Góc khuất của một người Anh hùng

20/08/2018 16:03

Trong các cuộc giao lưu, hội nghị điển hình tiên tiến CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, người quen mặt với cánh báo chí chúng tôi là Đại tá Lê Hồng Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP. Hải Phòng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá Lê Hồng Thắng cùng các cán bộ, chiến sĩ của mình chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ

Không phải vì anh nói hay, mà bởi những thành tích của anh là sự minh chứng rõ rệt nhất cho sự dũng cảm, hy sinh, bản lĩnh của người lính hình sự đất Cảng. Và khi tiếp xúc với anh, chúng tôi còn thấy rằng, đằng sau sự vững chãi, kiên cường của người chỉ huy hình sự ấy, là những góc khuất của một con người giản dị và nhân văn.

Dũng cảm nơi tuyến đầu

Tuổi trẻ, rồi suốt dọc chiều dài binh nghiệp của Đại tá Lê Hồng Thắng dường như gắn liền với các vụ án. Từ một người lính của đội quân H88 lừng lẫy đất Cảng năm xưa, nay là Trưởng phòng CSHS Công an TP. Hải Phòng, anh cũng không nhớ hết đã tham gia bao nhiêu trận đánh...

Mà ấn tượng nhất với tôi chính là câu chuyện anh kể về những lần đối mặt với tội phạm có súng, thậm chí đạn đã lên nòng. Ai cũng chỉ có một tính mạng, đằng sau mỗi người đều có một gia đình. Nhưng trong những lần đối mặt với hiểm nguy, ngàn cân treo sợi tóc, cận kề cái chết ấy, anh vẫn luôn là người giữ được bình tĩnh, linh hoạt trong xử lý tình huống, nhạy bén trong sử dụng kỹ, chiến thuật, biện pháp nghiệp vụ, đặc biệt luôn dũng cảm, quyết đoán ở những thời khắc khó khăn, nguy hiểm nhất.

Đó là lần bắt đối tượng Hải “phú” (tên thật là Vũ Văn Hải, 48 tuổi, ở TP. Nam Định), đối tượng mang 5 tiền án và liên quan đến một đường dây mua bán 100 bánh heroin. Hắn cực kỳ ma mãnh, hung hãn và nguy hiểm, sẵn sàng nổ súng khi bị vây bắt.

Ngay sau khi nhận tin báo chỉ 1 tiếng đồng hồ nữa Hải “phú” sẽ về nhà một người quen ở Hải Phòng để trú ẩn, trinh sát của Phòng CSHS Công an TP. Hải Phòng lập tức đến nơi mà Hải “phú” sẽ xuất hiện là một tiệm cắt tóc, gội đầu, khéo léo điều chủ cửa hàng đi vắng để đảm bảo an toàn.

Khoảng 20 phút sau, Hải “phú” có mặt cùng một đối tượng khác. Thấy chủ tiệm cắt tóc không có nhà, Hải “phú” ra quán nước kế bên ngồi chờ. Khi tín hiệu của trinh sát anh Thắng phóng xe đến trước cửa tiệm và dừng lại. Thấy người lạ, Hải “phú” đứng phắt dậy để tay vào bụng định rút súng. Nhưng ngay lúc đó, anh Thắng nói: "Chủ tiệm này không biết đi đâu mà đóng cửa thế này?”, Nghĩ là khách đến cắt tóc nên Hải “phú” yên tâm ngồi xuống uống nước.

Thế nhưng, khi anh Thắng vừa mới bước xuống xe, Hải “phú” đã đứng dậy và rút súng khẩu Colt chĩa thẳng vào đầu anh. Nhanh như cắt, như một phản xạ có điều kiện, anh Thắng gạt phắt tay súng của hắn, khóa tay, quật ngã chỉ trong tích tắc, thu giữ khẩu súng, 8 viên đạn (1 viên đã lên nòng).

Khi tôi nghe anh kể về vụ đột kích sào huyệt của “ông trùm” ma túy Sòng A Khai (tức Của), SN 1968, ở bản San Cài, xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, tưởng như xem một bộ phim hành động của nước ngoài. Đó là buổi chiều 14/10/2012, anh Thắng chỉ đạo lực lượng trinh sát phối hợp với Công an tỉnh Sơn La triển khai đội hình bao vây khu nhà Sòng A Khai. Nhà của Sòng A Khai nằm tại một khu núi đá, cách quốc lộ 6 khoảng 500m. Hai bên nhà đều là núi đá hiểm trở và rừng cây rậm rạp.

Vào nhà trùm ma tuý chỉ có con đường độc đạo. Đúng 16h, kế hoạch thi hành lệnh bắt, khám xét tại nhà Sòng A Khai được thực hiện. Hơn 30 cán bộ, chiến sĩ do Đại tá Lê Hồng Thắng chỉ huy, cùng lực lượng của Công an tỉnh Sơn La và Công an huyện Mộc Châu chia làm 3 mũi, tiến vào khu nhà Sòng A Khai.

Tuy nhiên, khi lực lượng Công an ập vào nhà thì chỉ còn thấy người vợ tên là Lá và 1 con nhỏ của trùm ma tuý ở trong nhà. Lúc này trời đã xâm xẩm tối, sương mù buông xuống mỗi lúc một dày. Bỗng từ trên đỉnh núi sau nhà Sòng A Khai có tiếng la: “tua, tua… tua” (bắn, bắn… bắn).

Tiếp đó là súng kíp nổ tiếng một, súng hoa cải rào rào, rồi tiếng AK từng loạt chát chúa bắn về phía khu nhà mà lực lượng Công an đang tiến hành khám xét. “Từ trên núi, các đối tượng bắn như vãi đạn về phía khu nhà, tôi lệnh cho một tổ ở lại trong nhà tiếp tục hoàn tất việc khám xét, còn tôi trực tiếp chỉ huy lực lượng ngoài bắn trả, yểm hộ.

Lực lượng ra vòng ngoài nổ súng để vừa hút hỏa lực của đối tượng, vừa bắn áp chế, tạo điều kiện tổ công tác trong khu nhà hoàn thành công tác khám xét và rút ra ngoài an toàn tuyệt đối”, Đại tá Lê Hồng Thắng kể lại. Từ nhà đối tượng ra đường nơi tập kết khoảng 300 mét, nhưng anh Thắng đã 5 lần vừa bắn yểm trợ vừa quay vào, đưa cán bộ, chiến sĩ ra ngoài an toàn trong làn đạn chiu chít của các đối tượng buôn ma túy.

Tấm lòng nhân văn của một người chỉ huy

"Tội phạm, dù cộm cán đến đâu vẫn là con người, vẫn có sự lương thiện ẩn khuất trong họ. Mình dùng chính tấm lòng và sự giúp đỡ chân thành sẽ cảm hóa được họ trở về với cái thiện", anh Thắng luôn trăn trở như thế trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Anh kể về trường hợp của đối tượng X., vì không có tiền cho vợ con nên X. đã nhắm mắt làm liều, đi cướp xe máy của người đi đường. Mấy ngày sau, vợ X. đẻ, không có tiền. Anh Thắng đã trực tiếp xuống bệnh viện nhờ bác sỹ đỡ đẻ cho vợ X., tặng quà cho 2 mẹ con qua những ngày khó khăn ban đầu.

Khi X. được gia đình kể lại những nghĩa tình của người chỉ huy Cảnh sát hình sự đất Cảng, anh ta khóc rưng rức. Kể từ đó, X. quyết tâm cải tạo tốt và đã sớm được trở về với vợ con. Việc đầu tiên X. làm khi ra trại là đến cảm ơn “chú Thắng”. Sau này, nhờ sự giúp đỡ của anh Thắng và mọi người, X. đã mở được một cửa hàng sửa chữa xe máy, hai vợ chồng và đứa con nhỏ sống đầm ấm, lương thiện.

Rồi còn nhiều đối tượng phạm tội khác khi ra tù vẫn đến cảm ơn và được Đại tá Lê Hồng Thắng tạo điều kiện, giúp đỡ cho một công việc tử tế để thực sự trở về cuộc đời lương thiện. "Ít nhất có 3 người đã trở thành giám đốc, phát triển kinh tế rất tốt, có người còn nhận tôi là bố nuôi", anh Thắng cười nói.

Trong chương trình giao lưu các điển hình tiên tiến 70 năm CAND học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, anh Nguyễn Thành Long, một người con nuôi của Đại tá Lê Hồng Thắng cũng đã xuất hiện, là câu chuyện sống động nhất về việc dùng nhân tâm cảm hóa con người của người chỉ huy Cảnh sát hình sự đất Cảng.

Vào thời điểm năm 2006, Đại tá Lê Hồng Thắng đang là Phó Công an huyện An Dương, đồng thời là Phó ban Giải phóng mặt bằng của Khu công nghiệp Tràng Duệ. Do gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, lại bị áp lực từ phía công ty, anh Long đã đưa đối tượng xã hội vào giải quyết việc giải phóng mặt bằng trong một dự án dẫn đến xô xát với dân. Trong quá trình điều tra, anh Thắng đã cảm hóa, giúp Long trưởng thành, nhận thức ra được lỗi lầm của mình. Sau khi ra tù, anh Long đã nhận Đại tá Lê Hồng Thắng là bố nuôi và luôn có cuộc sống hướng thiện.

Nhiều khi, tôi cũng không hiểu vì sao, Đại tá Lê Hồng Thắng lại có thể làm được nhiều việc đến thế. Công việc chỉ huy đánh án dường như không có ngày nghỉ, giờ nghỉ và cứ liên miên từ ngày này sang ngày khác do sự phức tạp của tội phạm hình sự đất Cảng.

Nhưng anh vẫn thu xếp được để làm những công việc thiện nguyện, giúp đỡ người nghèo. Anh ủng hộ vợ thành lập một cửa hàng bán online về chính đặc sản biển của quê hương Hải Phòng, các cán bộ chiến sỹ của Phòng CSHS nếu có điều kiện là trở thành người bán hàng, thậm chí là shipper, công khai tất cả lãi giành cho người nghèo.

Tất cả những tiền bán hàng được, vợ chồng anh Thắng và cán bộ, chiến sĩ Phòng CSHS Công an Hải Phòng đều dồn hết vào các công việc từ thiện. Những ngày cuối tuần, các anh chị đã tranh thủ đi các xã khó khăn của vùng núi phía Bắc tặng quà, trao các thiết bị dạy học, quần áo ấm cho học sinh khi mùa đông đến… Quyên góp ủng hộ các gia đình nghèo khó, bệnh tật hiểm nghèo ở Hải Phòng; ủng hộ xây dựng Trung tâm trẻ em tật nguyền Thiện Giao (Đồ Sơn); ủng hộ xây dựng 2 nhà tình nghĩa ở xã Thái Sơn, An Lão…

Anh còn tham gia phong trào văn nghệ, sáng tác các bài hịch, bài hát cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị dự thi trong các hội diễn của Công an Thành phố. Với anh, dường như nguồn cống hiến là vô tận.

Top