho phòng, chống AIDS bị cắt giảm đáng kể. Từ năm 2019, xét nghiệm và điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV đang từ miễn phí chuyển sang hình thức thanh toán qua bảo hiểm y tế là thách thức lớn trong việc duy trì, ổn định điều trị cho bệnh nhân. 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, để đạt mục tiêu 90-90-90 trong công tác phòng chống HIV/AIDS vào năm 2020. Với quãng thời gian không dài nhưng khối lượng công việc lớn, nếu không có quyết tâm cao thì khó đạt được mục tiêu. 

UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 trên địa bàn thành phố với những giải pháp cụ thể, đó là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều phối của cơ quan thường trực phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng và củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS; tăng cường phát hiện ca nhiễm HIV mới trong cộng đồng và tập trung truyền thông có trọng điểm để người dân hiểu rõ về nguy cơ lây nhiễm HIV, tiếp cận xét nghiệm sớm, giảm kỳ thị trong cộng đồng. Các sở, ngành, quận, huyện cần thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Riêng Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, trong đó giao chỉ tiêu cụ thể cho từng quận, huyện, thị xã thiết lập mạng lưới tiếp cận các ca bệnh từ cộng đồng, rà soát số lượng bệnh nhân đang được điều trị, đồng thời tham mưu cho Thành phố điều phối và thu hút các nguồn tài trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Top