Giải pháp đảm bảo hiệu quả chữa trị, quản lý học viên tại Cơ sở cai nghiện

27/01/2020 12:05

Hiện nay, theo thống kê tại các cơ sở cai nghiện ma túy, 70 - 80% học viên sử dụng ma túy tổng hợp, gây ảo giác, diễn biến khó lường, trong khi đó, cán bộ tại cơ sở còn thiếu. Điều này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, điều trị.

Lao động trị liệu tại một cơ sở cai nghiện. Ảnh Nhật Thy

Những bất cập từ cơ sở

Năm 2012, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội với 136 cán bộ quản lý số người nghiện ma túy cả nam và nữ là 670 học viên. Khi đó, đa số học viên sử dụng heroin, số người dùng ma túy tổng hợp rất ít.

Thời điểm hiện tại, học viên chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp, kéo theo hội chứng cai hết sức phức tạp. Nếu như trước đây với người nghiện heroin thì chỉ cần thời gian cắt cơn là từ 10 đến 15 ngày thì nay đa số học viên phải cắt cơn phục hồi trên 20 ngày thậm chí có nhiều trường hợp hết một tháng, hai tháng vẫn không thể hồi phục được và có những biểu hiện bất thường về tâm thần. Học viên khi lên cơn ‘ngáo đá’ thường chửi bới, đập phá , không hợp tác, không tự chủ trong sinh hoạt, thậm chí tự hủy hoại bản thân…

Trước thực trạng đó cơ sở đã phải thường xuyên tăng cường, bổ sung cán bộ quản lý số học viên đang cắt cơn tại phòng Y tế để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho học viên.

Theo quy định, đối với cơ sở cai nghiện ma túy có trên 500 học viên có thể thành lập các đội để quản lý học viên. Nhưng thực tế tại đơn vị Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội với đặc thù Cơ sở cai nghiện đa chức năng quản lý học viên nam, nữ, cai nghiện bắt buộc, tự nguyện nên mặc dù với số lượng 390 học viên nhưng không thể quản lý chung mà phải tách thành các đội để đảm bảo công tác quản lý.

Tại cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hải Phòng, 70 - 80% học viên sử dụng ma túy đá, gây ảo giác, diễn biến khó lường. Ngoài ra, học viên có nhân thân phức tạp (60-70% có tiền án tiền sự), 10-20% nhiễm HIV/AIDS, 100% mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội, 30-40% học viên bị gia đình bỏ rơi phó thác cho Cơ sở. Trong khi đó mục b khoản 3 Điều 7 của Thông tư 25/2018/TT-BLĐTBXH quy định định mức số lượng cán bộ quản lý thì: Cơ sở cai nghiện có từ 100 đến 500 học viên: 1 người quản lý ít nhất 7 học viên bắt buộc và một người quản lý ít nhất 9 học viên tự nguyện là không đảm bảo.

Luật Phòng chống ma túy quy định thời hạn cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ 1 đến 2 năm. Tuy nhiên không có quy định chuyên môn căn cứ vào các tính chất và đặc điểm của từng người nghiện để Tòa án quyết định thời gian cai nghiện. Từ 1 năm đến 2 năm là khung thời gian quá rộng nên Tòa án cấp huyện mỗi nơi áp dụng một kiểu nên khi viên học vào cai nghiện có sự so sánh thời gian cai nghiện.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng chống ma túy ngày 3/6/2008 quy định tại khoản 1 Điều 33 được sửa đổi bổ sung như sau: Người nghiện ma túy sau khi chấp hành xong thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc tại cơ sở cai nghiện phải chịu sự quản lý sau cai nghiện từ 1 năm đến 2 năm theo một trong hai hình thức là quản lý sau cai tại nơi cư trú hoặc quản lý tại cơ sở quản lý sau cai nghiện. Trong khi đó theo thống kê hiện nay ở các cơ sở cai nghiện  đang quản lý diện vắng mặt khoảng trên 100 đối tượng sau cai nghiện ma túy có lý do nhưng hết thời gian tạm hoãn không quay lại cơ sở để thực hiện nốt thời gian cai nghiện.

Đề xuất giải pháp đảm bảo hiệu quả cai nghiện

Để quản lý, điều trị cho học viên có hiệu quả, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hải Phòng đề nghị bãi bỏ Nghị định số 94/2009/NĐ-CP ngày 26/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy; do thực tế thời gian cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy tại các Cơ sở cai nghiện ma túy bị kéo dài, vì vậy gây tâm lý hoang mang, tư tưởng không ổn định, gây khó khăn cho công tác quản lý, giáo dục người nghiện. Nếu người cai nghiện ma túy bắt buộc hết thời gian cai nghiện mà tái nghiện, muốn đi cai nghiện có thể đi cai nghiện tự nguyện, có nhiều mức thời gian, có nhiều sự lựa chọn, tạo tư tưởng thoải mái, yên tâm cai nghiện.

Đề nghị sửa đổi Khoản a Mục 1 Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính: Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc bỏ phần tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy vì thực tiễn tài liệu này rất mất thời gian và mang tính hình thức gây rất nhiều khó khăn cho việc lập hồ sơ cho đối tượng đi cai nghiện.

Về cơ cấu tổ chức, Cơ sở số 2 Hà Hội đề nghị điều chỉnh Thông tư 25/2018/TT-BLĐTBXH ngày 10/12/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội theo đối với học viên bắt buộc: 1 cán bộ quản lý 4 - 5 học viên; đối với học viên tự nguyện:  1 cán bộ chỉ quản lý 6 học viên .

Còn đối với Cơ sở số 2 Hải Phòng, trong thời gian chờ xem xét, sửa đổi Thông tư 25/2018/TT-BLĐTBXH UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản đề xuất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho phép các Cơ sở cai nghiện ma túy công lập trên địa bàn thành phố Hải Phòng tiếp tục thực hiện cơ cấu tổ chức và định mức số lượng người làm việc theo quy định tại Thông tư liên tịch 21/2018/TTLT-BLĐTBXH-BNV để đảm bảo người lao động yên tâm công tác, tránh dao động bởi việc cắt giảm lao động; thực hiện tốt việc quản lý đối tượng theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố về tăng cường công tác quản lý học viên tại các Cơ sở cai nghiện ma túy; không để xảy ra bị động, đột xuất, bất ngờ về tình hình an ninh trật tự tại các Cơ sở; tạo điều kiện để các cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Top