Gần 36 triệu người đang phải sống như nô lệ

19/11/2014 17:09

Theo một tổ chức nhân quyền Australia có tên Walk Free (Tự do Đi lại), gần 36 triệu người, tương đương 0,5% dân số thế giới đang phải sống trong cảnh nô lệ thời hiện đại.

Nô lệ thời hiện đại được hiểu là dùng bạo lực, cưỡng ép, lừa gạt để tước đoạt quyền tự do nhằm bóc lột lao động hay tình dục.

Nhiều trẻ em trên thế giới bị bóc lột lao động từ khi còn rất bé. Ảnh minh hoạ

Các quốc gia như Mauritania, Uzbekistan, Haiti, Qatar và Ấn Độ được xem là nơi nô lệ hiện đại phổ biến nhất.

Năm 2013, Quỹ Walk Free ước tính có khoảng 29,8 triệu người sinh ra đã rơi vào trạng thái nô lệ, bị buôn bán để hành nghề mại dâm, bị vướng vào nợ nần hoặc bị bóc lột lao động cưỡng bức. Theo Quỹ này, số người đang phải sống như nô lệ năm 2014 tăng lên do việc thu thập dữ liệu tốt hơn và tình trạng nô lệ được phát hiện ở cả khu vực mà trước đây người ta chưa phát hiện ra tình trạng này..

Báo cáo về tình trạng nô lệ trên thế giới của của Walk Free có đoạn: “Tình trạng nô lệ hiện đại có muôn hình vạn trạng, từ trẻ em không được tới trường và bị ép lao động hoặc tảo hôn, đến đàn ông không thể rời bỏ nơi làm việc do sức ép nợ nần chồng chất mà họ nợ các cơ sở tuyển dụng, rồi đến những phụ nữ và bé gái bị bóc lột không công, những người giúp việc bị lạm dụng”.

Cũng theo báo cáo này, các nước được coi là có phản ứng mạnh nhất để chống lại nạn nô lệ bao gồm Hà Lan, Thụy Điển, Mỹ, Australia, Thụy Sĩ, Ireland, Na Uy, Anh, Gruzia, và Áo.

Bà Fiona David, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Walk Free tuyên bố, hầu hết các chính phủ đều có thể làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ các nạn nhân và nhổ tận gốc nạn nô lệ khỏi chuỗi cung ứng.

“Tuy nhiên, các kết quả chỉ ra rằng trên giấy tờ thì nhiều thứ đã được làm nhưng những điều đó nhiều khi không được vào cuộc sống”, bà Bà Fiona David nói với Reuters.

Trong năm 2012, Tổ chức Lao động Quốc tế cũng đã ước tính, có gần 21 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức.

Top