Doanh nghiệp có quyền sa thải lái xe sử dụng ma túy

30/09/2014 08:31

Trong trường hợp phát hiện lái xe có sử dụng ma túy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể ngay lập tức áp dụng hình thức kỷ luật sa thải đối với lái xe theo quy định của Pháp luật và Nội quy của doanh nghiệp.

Thực hiện khám sức khỏe đối với lái xe tại TPHCM.

Vừa qua, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải tại TPHCM đã có văn bản gửi Sở Giao thông Vận tải TP, đề nghị hỗ trợ pháp lý về trường hợp “chấm dứt hợp đồng lao động đối với lái xe dương tính với chất ma túy” theo kết luận của bác sỹ.

Công văn có đoạn: “Sau khi đơn vị thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động thì các tài xế dương tính với chất ma túy kiện đơn vị ra tòa. Lý do được nêu ra là đơn vị chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định”.

Doanh nghiệp này cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải TPHCM vừa qua đã phối hợp với Bệnh viện Giao thông Vận tải TP tổ chức kiểm tra sức khỏe cho hơn 400 tài xế. Qua kiểm tra phát hiện 7 tài xế dương tính với chất ma túy. Kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Giao thông Vận tải sau đó được đưa qua Viện Pasteur TPHCM kiểm tra lại cũng cho kết quả dương tính.

Từ kết quả nêu trên, doanh nghiệp đã tiến hành chấm dứt hợp đồng ngay lập tức với 7 tài xế trên, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ như trả lương, bảo hiểm, chế độ thất nghiệp… Tuy nhiên, do người lao động không chấp nhận cách giải quyết của doanh nghiệp nên vẫn quyết định đâm đơn khiếu kiện.

Trao đổi về trường hợp nêu trên, ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM cho rằng, chuyện người lao động kiện doanh nghiệp ra tòa là bình thường vì đây là quyền công dân, họ có quyền khiếu kiện khi thấy mình bị thiệt thòi.

Việc doanh nghiệp thực hiện khám sức khỏe và loại những tài xế nghiện ma túy là theo chỉ đạo của Bộ, Sở Giao thông Vận tải. Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên áp dụng nên doanh nghiệp sẽ khó tránh khỏi sự lúng túng trong quá trình thực hiện.

Trên phương diện pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM cho rằng, chủ trương chấm dứt hợp đồng lao động đối với các tài xế dương tính với chất ma tuý là chủ trương đúng đắn, góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng của các hành khách và các chủ thể tham gia giao thông trên đường và của chính tài xế.

Chủ trương này nếu được thực hiện tốt thì sẽ hạn chế được tình trạng tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng ở nước ta trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc xem xét xử lý kỷ luật sa thải các tài xế sử dụng ma túy vẫn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, doanh nghiệp hoàn toàn có thể thoả thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Bộ luật lao động, hoặc xem xét xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải theo quy định tại Khoản 1 Điều 126 Bộ luật lao động và Nội quy lao động của doanh nghiệp.

Khoản 1, Điều 126 Bộ Luật Lao động nêu rõ, hình thức xử lý kỷ luật sa thải có thể được doing nghiệp áp dụng trong những trường hợp: người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích và sử dụng ma tuý khi làm việc…

Tuy nhiên, theo luật sư Hậu, trước khi chính thức sa thải người lao động, doanh nghiệp cần phải triệu tập một cuộc họp Hội đồng kỷ luật (gồm: Giám đốc doanh nghiệp, Ban chấp hành Công đoàn và đại diện người lao động) để đưa ra hình thức kỷ luật là sa thải người lao động do bị phát hiện có sử dụng ma túy tại nơi làm việc.

Top