Độ tuổi nào được thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính?

23/10/2017 10:18

Việc quy định độ tuổi đối với người được thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính rất quan trọng vì quyết định thay đổi giới tính vừa gắn với quyền nhân thân của chính họ, vừa ảnh hưởng đến suốt cuộc đời còn lại của họ. Do vậy, để người đó tự quyết định con người mình, cuộc đời mình thì trước hết họ phải đạt đến một độ tuổi nhất định, khi mà họ có suy nghĩ chín chắn về hành vi và hậu quả do hành vi của mình gây ra.

Nhìn ra thế giới

Theo báo cáo đánh giá tác động Dự án Luật chuyển đổi giới tính đang được Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến, hiện nay có các quy định khác nhau của các nước về độ tuổi để được thực hiện phẫu thuật hoặc công nhận là người chuyển đổi giới tính

Một số nước yêu cầu độ tuổi tối thiểu để phẫu thuật chuyển đổi giới tính hoặc được công nhận là người chuyển đổi giới tính khi đáp ứng điều kiện về độ tuổi tối thiểu là 18 tuổi như: Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Na Uy, Phần Lan…

Một số nước yêu cầu độ tuổi tối thiểu để được công nhận là người chuyển đổi giới tính cao hơn, Đức: 25 tuổi, Nhật: 20 tuổi (phẫu thuật ngực từ 18 tuổi), Đài Loan (20 tuổi), Hồng Kông: 21 tuổi.

Một số nước không yêu cầu về độ tuổi của người sử dụng hoóc môn như Tây Ban Nha… Một số nước yêu cầu về độ tuổi của người sử dụng hoóc môn như Nhật Bản: 18 tuổi (trong 1 số trường hợp có thể bắt đầu từ 15 tuổi), Cộng hòa Séc (16 tuổi).

Ở Việt Nam hiện nay rất khó biết được số lượng chính xác người chuyển giới, đặc biệt khi khái niệm chuyển giới khi chỉ bao gồm những người đã thực hiện phẫu thuật mà cả những người có cảm nhận rõ ràng về giới tính thực của mình khác với giới tính sinh học và có mong muốn được chuyển đổi. Tuy nhiên, theo số liệu điều tra chưa chính thức, ở Việt Nam ước tính có khoảng 300.000 người chuyển giới, chiếm 0,3% dân số, trong số đó phần lớn là những người ở độ tuổi trưởng thành, vì ở độ tuổi chưa trưởng thành, người chuyển giới chưa có nhận thức rõ ràng về xu hướng tình dục, bản dạng giới và thường che giấu, chưa dám thể hiện giới tính thực của mình.

Muốn chuyển giới phải trên 18 tuổi?

Theo nghiên cứu của iSEE về người chuyển giới, các giai đoạn của quá trình nhận thức của người chuyển giới về bản dạng giới bắt đầu ngay từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành. Ở giai đoạn chưa trưởng thành, người chuyển giới thường không hiểu rõ ràng về xu hướng tình dục và bản dạng giới nên thường hoang mang khi thấy mình khác lạ với các bạn đồng lứa. Hoảng sợ vì nhận ra tình cảm khác lạ của mình với bạn đồng giới, một số người trở nên sống co cụm, ngại tiếp xúc vì sợ bị trêu chọc, bị cho là quái đản hay bệnh hoạn.

Phẫu thuật chuyển giới. Ảnh internet

Do vậy, nếu cho phép người chưa trưởng thành được thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, nhận thức, suy nghĩ dễ bị lệch lạc, sức khỏe của chính người chuyển giới vì đây là đối tượng nhạy cảm, đang trong giai đoạn phát triển, chưa hoàn thiện về thể lực, trí tuệ và sức khỏe tâm thần.

Ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người chuyển giới còn rất lớn, ngày cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM vẫn chưa có sự cởi mở trong cách nhìn nhận của cộng đồng xã hội. Vì vậy, ở độ tuổi chưa trưởng thành, trước sự kỳ thị của xã hội dễ làm các em sống cô lập, co cụm hoặc bỏ nhà đi lang thang, bỏ học… từ đó gây ra nhiều vấn nạn cho xã hội.

Ở độ tuổi chưa trưởng thành, đây là độ tuổi đang trong giai đoạn phát triển và chưa hoàn thiện về thể lực, trí tuệ, nhận thức, sức khỏe tâm thần và dễ bị tác động bởi người khác.

Do trường hợp đã sử dụng hoóc môn trong một thời gian dài (khoảng từ 1-2 năm) hoặc phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam thì rất khó có thể quay lại giới tính ban đầu (do bị thay đổi hoặc bị cắt bỏ hoặc tái tạo bộ phận mới). Vì vậy, đòi hỏi người này phải ở tuổi trưởng thành. Ở Việt Nam, theo quy định của pháp luật dân sự thì người từ đủ 18 tuổi là người có năng lực hành vi đầy đủ và phải tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.

Để đảm người có mong muốn chuyển đổi giới tính nhận thức được đầy đủ, toàn diện về giới tính thật của mình và hậu quả có thể xảy ra, từ đó thực hiện quyền chuyển đổi giới tính một cách tự nguyện, Bộ Y tế đưa ra 3 giải pháp.

Giải pháp 1:  Quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính.

Giải pháp 2: Quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Người từ đủ 16 tuổi trở lên được sử dụng hoócmôn.

Giải pháp 3: Quy định người từ đủ 16 tuổi trở lên được thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính và sử dụng hoóc môn. Trường hợp chưa đủ 16 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Bộ Y tế đánh giá, giải pháp 1 đem lại nhiều lợi ích cho Nhà nước hơn so với giải pháp 2 và giải pháp 3. Cụ thể, do được coi là đã trưởng thành nên người từ đủ 18 tuổi trở lên đã phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ. Người này hoàn toàn ý thức được việc mình đang làm cũng như nhận thức được hậu quả do hành vi của mình gây ra. Vì vậy, việc quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính giúp Nhà nước tiết kiệm được một phần chi phí dự phòng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, chi phi khắc phục hậu quả có thể từ những rủi ro do thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính hoặc những vấn nạn xã hội về giáo dục, việc làm…

Giải pháp 2 và giải pháp 3 có thể làm tăng một phần chi phí tích lũy cho Nhà nước từ hoạt động cung ứng hooc môn, phẫu thuật chuyển đổi giới tính cho đối tượng dưới 18 tuổi có mong muốn chuyển đổi giới tính. Tuy nhiên, giải pháp 2 và giải pháp 3 sẽ có nhiều tác động tiêu cực hơn đến Nhà nướ.  Nguyên nhân là do người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, vẫn được coi là người chưa thành niên vì chưa phát triển đầy đủ về thể chất, trí tuệ và tâm, sinh lý đối với cả nam và nữ. Việc cho phép người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được phẫu thuật chuyển đổi giới tính có thể sẽ có phát sinh các yêu cầu thay đổi lại giới tính ban đầu khi người này đến tuổi trưởng thành. Do vậy, Nhà nước sẽ phải tốn chi phí cho việc giải quyết thủ tục hành chính này và có thể làm xáo trộn các quan hệ xã hội phát sinh có liên quan như quan hệ dân sự, gia đình, hộ tịch…

Việc cho phép người tử đủ 16 tuổi trở lên được thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính và cả trường hợp người dưới 16 tuổi được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ sẽ dẫn đến trường hợp chuyển đổi sang giới tính không phải giới tính mà người đó mong muốn, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, nhận thức của người chuyển đổi giới tính và có thể dẫn đến tình trạng trẻ bỏ nhà đi lang thang, sống cô lập hoặc tự tử, tệ nạn xã hội… Như vậy, Nhà nước sẽ phải bỏ chi phí để khắc phục những hậu quả từ hệ lụy trên gây ra.

Đối với người chuyển giới, nếu trên 18 tuổi, việc chuyển đổi từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam sẽ không có điều kiện để khắc phục lại. Vì vậy việc quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên được thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính sẽ giúp người có mong muốn chuyển đổi giới tính thực hiện quyền chuyển đổi giới tính của mình hoàn toàn tự nguyện, hạnh phúc với giới tính mình đã chuyển đổi và hạn chế được hậu quả có thể xảy ra vì người từ đủ 18 tuổi là người đã trưởng thành, đã hoàn thiện về thể lực, nhận thức đầy đủ về hành vi của mình và đủ chín chắn trong việc xác định giới tính thật của mình. Đồng thời, về mặt y tế việc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính ở độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên cũng bảo đảm an toàn cho sức khỏe của người chuyển đổi giới tính, hạn chế được một số bệnh như tim mạch, loãng xương…

Giải pháp 2 và giải pháp 3 giúp người có mong muốn chuyển đổi giới tính sớm tiếp cận được với dịch vụ can thiệp y học về chuyển đổi giới tính và việc sử dụng hooc môn ít tốn kém về kinh tế cho người sử dụng.

Tuy nhiên, theo tài liệu về dịch vụ y tế dành cho người chuyển giới tại Newzealand, việc tiêm hooc môn ở độ tuổi dưới 18 tuổi và không có quy trình sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và các bệnh như tim mạch, loãng xương...

Trong 3 giải pháp đưa ra, Bộ Y tế lựa chọn giải pháp 1 quy định người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được thực hiện can thiệp y học về chuyển đổi giới tính bởi điều này phù hợp, thống nhất với quy định tại Bộ luật Dân sự về năng lực hành vi dân sự.  Độ tuổi từ 18 tuổi trở lên là độ tuổi mà người muốn chuyển đổi giới tính nhận thức được đầy đủ, chín chắn đối với việc thực hiện chuyển đổi giới tính của mình, từ đó bảo đảm được mong đợi của họ là được sống đúng với giới tính mà mình mong muốn;  bảo đảm an toàn về sức khỏe cho người chuyển đổi giới tính.

Top