Đường hoàn lương của một cô gái lầm lỡ

30/09/2020 15:29

Quá khứ ngủ yên nhưng vẫn luôn âm ỉ và tỉnh giấc vào những lúc My bước ngang qua khách sạn mình từng làm nhân viên và vô số những điểm hẹn phê pha ma túy. Đấu tranh với cám dỗ là thử thách khó khăn nhất của đứa con gái chưa một ngày ngoan hiền...

Hành trình hoàn lương của phạm nhân

Chiều tắt nắng, con đường dẫn vào phòng trọ (đường 30/4, P.11, Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) của My nồng lên mùi đất lâu ngày không có mưa. Khoảnh sân nhỏ trước phòng là chiếc xe ba gác còn vương rớt lại vài mớ rau héo úa. My vừa tranh thủ gội đầu, tóc xõa ngang vai che đi một phần vết xăm vằn vện trên cổ. Gương mặt góc cạnh của cô gái một thời tung hoành ngang dọc, còn lẩn khuất đâu đó nỗi buồn và sự day dứt.

My tranh thủ nấu cơm trưa cho kịp giờ chiều đi bán hàng.

Trần Thị Huyền My (SN 1993, tại An Giang) trong một gia đình đông anh chị em. My là con gái đầu, phía dưới còn 4 đứa em. Ba mẹ My hàng ngày chạy chợ, cõng hàng trên núi Cấm, miếng ăn phải "giật gấu vá vai" quanh năm. My lớn lên thiếu tình thương, sự quan tâm, dạy dỗ của người lớn. Học hết lớp 7, cô bé bỏ giữa chừng. 15 tuổi, My được một bà cô dẫn đi làm việc tại quán cà phê gần biên giới Campuchia. Công việc của My rất nhàn hạ, chỉ việc ngồi hầu chuyện mấy gã đàn ông.

Gọi là hầu chuyện cho văn hóa, thực ra, My mua vui cho các lão già tuổi xế chiều. Vui thì lão cho vài chục ngàn, buồn thì thôi. My nhanh chóng già đi, xương xẩu và nhơ nhuốc với cái nghề của mình. Một năm sau, My đủ lông đủ cánh đã quyết định sang Campuchia rồi vượt biên qua Thái Lan tìm cơ hội phát triển. Tại đây, My được một đàn chị bảo lãnh, che chở, phục vụ những thượng khách.

Nhưng đất Thái không phải là thiên đường với những cô gái như My. Cô bé phải sống trong cảnh kìm kẹp, chăn dắt nghiệt ngã của kẻ cầm đầu. "Đó thật sự là quãng thời gian ngục tù của em, thật là khủng khiếp", My nhớ lại và thốt lên như vậy.

Bầu trời của My qua ô cửa sổ phòng trọ chỉ như chiếc nắp giếng, nắng chói chang và mưa thì ẩm mốc, hôi hám. My làm việc vào ban đêm, hôm nào có khách yêu cầu thì phải tăng ca cả ban ngày. Thân xác My tiều tụy, nhàu nát, ê chề và nhục nhã. Tiền kiếm được 10 đồng thì phải nộp cho chủ 7 đồng, đến một thỏi son cũng chẳng dám mua.

Sau 8 tháng quần quật, My nhận ra, cuộc đời của mình sẽ chôn vùi rồi chết ở đây nếu không tìm đường tẩu thoát. Một đêm ra đường như thường lệ, thay vì phải đi tiếp khách, My ba chân bốn cẳng chạy ra con đường lộ. Thành phố Pattaya về đêm, hào nhoáng và đầy ma mị. Hàng ngàn con người vui cười, ăn chơi nhảy múa bên những ánh đèn lộng lẫy, trong tiếng nhạc xập xình, náo nhiệt. Chưa bao giờ My cảm thấy cô đơn và lạc lõng đến vậy. Vốn tiếng Thái bập bẹ học được, My đã nhờ một người chạy xe khách chở ra biên giới Thái Lan - Campuchia.

Từ đây, My dễ dàng tìm đường trở về Việt Nam. Gần một năm trời bặt tin con gái, cha mẹ My đã rất lo lắng nhưng cũng không biết phải tìm cô ở phương trời nào. My trở về thăm nhà, nói dối gia đình là đi Campuchia làm ăn và tuyệt nhiên không hề nhắc đến khoảng thời gian bên Thái Lan. Đi làm ăn nhưng My lại chẳng cho cha mẹ một đồng, những đứa em ngóng chị dài cổ về mua quà buồn thất thểu, coi khinh chị ra mặt. Ở nhà một thời gian, không biết làm gì, tối ngày nghe mẹ quát mắng các em, cha say rượu lè nhè bực dọc chửi bới, My buồn chán lại xách ba lô ra đi.

Dường như "xây xước" tâm hồn cũng như thể xác, xong là thôi, không để lại trong My vết sẹo nào lớn lao cả. Nó nhẹ tênh, quét qua cuộc đời  một cô gái thôn quê ít chữ nghĩa nhưng có thừa ương ngạnh, ngang bướng. Lần ra đi này, My tới thành phố Vũng Tàu. Kinh nghiệm lão luyện của cô là tìm niềm vui cho khách hàng. My nhanh chóng có một chân trong tiệm cắt tóc, gội đầu, massage tại một khách sạn, nhà hàng ven biển. Công việc đơn điệu, My tìm đến những thú chơi giải khuây. Đầu tiên, cô đi xăm đá lên người để chứng tỏ đẳng cấp thời thượng trong giới trẻ. 

Mốt xăm đá thịnh hành nhất là xăm ở tay, cổ, vai, chân, thậm chí ở một số vị trí nhạy cảm trên cơ thể. My chọn xăm 15 viên đá trên hai bả vai và cổ. Theo quan niệm của My, thì 15 chính là mốc thời gian "đánh mất cuộc đời" của cô. Cái ngày cô bị lão "dê xồm" ở quán cà phê cho một ít tiền rồi nhăn nhở ép "phục vụ". Đá nằm trên cổ và bả vai mang ý nghĩa gánh nặng cuộc đời và số phận.

Xăm đá vô cùng đau đớn. Muốn xăm một viên đá lên da thịt, trước tiên phải làm sạch vùng da được xăm, tiếp theo là dùng dao giải phẫu rạch vùng da đó để đưa miếng kim loại vào sâu dưới lớp da, sau đó là những viên đá có gắn đế để vặn chặt vào miếng kim loại. Sau đó, thợ xăm tỉ mỉ dùng dao chuyên dụng tạo hình lên da, dùng ghim kẹp rồi đính từng hạt đá vào da thịt theo hình dạng người xăm mong muốn. My vì buồn đời, bất lực với việc kiếm tiền nên đã sống buông thả và chán chường như thế.

Mỗi lần đi "xõa", My diện những chiếc váy mỏng manh để lộ nguyên bộ xăm đá lấp lánh trên bờ vai, My nhanh chóng trở thành "dân chơi" thứ thiệt. "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén", My lao vào ma túy như con thiêu thân. Tiền lương hàng tháng không đủ cho cô ném vào "khói trắng". Đói khát, tiều tụy, bơ phờ hốc hác, My bị chủ khách sạn đuổi việc.

Chẳng còn con đường nào khá hơn, My đi "bán vốn tự có", cái nghề mà cô đã thề nguyền sẽ không bao giờ làm nữa sau khi thoát khỏi ổ chứa bên Thái Lan. Trở thành "con nghiện", thì sự liều lĩnh và trơ trẽn là bản năng sinh tồn đặc trưng. Trong một đợt truy quét của lực lượng chức năng, My bị bắt tại trận khi đang phê thuốc. Cô bị đưa đi phục hồi nhân phẩm và cai nghiện bắt buộc.

Hơn 2 năm cai nghiện, My bắt đầu nhận ra nỗi cô độc, bất hạnh của một đứa con bị gia đình ruồng bỏ. Ngày biết tin con bị đưa đi cải tạo, cha cô đã nhắn một câu lạnh lùng: "Coi như tao không có đứa con này. Một cái cây, lá nào vàng thì ngắt bỏ lá đó". Nghĩ đến gia đình, mẹ và các em, My thấy mình ngập tràn tội lỗi. Ra đời nhiều năm, chỉ duy nhất một lần My gửi cho mẹ 3 triệu đồng để mua quần áo, sách vở cho các em đi học. Còn lại, cô vùi lấp bản thân bằng những cuộc ăn chơi hành xác vô độ. My tự nhận mình là đứa con gái hư hỏng, mất nết, đã lầm đường lạc lối để rồi đánh mất tuổi trẻ, ước mơ, sự nghiệp.

My quay về thành phố biển với quyết tâm "ngã ở đâu thì đứng lên ở đó". Quá khứ ngủ yên nhưng vẫn luôn âm ỉ và tỉnh giấc vào những lúc My bước ngang qua khách sạn mình từng làm nhân viên và vô số những điểm hẹn từng phê pha ma túy.

Đấu tranh với cám dỗ là một thử thách khó khăn nhất của đứa con gái chưa có một ngày ngoan hiền. Với hình xăm trên vai và cổ, My không thể xin vào làm công ty hoặc một nơi nào đó trong sáng lành mạnh. Xăm đá nếu muốn "nhổ" nó lên, thì ngoài đau đớn ra còn để lại vết sẹo giống như vảy rồng, nham nhở và xấu xí.

Đứng dậy sau khi vấp ngã không bao giờ là dễ dàng, nó luôn khiến con người chùn bước, chán nản. My đã không còn gì để mất nhưng muốn sống thì phải lao động. My xin được một chân chạy bàn cho quán ăn đêm tại bãi biển.

Làm được một tuần, phải thức đêm suốt nên cô không có sức. Bà chị hàng xóm thấy thương rủ đi bán hàng trên xe ba gác tại cổng khu công nghiệp Đông Xuyên (thành phố Vũng Tàu). My bỡ ngỡ, thẹn thùng vào nghề buôn bán. Cứ 3 giờ sáng, My phải đi lấy rau củ quả tại chợ đầu mối Bà Rịa - Vũng Tàu. Công việc vất vả nhưng tự do, làm được từng nào hưởng từng đó, không phải lệ thuộc ai, My đã thích nghi nhanh chóng.

Những ngày tháng 5 trời nóng đỏ lửa, trên chiếc xe ba gác, cô lái buôn Huyền My trùm chiếc khăn kín cổ, che gần hết khuôn mặt, cong người đạp xe rau củ quả đầy ăm ắp đi bán dạo khắp các con hẻm, khu công nhân. Trưa về ăn cơm nghỉ ngơi một chút, chiều lại gò xe ra cổng khu công nghiệp bán. My cho biết, cô vẫn chưa dám về thăm nhà, thỉnh thoảng gọi điện cho mẹ nhưng chỉ nói được vài câu là bị tiếng nấc nghẹn lại. Nước mắt, có lẽ là phần thiện lương mà ngày xưa đã ngủ quên trong con người của My, bây giờ mới có cơ hội tuôn trào.

Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, Huyền My rất lạc quan, vui vẻ. Cô không xấu hổ, cũng chẳng sợ hãi nữa, cảm xúc đã chai lì rồi. Điều cô mong ước lớn nhất lúc này là được sự tha thứ của gia đình, được chào đón trở về sau những năm tháng lầm đường lạc lối của tuổi trẻ.

 

Top