Gian nan xử lý người nước ngoài phạm tội

14/12/2018 08:50

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh phát sinh nhiều đối tượng tội phạm liên quan đến người ngoại quốc. Trong khi đó, công tác xử lý từ điều tra, truy tố đến xét xử đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài đặt ra cho cơ quan tố tụng rất nhiều khó khăn.

 Sylvester Zazy Nlemonwu (SN 1983, quốc tịch Nigeria, tạm trú tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) bị TAND tỉnh Hà Tĩnh kết án 6 năm tù giam về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"

Ngày 21/11/2018, TAND tỉnh Hà Tĩnh kết án Sylvester Zazy Nlemonwu (SN 1983, quốc tịch Nigeria, tạm trú tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP. Hồ Chí Minh) 6 năm tù giam về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đáng nói, ngoài hai đồng phạm của Zazy đã phải nhận tổng mức hình phạt 13 năm tù giam tại phiên tòa này, Ani Emmannuel Francis (quốc tịch Nigeria) là người được xác định có liên quan tới vụ án hiện không tạm trú ở quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) khiến quá trình đấu tranh, làm rõ của cơ quan điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Trước đó, phiên tòa xét xử Ho Hshin Yu (tên tiếng Việt: Hà Tín Dục, quốc tịch Đài Loan, SN 1962, trú tổ dân phố Đồ Gỗ, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh) vào ngày 18/1/2018 kéo dài hơn thường lệ. Nguyên nhân, do bị cáo không biết tiếng Việt nên sau mỗi quá trình thẩm vấn, tranh tụng, tuyên án, phiên dịch phải thuật lại cho bị cáo toàn bộ bằng tiếng mẹ đẻ.

Được biết, hàng năm, TAND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện 7-8 phiên tòa có yếu tố nước ngoài. Để chuẩn bị cho hoạt động xét xử có yếu tố nước ngoài, TAND tỉnh phải gửi công văn cho Sở Ngoại vụ nhờ giúp đỡ nhưng không phải lúc nào yêu cầu này cũng được đáp ứng do sở này không có chức năng đào tạo, cung cấp phiên dịch viên cho tòa án.

 Hiện trường vụ tai nạn giao thông do Hà Tín Dục - đối tượng mang quốc tịch Đài Loan gây ra khiến hai người Việt Nam tử vong tại Km 578 300 (phường Kỳ Long) vào ngày 4/2/2017

Theo một điều tra viên Công an tỉnh Hà Tĩnh, việc xử lý người nước ngoài phạm tội hết sức gian nan. Trong trường hợp mới chỉ có những thông tin ban đầu về hành vi có dấu hiệu tội phạm có yếu tố nước ngoài, phải liên hệ với viện kiểm sát nhân dân tối cao để được ủy thác, chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài nhằm xác minh, làm rõ thông tin. Việc bắt giữ, tống đạt quyết định khởi tố đòi hỏi phải có người phiên dịch, nhưng trên thực tế lại rất khó đáp ứng. Vì vậy, không ít trường hợp, bị can không nắm được quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng hình sự tại Việt Nam.

Ngoài chi phí rất tốn kém về ăn, ở, phương tiện đi lại theo yêu cầu từ phía người phiên dịch trong quá trình "nằm vùng" trên đất khách, vụ án còn bị kéo dài thời gian giải quyết do phụ thuộc vào việc bố trí lịch làm việc của người phiên dịch.

Theo luật định, trường hợp không xác định được nhân thân người có hành vi phạm tội đối với các yếu tố về tuổi, tiền án, tiền sự sẽ bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và phải trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định lý lịch tư pháp của những người nước ngoài có hành vi phạm tội không dễ dàng, chưa kể không thể lấy hành vi phạm pháp của những người này ở nước khác (nếu có) để xác định tiền án, tiền sự theo quy định của pháp luật Việt Nam, mà chỉ xem đây là yếu tố về nhân thân để cân nhắc khi lượng hình. Đối với các vụ án có yếu tố nước ngoài xảy ra trên địa bàn Hà Tĩnh, cơ quan tố tụng đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu sang nước sở tại song không nhận được phản hồi.

Là người trực tiếp bào chữa cho Zazy, phiên dịch viên lấy lời khai của đối tượng, luật sư Nguyễn Thị Quyên (Đoàn Luật sư Hà Tĩnh) cho rằng, khó khăn lớn nhất trong xử lý người nước ngoài phạm tội chính là yếu tố ngôn ngữ. Chưa kể, khả năng của phiên dịch viên cũng là vấn đề đáng bàn bởi nhiều người dù thông thạo ngoại ngữ vẫn chưa thể làm quen với những từ ngữ chuyên ngành pháp lý. Trong quá trình điều tra, sau khi được giải thích về tình tiết giảm nhẹ theo pháp luật Việt Nam, Zazy bày tỏ mong muốn trực tiếp liên hệ với gia đình tại Nigeria để chuyển tiền bồi thường cho bị hại ở thị xã Kỳ Anh. Tuy vậy, điều này vô tình làm khó các điều tra viên bởi lẽ, vấn đề liên lạc với người thân bị can ở nước ngoài không hề dễ dàng.

 Với hành vi mua bán trái phép chất ma túy, Can Phôn Ma Vông Sy (SN 1995, trú thị trấn Lạc Xao, huyện Căm Cợt, tỉnh Bôlykhămxay) và Phăn Sái Lợt Đa La (SN 1993, trú tại bản Thà Khẹc Cáng, huyện Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn, Lào) bị TAND tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 14 năm tù giam

Thực tế, số lượng tội phạm là người nước ngoài ngày càng tăng với thủ đoạn tinh vi, phức tạp. Do vậy, để giảm bớt khó khăn trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử các vụ án có bị can, bị cáo là người nước ngoài, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác giải quyết. Các cơ quan tố tụng cần thống nhất về việc xác minh lý lịch, trích lục tiền án, tiền sự của bị can, bị cáo là người nước ngoài thì không cần ủy thác tư pháp mà chỉ thông báo bằng văn bản cho đại sứ quán, lãnh sự quán của quốc gia mà bị can, bị cáo có quốc tịch biết.

Đồng thời, kiến nghị cho phép cơ quan tố tụng không phải trả hồ sơ điều tra bổ sung để chờ văn bản trả lời mới xét xử. Liên ngành tư pháp Trung ương nên sớm có văn bản hướng dẫn thống nhất trong trường hợp không thể xác minh được thân nhân, lý lịch, tiền án, tiền sự của người nước ngoài thì căn cứ vào các chứng cứ đã thu thập được để xét xử.

Top