HIV/AIDS không còn bị xem là ‘dấu chấm hết’

12/12/2018 14:17

Các tiến bộ trong phòng ngừa và điều trị đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp HIV/AIDS không còn bị xem là "dấu chấm hết" đối với người bệnh như những thập niên về trước.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã lạc quan đưa ra kỳ vọng sẽ xóa bỏ căn bệnh này trên toàn cầu vào năm 2030. Tuy nhiên, AIDS hiện vẫn là cơn ác mộng đối với nhiều khu vực vì tốc độ lây lan và mức độ hoành hành vẫn vô cùng tàn khốc.

Theo Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), tính từ khi bùng phát cho đến 2017, các bệnh liên quan đến AIDS đã cướp đi tổng cộng 35,4 triệu sinh mạng. Riêng năm 2017, thế giới có đến 36,9 triệu người nhiễm bệnh và 940.000 người tử vong vì các bệnh liên quan. Số người nhiễm bệnh bao gồm 35,1 triệu người lớn và 1,8 triệu trẻ em dưới 15 tuổi, trong đó có 1,8 triệu ca nhiễm mới.

Châu Á Thái Bình Dương có thêm khoảng 280.000 người nhiễm mới trong năm 2017, bên cạnh gần 5,2 triệu người nhiễm HIV đang sống ở khu vực này. Châu Phi tiếp tục được xem là "điểm nóng", nơi căn bệnh vẫn chưa được kiểm soát đúng mức do gánh nặng nghèo đói, điều kiện sống và dân trí thấp.

Tại vùng Hạ Sahara, 3 trong số 4 ca nhiễm HIV mới là ở các thiếu nữ từ 15-19 tuổi, và phụ nữ trẻ từ 15-24 tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn gấp đôi so với nam giới. Tỷ lệ phụ nữ phải hứng chịu bạo lực thể chất hoặc bạo lực tình dục, tỷ lệ trẻ em gái không được đến trường cũng là nguyên nhân khiến phụ nữ tại khu vực này có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn so với tình hình chung.

Những con số nóng hổi cho thấy HIV/AIDS vẫn đang còn là vấn nạn và đòi hỏi nhiều nỗ lực trên quy mô toàn cầu nhằm chặn đứng kịp thời. Một trong những hoạt động thiết thực trước mắt của nhiều tổ chức là bảo vệ người phụ nữ nói chung, đặc biệt là phụ nữ tại châu Phi-những "mục tiêu" yếu đuối và dễ dàng nhất của căn bệnh HIV/AIDS.
Top